Họa sĩ Nguyễn Văn Lại và tâm tướng những chân dung

06:07, 18/07/2019

Vẽ chân dung vừa là mối lương duyên đặc biệt giữa họa sĩ (HS) và nhân vật, vừa là nhu cầu sáng tạo tự thân của tác giả...

Vẽ chân dung vừa là mối lương duyên đặc biệt giữa họa sĩ (HS) và nhân vật, vừa là nhu cầu sáng tạo tự thân của tác giả. Những “nguyên cớ” này giúp HS Nguyễn Văn Lại có hơn 100 bức chân dung, trong đó nhiều bức đã lột tả được thần thái tâm tướng nhân vật bằng phong cách sáng tác riêng. 
 
HS Nguyễn Văn Lại và những tác phẩm chân dung sáng tác. Ảnh: M.Đ
HS Nguyễn Văn Lại và những tác phẩm chân dung sáng tác. Ảnh: M.Đ
 
HS Nguyễn Văn Lại sinh năm 1953, quê cha ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê mẹ ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1972, anh đã có mặt tại thành phố Đà Lạt, năm 1975 Nguyễn Văn Lại là công chức ngành Văn hóa tỉnh Lâm Đồng cho đến lúc nghỉ hưu, năm 2013. Từng là Phó phòng Nghiệp vụ của Ty Văn hóa rồi Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh... nên cuốn theo sự vụ chuyên môn mĩ thuật để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Mặc dù là hội viên sáng lập Hội Văn học và Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, nhưng HS Nguyễn Văn Lại không có nhiều thời gian để sáng tác hội họa. Cho đến khi trở thành “tỷ phú về thời gian”, sức khỏe không sung mãn như thời chưa nghỉ hưu, nhưng chính là thời gian để HS Nguyễn Văn Lại thỏa mãn khao khát sáng tạo nghệ thuật. Và nói theo lí luận, “hoàn cảnh sáng tác” của anh còn được cộng hưởng xúc tác từ người vợ hiền thục, chị Phương - một nhà giáo cũng nghỉ hưu. Chị đã cổ súy, làm điểm tựa tinh thần, truyền cảm hứng sáng tạo cho anh. HS Nguyễn Văn Lại không giấu niềm vui chia sẻ với tôi, anh thầm cảm ơn cuộc sống này, đã cho mình “đủ duyên lành” để được sáng tạo. 
 
Là người tiếp nhận kiến thức hội họa từ một người thầy, cùng đam mê tự học qua nhiều kênh, lại có năng khiếu bẩm sinh, HS Nguyễn Văn Lại đến với ngành nghệ thuật tôn vinh tinh hoa thẩm mĩ và vẻ đẹp này từ rất sớm. Trước đây, giới yêu nghệ thuật hội họa ở Lâm Đồng biết đến tác giả Nguyễn Văn Lại qua các tác phẩm với nhiều đề tài khác nhau như thiếu nữ, phong cảnh Đà Lạt, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số..., với các chất liệu sơn dầu, sơn nước, phấn màu. Anh tham gia nhiệt tình các cuộc triển lãm tranh của tỉnh và khu vực. Nhiều tác phẩm hiện đang được tác giả treo tại Gallery số 108 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Đà Lạt, ngay nhà của vợ chồng anh. Ở đấy, một số tác phẩm được giới trong nghề khen về độ hòa sắc khá nhuyễn và đạt được những cung bậc rung cảm mạnh. Ở đó, những góc phố trên cao nguyên êm ả và thơ mộng, lãng mạn và lắng sâu...
 
Nhưng, như đã nói, từ sau khi được nghỉ hưu theo chế độ, Nguyễn Văn Lại say mê vẽ các chân dung bằng sơn nước. Thời gian vừa cho HS sự nhàn rỗi, đặc biệt đưa anh neo với những khoảng lặng chiêm nghiệm những năm tháng đã đi qua. Biết là không ai tắm hai lần trên một dòng sông, nhưng tôi cảm nhận người HS này đang an nhiên, tự tại để hoan hỉ với từng bức họa chân dung của mình. Rồi đến một lúc, như anh nói “ngộ ra”, và càng trân quý phần phù sa tinh túy của dòng chảy cuộc đời, đó là những hy sinh lặng lẽ của những người bạn, những người thân xung quanh. Họ là những văn nghệ sĩ, từ nhà thơ, nhà văn, họa sĩ đến nhạc sĩ, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh; những người bạn tâm giao, đồng hương, đồng nghiệp... Và họ là những người thân trong gia đình của HS. Lần lượt các nhân vật bước vào tác phẩm hội họa của Nguyễn Văn Lại, như là một sự nương theo duyên kỳ ngộ của thứ ánh sáng từ “tâm ấn”. 
 
Với niềm đam mê cùng năng lực nội tại, chân dung hội họa của tác giả Nguyễn Văn Lại sáng tác ngày một đạt đến độ chín. Không chỉ là số lượng tác phẩm, mà nhiều tác phẩm đã hội đủ về chất lượng để anh mở một triển lãm với chủ đề “Bạn bè quanh tôi”, nhưng tác giả tâm sự chưa có ý định. Đấy là sự khiêm nhường vốn có, đức tính hiền lành mà bạn bè rất yêu mến ở anh. Tôi hiểu, Nguyễn Văn Lại đang tiếp tục chiêm nghiệm và khám phá chính mình. Bởi, để có được những tác phẩm chân dung “giống hơn ngoài đời thực” như bạn bè nhận xét, được nhiều người ngỡ ngàng về thần thái chân dung, tác giả của nó, ngoài tài năng chưa đủ, mà cần sự hòa quện “chất kết dính” của lương duyên đặc biệt, không dễ gì có, giữa nhân vật và tác giả. HS không chỉ biết, mà còn hiểu và cảm nhận đến mức rung động mạnh trước cái đẹp thì mới sản sinh ra được cái đẹp thuần khiết của đối tượng. Đấy là những khoảnh khắc của thần giao cách cảm. Tác phẩm chân dung có “hồn” chính là chỗ này. Điều mà luôn khó tới, khi vẽ hay chụp chân dung đối với người cầm cọ hay cầm máy. Ở tác phẩm chân dung của HS Nguyễn Văn Lại còn thể hiện một phong cách riêng: không vẽ sơ lược, nhưng cũng không thể hiện đến mức toàn bích, cầu kỳ kỹ lưỡng từng đường nét, chi tiết và mảng khối. Tác phẩm của anh vừa đạt tính nghệ thuật của cảm xúc và tầm cao, vừa gần gũi với thẩm mĩ đại chúng. Đấy là chủ đích hướng tâm và bến vui của người cầm cọ trong cơn giải tỏa. Dĩ nhiên vẫn còn những tác phẩm chưa đạt được như mong muốn về chiều sâu, về ánh sáng hay mảng miếng, nhưng tôi hình dung một lối đi của HS Nguyễn Văn Lại ngày càng được đông đảo bạn bè trân trọng, trong giới ghi nhận và ngoài giới thán phục. Sự lao động nghệ thuật không ai đặt hàng mà chính sự thôi thúc từ nhân vật thẩm mĩ, chắc chắn sẽ thành công. HS, hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Chi hội Mĩ thuật Lâm Đồng gần 20 năm nay - anh Vi Quốc Hiệp, nhận xét: “HS Nguyễn Văn Lại là một HS trưởng thành từ nghề Đồ họa từ trước giải phóng, tay nghề anh rất vững: sáng tác tranh cổ động, kẻ chữ..., những công việc rất cần thiết của ngành Văn hóa thông tin. Trong Chi hội Mĩ thuật, anh sáng tác đều tay các tranh tham gia triển lãm tỉnh và khu vực. Gần 10 năm trở lại đây, anh có cảm hứng mảng chân dung vẽ bằng chất liệu màu nước khá nhuần nhuyễn; đặc biệt lột tả được thần thái nhân vật...”.
 
MINH ÐẠO