Nơi khởi thủy nghề tạc tượng rối của Việt Nam

10:08, 16/08/2019

(LĐ online) - Nghệ thuật múa rối nước là thú chơi tao nhã và đặc sắc của riêng người Việt Nam, ra đời cùng nền văn minh lúa nước, nhưng hình thành và phát triển vào triều đại nhà Lý (1010 - 1225). Một trong những cái nôi môn nghệ thuật này là làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, vừa tạc tượng vừa biểu diễn múa rối. 

(LĐ online) - Nghệ thuật múa rối nước là thú chơi tao nhã và đặc sắc của riêng người Việt Nam, ra đời cùng nền văn minh lúa nước, nhưng hình thành và phát triển vào triều đại nhà Lý (1010 - 1225). Một trong những cái nôi môn nghệ thuật này là làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, vừa tạc tượng vừa biểu diễn múa rối. 
 
Tượng Linh Lang có một không hai ở Việt Nam
Tượng Linh Lang có một không hai ở Việt Nam
 
Nghệ thuật “độc nhất vô nhị”
 
Nghệ thuật múa rối nước là tri thức sáng tạo và nghệ thuật dân gian, đời nối đời bằng ý thức tự tôn, tự hào dân tộc. Múa rối nước nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống, có thể sánh ngang với những bộ môn nghệ thuật có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc như tuồng, chèo. Múa rối có ở nhiều quốc gia, nhưng múa rối nước thì duy nhất có ở Việt Nam. 
 
Đặc trưng, cũng là cái khó của nghệ thuật múa rối là nghệ thuật tạo hình. Thông minh và giàu cảm xúc phong phú, cùng sự khéo léo của đôi tay, những nhân vật rối hình thành luôn mang tính ước lệ, tượng trưng. Không theo khuôn mẫu, nó được được sinh ra trên nền của kịch bản, vừa đáp ứng rõ nét về tính cách, vừa có chất rối: ngây ngô, ngộ nghĩnh. Một con rối nước hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn: nghiên cứu kịch bản; vẽ maket; chọn loại gỗ thích hợp (nhẹ, tuổi thọ cao trong môi trường nước, có thớ và dai), thường là gỗ mít, sung, xoan, dỗi. Theo nghệ nhân Tô Văn Keng, phải chọn được những cây gỗ mít có đường kính lớn và phải phơi khô thì mới chế tác như ý được. Tiếp theo là đục con rối theo kích cỡ, tạo dáng theo maket bằng dập mẫu, đục vỡ, đục hạ, đục chi tiết, gọt, nạo, đánh giấy nhám, tạo bóng,… Sau phơi khô là sơn, cũng hết sức cầu kỳ: dùng sơn ta (chống thấm nước) và các thao tác: sơn hom, sơn trùm kín, sơn thí, sơn phủ, sơn cầm. Rồi quấn đế xốp bằng nhiều lớp vải mỏng (màn), phủ sơn và lại phơi khô; thếp bạc, vàng (theo tính cách nhân vật); hóa trang bằng các chất liệu cứng và trang trí họa tiết; lắp ráp các chi tiết, nối dây, gắn sào… Để hoàn thành một bộ rối nước với 16 trò, phải mất khoảng 4 đến 5 tháng, thời tiết ẩm thời gian còn dài hơn. Kết quả tạo hình là kết tinh hài hòa yếu tố nghệ thuật của điêu khắc dân gian và điêu khắc cung đình. 
 
Dưới cái nắng gay gắt, chúng tôi đến với xã Đồng Minh, nơi có làng nghề tạc tượng và múa rối nổi tiếng hơn 500 năm nay. Năm 1991, Bộ Văn hóa công nhận cụm di tích lịch sử văn hóa quốc gia của làng là khẳng định về giá trị nghệ thuật truyền thống. Là nơi hội tụ của làng nghề, với tài năng, trí tuệ, tâm tư, khát vọng. Khắp các ngõ nhỏ, tiếng cưa xẻ, chạm, đục tượng vang lên. Hợp âm đặc trưng của trường tồn. Nhiều gia đình đã mở rộng quy mô thành xưởng sản xuất lớn để đáp ứng nhiều đơn hàng. Chủ xưởng Nguyễn Thị Ngần chia sẻ: “Tổ tiên đã để lại một nghề quý cho con cháu. Nghề cổ này là nghề giúp chúng tôi có thu nhập. Nếu nói cuộc sống khá giả lên rất nhiều do nghề nghiệp của tiên tổ để lại cũng không có gì quá”. Năm 2007, làng nghề Bảo Hà được UBND thành phố Hải Phòng công nhận “Làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ - sơn mài”. Hiện Bảo Hà có 973 hộ làm nghề thì có 180 hộ tạc tượng với 20 xưởng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 200 lao động. Hàng năm, làng nghề đóng góp 40% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; thu nhập trung bình mỗi xưởng lớn trên 30 triệu đồng/tháng, doanh số cao nhất là 50 triệu đồng. Làng nghề Bảo Hà trở thành điểm của chương trình "Du khảo đồng quê" của ngành du lịch Hải Phòng, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Sản phẩm tượng của Bảo Hà được khách rất ưa chuộng, nhờ thế tượng luôn vững chãi, cân đối, mềm mại về đường nét, mạnh mẽ về hình khối; đặc biệt, nhân vật rất có hồn. Nghề tạc tượng của Bảo Hà đã vượt khỏi làng, các nghệ nhân được mời đến nhiều tỉnh, thành để sáng tạo tượng cho các chùa hay các phường rối…
 
Miếu Bảo Hà - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia
Miếu Bảo Hà - Di tích lịch sử văn hóa quốc gia
 
Những đặc biệt của miếu Bảo Hà
 
Cụm di tích lịch sử văn hóa quốc gia ở Bảo Hà ngoài chùa Mưỡu có nhiều pho tượng rất đặc sắc và đồ tế lễ bằng đá, bằng đồng thế kỷ XVIII, XIX, còn có miếu Bảo Hà. Miếu kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (丁), hướng về tây nam, mái lợp ngói mũi hài, hồi đối xây tường gạch theo kiểu bổ trụ, giật tam cấp vững chắc. Không gian miếu trang trí rất tỉ mỉ, công phu, nhất là các rường, đấu, kẻ bẩy, y môn…, sắc thái riêng, gần gũi thân thiết. Trong miếu lưu giữ nhiều hiện vật quý, trong đó có 50 hiện vật thuộc đồ mộc, tiêu biểu nghệ thuật điêu khắc của bao lớp thợ người Linh Động, Hà Cầu xưa. Miếu được xem như một bảo tàng điêu khắc cổ, nơi bảo tồn tài hoa nghệ thuật của làng nghề tạc tượng, sơn mài nổi tiếng của Việt Nam. Hệ thống tượng bố trí như một triều đình thu nhỏ, gồm vua, quan tứ trụ, cung nữ và gia nô phục dịch...; những pho tượng mỹ nữ chúm chím môi trái đào, tóc buông dài, vạt áo cài lệch, những pho tượng quan văn mặt đăm chiêu tư lự… Miếu Bảo Hà còn gọi là miếu Ba Xã (xưa, miếu của 3 xã Linh Động, Hà Cầu và Mai Yên), cũng có tên miếu Linh Lang (gắn với sự tích) hay miếu Cả (đứng đầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của địa phương).    
 
Sau khi lễ, chúng tôi được cụ Nguyễn Văn Nghĩa, 83 tuổi, làng Đồng Tiến, xã Đồng Minh, Trưởng ban Bảo vệ Cụm Di tích lịch sử văn hóa Miếu - Chùa Bảo Hà, kiêm Trưởng ban Khánh tiết dẫn tham quan. Vào hậu cung, cụ tự hào giới thiệu: “Ở đây, ngoài rất nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, chúng tôi có 3 cái rất đặc biệt. Trước hết, đó là bức tượng gần 700 tuổi chuyển động đứng lên ngồi xuống…”. Vừa nói cụ vừa mở khóa cửa bên trái và đẩy cánh cửa điện thờ. Cánh cửa đẩy, bức tượng ngồi trên ngai, tay cầm văn tự đứng lên một cách nhẹ nhàng, khoan thai. Cụ Nghĩa khép dần cánh cửa, bức tượng từ từ ngồi xuống tư thế ban đầu. Bức tượng là sự sáng tạo “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, là báu vật về tài hoa của những nghệ nhân Bảo Hà. Đây là tượng Đức Linh Lang Đại vương, được “thổi hồn” độc đáo dựa theo nguyên lý của nghệ thuật múa rối rất tài tình. Theo thần phả, Linh Lang là hoàng tử Hoàng Châu, con vua Lý Thái Tông, vị tướng có nhiều công đánh quân xâm lược Tống, anh dũng hy sinh vào thế kỷ XI. Ông được nhân dân Bảo Hà lập đền thờ với tư cách là Thành hoàng làng; các triều đại Cảnh Thịnh (1796), Tự Đức, Duy Tân và Khải Định đều phong ông “Thượng đẳng thần”… 
 
Cụ Nghĩa tiếp tục đến phía trước ban thờ Linh Lang và ngồi xuống giới thiệu “đặc sản” thứ 2: chiếc giếng mắt rồng, hình bán nguyệt, kết bằng đá. Theo cụ, chiếc giếng có mạch nước thiêng thông ra phía trước cửa nên “thả quả bưởi xuống chiếc giếng, khoảng 10 phút sau, quả bưởi sẽ trôi ra ao ngoài cửa miếu cách đây gần 20 mét”. Chưa hết ngạc nhiên, chúng tôi được cụ dẫn ra phía trước bên trái tiền đường để kể về giá trị đặc biệt thứ 3 của miếu. Đó là bức tượng cao 61 cm, nhân vật Nguyễn Công Huệ, ông tổ nghề tạc tượng từ thế kỷ XV. Bức tượng ngồi trên ngai rồng uốn lượn hình sóng nhỏ, chân trái duỗi, chân phải co, gót chân đặt trên bệ ngồi, vầng trán cao, đôi mắt tinh anh, mũi thanh, bộ râu dài mượt, miệng hơi ngậm, tự tại, oai phong và quảng đại. Cùng đó, chiếc áo dài khoác trên mình hai phần ba, để lộ phần ngực, bắp tay chắc khỏe và bụng to như Phật Di Lặc, nhân từ, gần gũi. Đôi tay mềm mại, những ngón tay như những búp sen, biểu đạt sự tài hoa của một nghệ nhân. Kiệt tác này vừa khái quát và điển hình hóa cao về mẫu người hay con người cụ thể; vừa toát được tính thực, gần gũi với đời sống mọi người. Tương truyền, bức tượng do chính tay ông Nguyễn Công Huệ tạc khi tuổi đã cao. Ông là người làng Bảo Hà, bị giặc Minh bắt đưa sang Trung Quốc lao động khổ sai. Đến đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), ông được trở về quê hương, truyền lại nghề điêu khắc đã học được cho dân làng. Trong miếu Bảo Hà còn những hiện vật quý khác như 4 đạo sắc phong của vua. Hai sắc phong cho Linh Lang, một sắc phong “Lỳ tài hầu” cho nghệ nhân Tô Phú Vượng, người học trò xuất sắc của ông Nguyễn Công Huệ và một sắc phong cho nghệ nhân Hoàng Đình Ức với chức “Cục phó kỹ thuật”. Tô Phú Vượng gắn với chuyện tạc chiếc ngai vàng tuyệt mĩ cho vua Lê Hiển Tông (1740-1786) và giai thoại tạc 7 con voi trên 7 hạt gạo gây sửng sốt đối với nhà vua… 
 
Tượng thủy tổ nghề tạc tượng và sơn mài Nguyễn Công Huệ
Tượng thủy tổ nghề tạc tượng và sơn mài Nguyễn Công Huệ
 
Hàng năm, tại miếu Bảo Hà, giữa tháng 2 âm lịch, chính quyền và Nhân dân tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ, tôn vinh các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Đồng thời cũng là dịp tài nghệ nghề tạc tượng và nghệ thuật múa rối nước, những giá trị đặc sắc về văn hóa vật thể và phi vật thể được phô diễn với nhiều hình thức và hoạt động trước trăm họ. Rời Bảo Hà, chúng tôi nhớ câu ca dao: “Ai qua Vĩnh Lại/Nhớ tới Bảo Hà/Vào chùa xem tượng mới tô/Thăm đền Tổ phụ, thăm từ Linh Lang/Bàn tay khắc gỗ lên vàng”… 
 
Ghi chép: MINH ĐẠO