Níu giữ văn hóa cổ truyền Tây Nguyên (Bài 2)

08:05, 30/05/2019

Hình như các hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể cổ truyền Tây Nguyên giờ chỉ còn nương nhờ chủ yếu vào các hội diễn và hoạt động du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh không gian sinh tồn biến động sâu sắc hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống phải lấy đó làm phương tiện cứu cánh, làm cơ hội để bảo tồn, phát triển. Biết là vậy, nhưng thực tế đang diễn ra nhiều điều không ổn…  

[links()]
Không gian thực và “bảo tồn sống”
 
Hình như các hình thức văn hóa vật thể và phi vật thể cổ truyền Tây Nguyên giờ chỉ còn nương nhờ chủ yếu vào các hội diễn và hoạt động du lịch. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh không gian sinh tồn biến động sâu sắc hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống phải lấy đó làm phương tiện cứu cánh, làm cơ hội để bảo tồn, phát triển. Biết là vậy, nhưng thực tế đang diễn ra nhiều điều không ổn…  
 
Múa xoang và cồng chiêng là linh hồn trong các lễ hội của người Tây Nguyên. Ảnh: T.Chu
Múa xoang và cồng chiêng là linh hồn trong các lễ hội của người Tây Nguyên. Ảnh: T.Chu
 
Văn hóa “cải biên” trong hoạt động du lịch 
 
Có một thực trạng đang phổ biến không chỉ riêng Tây Nguyên: văn hóa và du lịch đang dựa vào nhau mà sống. Vấn đề đặt ra là chúng ta đang khai thác thứ văn hóa gì cho du lịch và du lịch kiểu đó có đúng với bản chất du lịch văn hóa hay không? Sự thực dụng trong khai thác yếu tố “lạ” đối với du khách có làm cho cách hiểu, cách cảm về văn hóa cổ truyền bản địa bị sai lệch?
 
Rất nhiều nơi, nhiều người làm dự án du lịch đã dựng lên những buôn làng “văn hóa sắc tộc” như những phiên bản lỗi của văn hóa tộc người với mục đích khai thác sự tò mò của du khách dễ tính. Những nơi đó có kiểu dáng kiến trúc và trang trí mô phỏng buôn làng, có những cảnh phô diễn na ná với văn hóa tộc người, có những người đồng bào dân tộc thiểu số vì cuộc mưu sinh nên phải “diễn” những điều mà bản thân họ cũng không hề muốn. Có một thứ “văn hóa” hoàn toàn xa lạ đã được khai thác nhằm phục vụ cho lợi ích của các nhà tổ chức du lịch. Sống ở Tây Nguyên thì hiểu là không có nghệ nhân dân gian nào lại lên sân khấu với ánh sáng xanh đỏ tím vàng cầm micro ọc ạch đọc khan (sử thi) trước hàng ngàn con người xa lạ. Không có thầy cúng nào của buôn làng lại đứng nơi chân cầu thang nhà rông xây bằng xi-măng và loa điện tử gào lên những lời khẩn cầu thần linh. Không có những con vật hiến sinh nào gửi thông điệp lên Yàng lại được mua vội mua vàng ngoài chợ. Không có người anh em dân tộc bản địa nào đóng khố cởi trần mà chân lại đi giày đinh bóng loáng rồi vũ điệu cồng chiêng gồng mình theo tiết tấu của âm nhạc hiện đại…Yếu tố “lạ” đã được khai thác triệt để cốt thỏa mãn những cuộc chơi ngắn ngày.        
 
Nói riêng về việc đưa âm nhạc cổ truyền vào du lịch. Âm nhạc Tây Nguyên ra đời giữa đại ngàn, với những tiết điệu khoan thai và phiêu bồng như suối thác, là lời tâm tình thổ lộ đầy nỗi buồn trong lành của những phận người gửi tới lòng nhau và gửi đấng tối cao. Cồng chiêng là một đại diện như vậy. Khi chưa từng đặt chân đến Tây Nguyên, tôi đã từng bị lay động bởi trang văn của L.Sabatier về tiếng chiêng, tiếng cồng khi ông dịch trường ca Đam San từ ngôn ngữ Ê Đê qua tiếng Pháp rồi Đào Hữu Thấu chuyển qua Việt ngữ. Từ khi làm con dân sống nơi xứ thượng, đã bao lần tôi đến với cồng chiêng, cố gắng cảm nhận và lý giải về sự huyền bí của thứ âm nhạc từng tồn tại với không gian núi rừng. Cái âm nhạc được chắt lọc từ âm thanh thiên nhiên, hồn cốt xứ sở và căn tính con người nơi đây. Đó là âm nhạc thiêng, là phương tiện thể hiện tâm trạng và nhu cầu giao tiếp với thần linh, với thiên nhiên và cộng đồng thân thuộc. Tiếng chiêng thay cho điều trải lòng trời đất, là tiếng đời, tiếng phận, nỗi ám ảnh khôn cùng trong những đêm rừng. Tiếng chiêng, tiếng lòng của người chơi chiêng, nó không chỉ còn là âm nhạc, nó hóa thân, nó không cần phô bày. Không biết là rủi hay may khi tiếng chiêng được thương mại hóa và đi vào đời sống du lịch bình dân. Chiêng trở thành cần câu cơm của người chơi, thành phương tiện làm giàu của nhà tổ chức. Cồng chiêng được khoác lên vai một “sứ mệnh” khác mà người ta thường cố biện minh cho lý do mà nó tồn tại. Vài ba tiếng đồng hồ với rượu cần ủ bằng men hóa học, thịt nướng lấy từ tủ lạnh và thứ cồng chiêng biến dạng chạy theo thị hiếu, du khách thỏa mãn cuộc chơi nhưng đồng thời có những cái nhìn sai lệch và hiểu khác đi về giá trị của cồng chiêng. Cái giá trị mà chỉ đến với người có can dự thật sâu vào đời sống của cư dân miền thượng. Ai trầm luân với nắng mưa xứ sở, với no đói phận người mới thấu cảm những lay động của cồng chiêng Tây Nguyên…
 
Làm gì để níu giữ?
 
Khi tôi đặt vấn đề, làm gì để níu giữ những vốn quý trong hệ thống di sản ngàn đời Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đăm chiêu: “Điều mà anh nói cũng là điều mà những người quản lý văn hóa vô cùng lo lắng, đau đầu. Thấy vốn quý hao hụt từng ngày, mà việc bảo tồn, phát huy thì vô cùng khó khăn…”. Tôi hiểu nỗi trăn trở của người đứng đầu ngành văn hóa địa phương. Nhưng biến nỗi lo lắng ấy thành những kế hoạch, những chương trình, thực thi các quyết sách thì cả một vấn đề không nhỏ và trách nhiệm không chỉ riêng một ngành hay của một người. 
 
Các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên cũng đã cố gắng trong việc níu giữ phần nào những giá trị đang dần vụt mất. Những ngày hội văn hóa vẫn được tổ chức từ khu vực đến cơ sở. Thế nhưng, ở các ngày hội này tính hình thức là chủ yếu, hội tan ai về nhà nấy, nhạc cụ gác lên vách và trang phục thì cất vào rương. Các lễ hội truyền thống được phục dựng, như lễ cúng bến nước của người Ê Đê, lễ đưa lúa về kho của người Cơ Ho, lễ cúng ruộng của người Chu Ru… nhưng ở các lễ hội này “vui vẻ là chính” còn tính thiêng đã nhạt. Các làng nghề được đầu tư khôi phục như làng gốm Dơng Bắc (Đắc Lắc), làng dệt thổ cẩm B’Neur C (Lâm Đồng) và Glar (Gia Lai)… Tất cả các làng nghề đều kêu là không có đầu ra cho sản phẩm. Sau ngày được UNESCO công nhận, cồng chiêng Tây Nguyên được quan tâm hơn, nhiều dự án, chương trình được tổ chức, nhiều lớp truyền dạy được mở. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng “đánh chiêng bỏ dùi”. Cồng chiêng chưa có đường trở về với không gian thực sự của nó, hòa mình máu thịt giữa đời sống cộng đồng, nơi nó đã sinh ra, đã sống, đã thăng hoa… Tôi đồng cảm với lời tâm tình đầy trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Nguyên. Đúng là sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền Tây Nguyên thật khó.
 
“Việc bảo tồn các yếu tố văn hóa nào cần phải được lựa chọn, cân nhắc kỹ càng. Các giá trị văn hóa được lựa chọn phải là các giá trị biểu hiện cốt cách, linh hồn dân tộc, tinh thần tự tôn tộc người, có giá trị thắt chặt mối quan hệ cộng đồng, giúp cho việc ứng xử của con người với con người, của con người với môi trường thật thân thiện, hài hòa…”.
 
PGS-TS Ðỗ Hồng Kỳ - Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên

Đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, các chương trình đầu tư của ngành chức năng và các địa phương đều thể hiện rất rõ về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa Tây Nguyên nhưng thực tế vào cuộc thì còn chưa thật hiệu quả, khoa học. Nhiều dự án còn duy ý chí, áp đặt, thậm chí phớt lờ cảnh báo của các nhà khoa học. Thì đấy, nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng dựng lên khắp Tây Nguyên, nhưng quy hoạch không đúng chỗ, kiến trúc và trang bị không phù hợp, đồng bào nhiều nơi coi đó là những “ngôi nhà lạ”. Những cuộc sắp xếp dân cư mà quên mất yếu tố không gian rừng, lối quần tụ theo thiết chế buôn làng, rồi bỏ những cái tên đậm hồn cốt lịch sử bằng số học vô cảm. Cử tuyển con em đồng bào đi học các trường văn hóa - nghệ thuật rồi không sắp xếp được chỗ làm, trở về héo mòn kiến thức trên ruộng rẫy…      

Trò chuyện với những người tâm huyết với văn hóa tộc người của chính họ như ca sỹ Krazăn K’Dick, nhạc sỹ K’Plin, nghệ nhân Ma Bio, già làng Ya Loan…, tôi cảm nhận, những người con Tây Nguyên mãi lưu tồn tình yêu tha thiết với làng buôn của mình, và trong họ, cảm thức níu kéo nền văn hóa ngàn đời của ông cha và tiếc nuối những gì đang dần rời bỏ là có thật. Mỗi câu chuyện đều đau đáu với sự hao mòn và băn khoăn trong việc kiếm tìm con đường bảo tồn, nhưng thực sự chưa có lối đi nào khả dĩ. Là những chủ thể của nền văn hóa đó, nếu họ không làm được thì câu trả lời khó lại càng khó hơn. “Sự thực dụng đôi khi đã làm cho văn hóa truyền thống bị biến thể lệch lạc, rồi phai nhạt dần. Biết vậy và buồn, nhưng cuộc sống đổi thay, khó cưỡng lại, khó chống…”, ca sỹ Krazăn K’Dick nói.   
 
Làm gì để níu giữ văn hóa bản địa Tây Nguyên? Trước hết là cần thống nhất về mặt nhận thức. GS-TS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, đặt vấn đề: “Cần xây dựng các khung pháp lý để khuyến khích và phát huy hơn nữa các thiết chế văn hóa và thực hành văn hóa phi chính thống (luật tục, già làng, đổi công, tri thức địa phương, quan hệ dòng họ, tín ngưỡng - tâm linh) trong quản lý và an sinh xã hội vốn đã và đang được thực hành ở các cộng đồng…”. Dù Tây Nguyên hôm nay đã mang một diện mạo hoàn toàn mới dưới ảnh hưởng của những biến đổi làm cho nhiều yếu tố văn hóa truyền thống mai một, tuy nhiên, nền tảng văn hóa từng đắp bồi qua hàng ngàn năm vẫn có sức chi phối mạnh mẽ trong đời sống đương đại, vấn đề là biết cách khơi đúng mạch, phát huy đúng hướng. Cũng theo bà Lê Hồng Lý: “Những sự biến đổi, phát triển vẫn được xây dựng và sáng tạo trên cơ sở truyền thống, tạo ra những ấn tượng tốt đẹp cho văn hóa Tây Nguyên, tạo ra tính huyền ảo, kỳ vĩ, giàu có và sự hấp dẫn đầy ma lực của vùng đất này”. Tuy nhiên, văn hóa Tây Nguyên không thể bảo tồn bằng ý chí, mệnh lệnh chủ quan, nặng lý thuyết và hô hào. Nó chỉ có thể bảo tồn trên cơ sở môi trường không gian tự nhiên và xã hội của nó. Cùng với những chủ trương, chính sách và sự hỗ trợ đúng đắn, khoa học và hiệu quả của Nhà nước, ý thức và sự nỗ lực của người dân - chủ thể sáng tạo ra nó - là quan trọng nhất. Trên quan điểm bảo tồn có chọn lọc, cần xác định trọng tâm, trọng điểm, cần trả lại không gian cho văn hóa Tây Nguyên, đó chính là phương thức “bảo tồn sống” để văn hóa cất tiếng nói của nó trong “không gian thực”. Với thực trạng mai một hiện nay, văn hóa bị xói mòn đến đâu thì phải tìm cách đắp bồi đến đó. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản, giao lưu, biểu diễn nhằm giới thiệu và quảng bá thì phải đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy và phát huy ngay chính trong thực tiễn cuộc sống…    
 
Bảo tồn phải từ những điều cụ thể nhất. Với văn hóa vật thể, thì kiến trúc là một trong những đại diện cần quan tâm hàng đầu. Nhà rông của người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai; nhà sàn của người Ê Đê; nhà dài của người Mạ là những thực thể hòa điệu với thiên nhiên, vũ trụ và che chở cộng đồng tự bao đời. Đó là những kiến trúc đặc trưng, giàu thẩm mỹ, tiện lợi cho sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng, dòng họ. Đó không chỉ là kiến trúc, đó là những ngôi nhà thiêng trong văn hóa, tín ngưỡng. Chúng ta cần nghiên cứu, đầu tư và bảo tồn các kiến trúc này trong khả năng có thể. Nhà rông, nhà dài chính là nơi nuôi dưỡng văn hóa cộng đồng, đó chính là một mảnh hồn làng của người Tây Nguyên, đó là nơi mà nghi lễ, lễ hội, dân vũ, dân ca, diễn tấu cồng chiêng nương nhờ để sống. Bảo tồn cũng là giữ làm sao cho các bộ sử thi không bị mất hút theo các nghệ nhân già về với rừng Yàng; là ngôn ngữ tộc người không bị bỏ quên; là cồng chiêng được người trẻ nối nhịp; là mặt giá trị của các bộ luật tục được phát huy; là những lễ hội, nghi lễ đa dạng sắc màu lại được mở rộn ràng ngay giữa buôn làng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và đốt lên ngọn lửa của tình yêu thương trong vòng xoang kết nối cộng đồng…
 
Tây Nguyên ngày xưa là hình ảnh rừng thiêng nước độc, gắn với những đoàn người yêu nước bị đế quốc, thực dân đày ải. Nơi chốn ấy từng được coi là vùng đất xa xôi với những sắc màu huyền bí, ma mị, đầy hấp lực. Ngày nay, Tây Nguyên thật gần gũi, thân thương giữa lòng Tổ quốc. Vùng đất và con người giữa bình nguyên trên cao đang khởi sắc từng ngày. Thể hiện tình yêu và trách nhiệm đối với Tây Nguyên, điều vô cùng khẩn thiết là phải bắt tay vào giữ lấy những gì quý giá nhất trong kho tàng bản sắc, giữ lấy hồn cốt đại ngàn để làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng Việt Nam.   
 
UÔNG THÁI BIỂU