Nữ cựu tù và "Chuyện kể về những người mẹ"

10:03, 07/03/2019

Ðó là nữ cựu tù bị địch bắt cầm tù hai lần Cao Thị Quế Hương vừa cho ra mắt ấn phẩm Hồi ký, ghi chép "Chuyện kể về những người mẹ" do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Và, mới đây được Thư viện tỉnh Lâm Ðồng giới thiệu đến bạn đọc nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
 

Ðó là nữ cựu tù bị địch bắt cầm tù hai lần Cao Thị Quế Hương vừa cho ra mắt ấn phẩm Hồi ký, ghi chép “Chuyện kể về những người mẹ” do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành. Và, mới đây được Thư viện tỉnh Lâm Ðồng giới thiệu đến bạn đọc nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
 
Tác giả và tác phẩm “Chuyện kể về những người mẹ”. Ảnh: K.N
Tác giả và tác phẩm “Chuyện kể về những người mẹ”. Ảnh: K.N

Trong khán phòng gần như chật kín chỗ ngồi của Thư viện tỉnh, người phụ nữ năm nay đã chạm tuổi 78 vẫn đi lại nhanh nhẹn, hoạt bát trao đổi với mọi người về những năm tháng tù đầy, những trải nghiệm trong cuộc đời, việc đưa những hình ảnh các mẹ, các chị trong đời sống từng gặp vào tập Hồi ký và ghi chép “Chuyện kể về những người mẹ”. Những người mẹ ở đây được tác giả Cao Thị Quế Hương kể đều có thật trong hành trình hoạt động cách mạng cũng như thời gian công tác tại Lâm Đồng. Vì vậy, không khó khăn để nhận ra đó là ký ức về người mẹ thân yêu sinh thành, nuôi dưỡng mình hay những người mẹ mà tác giả đã từng gặp gỡ, sẻ chia “trong thân phận làm mẹ” trên chặng đường mà tác giả đã qua. Mỗi người trong chúng ta đều có một người mẹ để yêu thương suốt đời. Có lẽ chính vì thế mà trong lời giới thiệu tập sách, chị Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã trải bày rằng: “Viết về người mẹ, câu chuyện nào, cuộc đời nào cũng rất hay, rất cảm động, lôi cuốn người đọc”... Bởi như một danh nhân đã từng nói “Đằng sau một gia đình hạnh phúc là sự hy sinh thầm lặng cả đời của một người mẹ”. 
 
Những người mẹ hiện lên trong từng trang sách mà theo như tác giả các mẹ đã từng sinh sống qua các giai đoạn, các thời kỳ gắn liền với lịch sử đất nước. Từ thời phong kiến thực dân áp bức, đến những năm tháng chống Mỹ cứu nước và cả ngày hôm nay nhưng tất cả đều “chấp nhận sự hy sinh thiệt thòi của bản thân mình để nuôi con khôn lớn, dạy con nên người” và những đứa con bình thường ấy của các mẹ “biết ý thức khi quê hương đất nước cần và đi vào cuộc chiến đấu với tấm lòng vô tư trong sáng” - tác giả Cao Thị Quế Hương bộc bạch trong lời nói đầu tập sách. Xuyên suốt gần 200 trang sách là bấy nhiêu biểu cảm của tác giả về các mẹ mà chỉ cần đọc qua tựa của các câu chuyện cũng có thể cảm nhận ở các mẹ dù trong chiến tranh hay hòa bình đều sẵn sàng hy sinh vì nước, vì những đứa con thân yêu. Đó là “Bà mẹ của 14 người con”, “Nỗi niềm người không được làm mẹ” hay “Vẫn một lòng đi theo cách mạng”, “Mẹ Khẩn” hoặc “Không mẹ có dì”... nhưng sâu đậm nhất đấy là hồi ký “Chuyện kể về mẹ tôi” - người sinh ra chính tác giả. 
 
Bạn đọc đến dự buổi giới thiệu tác phẩm tại Thư viện tỉnh. Ảnh: K.N
Bạn đọc đến dự buổi giới thiệu tác phẩm tại Thư viện tỉnh. Ảnh: K.N

Theo nhà báo, nhà thơ Trần Ngọc Trác nhìn nhận: Tập sách là một ấn phẩm tập hợp một số bài viết trước đây và mới được viết thêm. Không đặt nặng về tính nghệ thuật, nhưng đọc qua đều thấy ẩn hiện trong đó là sự mất mát hy sinh hay nỗi oan khất của những người mẹ mà chị đã gắn bó, thấu hiểu. Còn chị Phạm Thị Mỹ Huyền thì mong muốn sách sẽ được đưa vào hệ thống thư viện, nhà trường trong tỉnh để “giới thiệu đến chị em phụ nữ và bạn đọc gần xa về vai trò, tầm quan trọng của người mẹ trong gia đình, giúp thế hệ trẻ chúng ta ngày nay biết được các mẹ ở thế hệ trước đã sống như thế nào, chịu đựng ra sao để giữ ấm cho gia đình mình luôn được trọn vẹn, hạnh phúc và nuôi dạy con cái trưởng thành để trở thành những công dân có ích”. 
 
Tác giả Cao Thị Quế Hương sinh năm 1941, tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn. Chị tham gia cách mạng vào năm 1968, bị địch bắt cầm tù hai lần. Tác giả từng kinh qua các vị trí công tác khác nhau, từ giữ cương vị Hội trưởng Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng, sau khi về hưu sống tại TP Đà Lạt.
 
Được biết, trong những năm làm công tác phụ nữ, tác giả là một trong những người đứng ra mời các nhạc sỹ ở TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, Lâm Đồng sáng tác ca khúc và nhạc phẩm “Tình khúc ơ bai” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà công chúng yêu nhạc biết tới được ra đời trong đợt sáng tác ấy.
 
KHẢI NHIÊN