Gặp nhạc sĩ của Huế mưa

08:03, 21/03/2019

Huế mưa là tên ca khúc đoạt Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018 của nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Huế mưa là tên ca khúc đoạt Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2018 của nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
 
Nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đạ Tẻh
Nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đạ Tẻh
Trước khi gặp tác giả ca khúc nói trên, trong đầu tôi cứ mãi vẩn vơ ý nghĩ rằng, ở cái xứ nóng nung người như Đạ Tẻh - nơi nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu sinh sống và công tác - lấy đâu ra chất mưa mộng mị để viết về đất Thần Kinh cơ chứ? Nói như thế không có nghĩa, nhất thiết phải có ngoại cảnh dẫn dụ, rủ rê yêu thương thì mới viết được về Huế, một nơi nổi tiếng mộng mơ, thâm trầm. Tất nhiên, tôi vẫn biết, với người nghệ sĩ, sự xao động trong tâm thức mới là yếu tố quyết định. Tôi đem thắc mắc đó hỏi nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu, anh cho biết: “Thông qua facebook của một người bạn, tôi bắt gặp bài thơ Anh có về với Huế quê em không? của tác giả Ngân Hà. Vì yêu thích những câu thơ, tôi chủ động làm quen với tác giả Ngân Hà, rồi gọi điện thoại ngỏ ý muốn phổ nhạc bài thơ và cô ấy đã đồng ý”. 
 
Được khơi gợi cảm hứng từ những câu thơ “Anh có về với Huế quê em không?/ Đất Thần Kinh lắm mưa nhiều nắng cháy/ Tây Trường Sơn gió lùa về tan chảy/ Răng thiên tai cứ trút xuống quá chừng!”, nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu cho ra đời những câu hát tha thiết: “Anh có về với Huế quê em không/ Đất Thần Kinh ứ ư hừ lắm mưa nhiều nắng cháy/ Tây Trường Sơn gió lùa về tan chảy/ Răng thiên tai cứ trút xuống quá chừng”. “Ở bài hát này, tôi viết theo hình thức 2 đoạn đơn A - B, sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Huế để lột tả nét duyên riêng của cố đô, qua tâm sự của một cô gái Huế với một chàng trai ở phương xa”, nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu chia sẻ.
 
“Mấy bữa rồi mưa chi lạ chẳng ngưng/ Cứ triền miên ứ ư hừ tuôn liền ngày liền tháng/ Đợi anh về cho nắng hồng bừng sáng/ Dẫu Huế buồn vẫn dịu lắm nét thơ”, giai điệu nhẹ nhàng, êm ái của ca khúc rất phù hợp với tâm trạng mong ngóng người thương của cô gái Huế. Tất cả như dồn nén lại để rồi bừng lên câu hỏi khắc khoải: “Anh có về hay phiêu bạt nơi mô?/ Có biết chăng Huế đằm mình trong lũ/ Bao lâu rồi rứa vẫn còn chưa cạn/ Để Tràng Tiền lặng ngắm mắt Huế mưa”. “Anh có về hay phiêu bạt nơi mô”, câu hát được điệp lại hai lần tha thiết, vang vọng. Một lời hỏi chưa có lời đáp trả. Vì thế, nỗi mong ngóng của cô gái càng thêm da diết: “Để mình em với khoảng trời thương nhớ/ Ngoài trời mưa sao mưa hoài mưa mãi/ Chờ nắng lên cho Huế lại mộng mơ ớ ơ ờ”.
 
 “Sáng tác ca khúc xong, tôi gọi điện thoại cho Ngân Hà và hát luôn ca khúc đó cho tác giả bài thơ nghe. Ngân Hà bảo rất vui, vì ca từ, giai điệu của bài hát rất hợp với lời thơ của cô ấy, nhất là nó lại đặc chất Huế. Ngân Hà còn cho biết, trước tôi, cũng đã có 2 nhạc sĩ, một người ở Đà Nẵng và một người ở Phú Yên, phổ nhạc bài thơ Anh có về với Huế quê em không?”, nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu tâm sự.
 
 Những câu hát trong ca khúc Huế mưa, ca khúc này ban đầu có tên Anh có về với Huế quê em không? của nhạc sĩ Quách Ngọc Hiếu không chỉ chạm vào tâm tình của những người đang sống ở Huế cảm nhận rõ ràng về mưa Huế, mà còn chạm được rất sâu vào tâm hồn cả những người nơi xa cái chất Huế. Tôi biết có không ít người đã “mượn” ca khúc này để bày tỏ tình yêu của mình với Huế, mặc dù họ chưa một lần đặt chân đến Huế.

 

 
TRỊNH CHU