Hội về B'Lao phố

08:05, 16/05/2019

Một bức tranh văn hóa đa sắc, đa thanh được gần 400 nghệ nhân của 12 đoàn nghệ nhân đến từ 12 huyện, thành trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng vẽ nên tại vùng đất B'Lao, địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Ðồng lần thứ III - năm 2019.

Một bức tranh văn hóa đa sắc, đa thanh được gần 400 nghệ nhân của 12 đoàn nghệ nhân đến từ 12 huyện, thành trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng vẽ nên tại vùng đất B’Lao, địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Ðồng lần thứ III - năm 2019.
 
Các nghệ nhân tái hiện nghi lễ truyền thống của dân tộc mình tại Ngày hội. Ảnh: T.C
Các nghệ nhân tái hiện nghi lễ truyền thống của dân tộc mình tại Ngày hội. Ảnh: T.C
 
Ấn tượng âm sắc cao nguyên
 
Bóng tối vừa phủ xuống cảnh vật ở Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành phố Bảo Lộc thì gần như cùng lúc ánh đèn sân khấu cũng được bật sáng, sẵn sàng cho đêm khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - năm 2019, với chủ đề Bản sắc Nam Tây Nguyên. “Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - năm 2019 là dịp để các nghệ nhân, các đoàn nghệ nhân bằng tài năng, tâm huyết của mình trình diễn, chia sẻ những kỹ năng tấu chiêng, múa xoang, tri thức dân gian, đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Với ý nghĩa đó, tôi tuyên bố khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - năm 2019”, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, phát biểu mở đầu Ngày hội. 
 
Sau lời khai mạc, cộng đồng các dân tộc thiểu số Mạ, K’Ho, Chu Ru, S’Tiêng, M’Nông... đã mang đến Ngày hội những tiết mục đặc sắc nhất, thể hiện đậm nét nhất đời sống sinh hoạt mà dân tộc mình sở hữu, qua các bài cồng chiêng trầm hùng, những nhịp xoang uyển chuyển, các nghi lễ cộng đồng. Trong tiếng cồng chiêng ngân vọng rộn ràng, trong vũ điệu hình thể múa xoang khỏe khoắn, những chàng trai, cô gái người Mạ thuộc Đoàn nghệ nhân thành phố Bảo Lộc tạo cho kỳ hội một bầu không khí tưng bừng. Sự phô diễn sức mạnh cùng vẻ đẹp hình thể khỏe khoắn ấy, lại được chính những chàng trai, cô gái người S’Tiêng trong Đoàn nghệ nhân huyện Cát Tiên tiếp nối bằng điệu chiêng mừng lúa mới. Điệu chiêng có nghĩa cảm tạ các thế lực siêu nhiên đã thương yêu, che chở cho dân làng có một vụ mùa tươi tốt, thóc lúa đầy kho. Đoàn nghệ nhân huyện Di Linh tái hiện cảnh gặt lúa, gánh lúa chất đầy kho, khiến người nghe, người xem cảm nhận rõ không khí ngày mùa rộn ràng và niềm vui của người dân khi đón nhận thành quả lao động do chính tay mình gieo trồng. Các nghệ nhân của Đoàn nghệ nhân huyện Lạc Dương và Đoàn nghệ nhân huyện Đơn Dương thì tỏa sáng những vũ điệu huyền ảo, uyển chuyển theo tiếng cồng chiêng mang hơi thở đại ngàn, kèm theo đó là không khí rượu cần nồng đượm, những tiếng hò reo mời mọc, cùng lời chúc tụng reo vui...
 
Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - năm 2019 còn tái hiện nghi thức xin lửa của người Mạ do Đoàn nghệ nhân thành phố Bảo Lộc thực hiện. Nghi thức xin lửa, xin phép thần chiêng kết thúc, 12 đoàn nghệ nhân bắt đầu so chiêng, chỉnh nhịp, mở rộng vòng xoang quanh ngọn lửa thiêng đại ngàn. Cồng chiêng và múa xoang cứ thế xoắn quyện vào nhau, ru vỗ đêm đại ngàn, ru vỗ hồn người Tây Nguyên. 
 
Ngày hội của cộng đồng
 
Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - năm 2019 nhấn mạnh: Cộng đồng các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên là chủ thể của ngày hội. Do vậy, mọi hoạt động đều hướng đến việc tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc mà các cộng đồng này sở hữu. Nghệ nhân Ưu tú K’Chung, Đoàn nghệ nhân huyện Đam Rông, chia sẻ: “Chúng tôi đến với Ngày hội với một tâm trạng hết sức háo hức, mặc dù phải vượt qua quãng đường hơn 200 km. Bởi chỉ khi tham gia Ngày hội chúng tôi mới được sống trong không khí lễ hội, với những nghi thức, nghi lễ truyền thống”. “Vì đây là cơ hội để thực hành các loại hình di sản văn hóa Tây Nguyên, nơi thể hiện tập tính cố kết cộng đồng của người Tây Nguyên, cộng đồng các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên bằng sự cẩn trọng và chu đáo trong việc chuẩn bị đã tập hợp những tinh túy văn hóa và giới thiệu một cách đầy đủ tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - năm 2019”, ông Hoàng Mạnh Tiến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, nhận xét. 
 
 Sự ghi nhận đó là hoàn toàn xứng đáng bởi những ai trực tiếp hòa mình vào Ngày hội đều nhận thấy tính tích cực mà Ngày hội mang lại. Tại đây, cộng đồng các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên, ngoài việc phô diễn kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, còn được khoe tài trong các trò chơi đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co, cũng như bộc lộ năng khiếu ca hát bẩm sinh của mình qua phần thi Tiếng hát Sơn ca... Tuy vậy, nhạc sĩ Krajan Dick, thành viên Hội đồng Thẩm định Ngày hội Văn hóa - Thể thao các xã vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ III - năm 2019, cho rằng, cái đáng tiếc của Ngày hội đó là một số nghệ nhân vẫn còn mặc trang phục của tộc người khác. “Điều ấy vô tình làm cho Ngày hội giảm đi ít nhiều phần bản sắc. Bởi phục trang cũng là một phần tạo nên bản sắc văn hóa tộc người”, nhạc sĩ Krajan Dick nói.
 
TRỊNH CHU