"Lời chim ban mai" gửi niềm quê xứ

07:05, 09/05/2019

Phải đến 15 năm sau ""Con lắc thời gian"", La Văn Tuân mới ""sinh hạ"" đứa con tinh thần thứ hai - tập thơ ""Lời chim ban mai"" do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Thơ La Văn Tuân không cầu kỳ cấu tứ, hình thức biểu đạt mà cứ như lẽ tự nhiên của cảm xúc viết ra bởi ngôn ngữ bình dị ghi lại những rung cảm nỗi niềm quê xứ anh từng đi qua.

Phải đến 15 năm sau “Con lắc thời gian”, La Văn Tuân mới “sinh hạ” đứa con tinh thần thứ hai - tập thơ “Lời chim ban mai” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Thơ La Văn Tuân không cầu kỳ cấu tứ, hình thức biểu đạt mà cứ như lẽ tự nhiên của cảm xúc viết ra bởi ngôn ngữ bình dị ghi lại những rung cảm nỗi niềm quê xứ anh từng đi qua.
 
Nhà thơ La Văn Tuân.
Nhà thơ La Văn Tuân.
Tôi có may mắn quen La Văn Tuân từ thuở “nhịp sống giảng đường”, của những ngày tháng “ký túc buồn những chiều nhặt thóc/xếp thành chữ no mà nghẹn đắng giữa chừng”. Những năm tháng ấy, trong cơn bĩ cực của “cơm áo không đùa với khách thơ”, song không ngăn được niềm hứng khởi đam mê thơ phú trong tâm hồn Tuân. Mỗi lần La Văn Tuân cho “ra lò” đôi ba bài thơ là y như thể anh tìm đến bầu bạn để trình làng. Thời ấy lòng nhiệt tình, nỗi niềm say men thơ đến nỗi thổi bùng xúc cảm trong anh để rồi có khi “sau một đêm trăn trở không tròn giấc” là vài bài thơ tinh khôi được Tuân viết ra.
 
Nhắc lại chuyện cũ để thấy từ cái thuở “tứ thơ tuôn trào” cho đến tập thơ thứ hai “Lời chim ban mai” của Tuân phát hành mới đây đã trải qua khung thời gian ngót một phần tư thế kỷ, đủ độ dài, độ chín, độ lắng “định vị” thơ mình trước bạn thơ. Có nghĩa là Tuân đến với thơ như đến với “người tình trăm năm”, rất thủy chung với “nàng”. Đọc “Lời chim ban mai” cảm nhận trong từng câu chữ như được phủ lên một “lớp sơn” của hồn vía xứ Kinh Bắc - nơi Tuân sinh ra, lớn lên - do vậy mà dù sử dụng thể thơ nào đi nữa, độ mượt mà trong ngôn từ hay âm hưởng đến thi tứ cũng vọng hội niềm da diết, mời mọc như kiểu “Mời cạn ly cho sóng lòng trùng lại”*.
 
Thơ La Văn Tuân viết về ngư phủ, về biển, về những vùng đất anh đã đến và trải nghiệm, về mùa đi ngút ngất, những ký ức ngái xa... và không thể thiếu em trong thực tại, ảo ảnh hay lẫn vào sâu thẳm ký ức. Đó là “Con sóng thất thểu về đâu/Vết cắt kiêu sa gối đầu trên núi” hay “Em, cánh buồm mong manh/Giong anh qua những tháng ngày bão tố”, hoặc “Mảnh vườn cũ như cha/Và tôi, cơn gió trẻ con nô đùa trên tàn lá” và nữa “Đôi khi gặp nhau nhớ chuyện xưa nhưng không ai dám nhắc/Chỉ nhìn những cánh hoa sẫm màu ủ kín chiếc bình thủy tinh... Đôi khi giữa đường chiều nhạt nắng/Ngỡ bước chân mình lũng thấp đồi cao”. 
 
La Văn Tuân đến với thơ rất sớm, từ thuở “Ngày xưa nhặt cánh phượng hồng/Từng cánh mỏng manh giữa lòng tay trĩu nặng” đến “Làm cuốc xe đò lên trên ấy” để bước vào giảng đường Đại học Đà Lạt và gia nhập làm thành viên những ngày đầu sáng lập Câu lạc bộ sáng tác trẻ Đà Lạt... cách đây hơn 20 năm. Ngần ấy thời gian trôi qua cũng là bấy nhiêu năm Tuân dành “sự nghiệp văn chương” cho thơ nên mới có được “lưng vốn” tuyển lựa in trong hai tập thơ “Con lắc thời gian” - Nhà Xuất bản Thanh Niên năm 2004 và nay là “Lời chim ban mai” ra mắt bạn bè, công chúng yêu thi ca. 
 
Bìa tập thơ “Lời chim ban mai” của nhà thơ La Văn Tuân.
Bìa tập thơ “Lời chim ban mai” của nhà thơ La Văn Tuân.
 
Với tập “Lời chim ban mai” trải đều trên từng trang sách là 42 bài thơ, nhưng có lẽ “cái hồn thơ ấy” mang đậm “chất La Văn Tuân” gửi gắm đâu đó ở nơi mà Tuân gọi “Đôi khi ngỡ mình người Đà Lạt đi xa/chạnh lòng gió tha hương quặn về cố xứ” dù chỉ để được “cặm cụi dốc đồi/thăm lại mấy đường hoa”. Vì thế nên thật dễ nhận ra một Đà Lạt khói sương, hoa cỏ, lũng đồi, nhân tình... cứ xoáy sâu vào hơi thở thơ Tuân nhẹ nhàng, bàng bạc, tự nhiên, đưa “Đà Lạt ngấm vào cung bậc” trong thơ anh. Có tới gần mươi bài anh viết về Đà Lạt hay chí ít cũng mang cái hồn, cái tình của miền xứ trên cao này qua những bài: Đất nhớ, Vườn dâu cũ, Xuân trọ, Giấc quỳ, Hương xưa, Trên đồi Tương Phố, Gửi Đà Lạt và em và những ngày tháng cũ, tất thảy như để tự họa một phần đời của mình “Thông anh ru cõi tình bàng bạc/Bình minh nào hong vết lạnh cằn sâu”.
 
Qua những sáng tác trong hai tập thơ “Con lắc thời gian” và “Lời chim ban mai”, người đọc nhận thấy La Văn Tuân đã trải hồn mình với Đà Lạt thật gần gũi, chân tình. Và tôi tin trong mạch nguồn cảm xúc của anh, miền đất một thời nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương này sẽ còn đưa đến những tứ thơ mới trong chặng đường sáng tác tiếp theo.
 
(*) Trích thơ La Văn Tuân
 
XUÂN TRUNG