Tình yêu còn mãi

09:04, 15/04/2020

Tình yêu còn mãi

1. Thanh nhớ Châu với bao kỷ niệm đọng đầy trong lòng... Nhìn nắng xuân lấp lánh đó đây, lay động trên cành lá hàng cây xanh bên đường, anh càng thêm nỗi nhớ nàng, đôi mắt sáng dịu dàng nhìn hàng cây tươi tắn yên lành trong nắng bên bến nước buôn Đăk Mơ ngày nào... Mười năm qua, trái ngang nào chia xa cho tình yêu thêm lẽ sống trong anh và nàng với nỗi nhớ tin yêu tốt đẹp về đời nhau...
 
Những năm gần đây, mỗi lần Thanh trở lại vùng đất Tây Nguyên, đi qua từng cánh rừng khô khốc lụi tàn, đôi mắt tâm hồn Châu ngày xuân ấy lại hiển hiện trong anh, tươi vui dịu dàng trước rừng cây sinh động bạt ngàn... Nàng yêu rừng cây bến nước buôn làng với những con người chân chất hồn hậu trong trẻo mắt cười khi có khách đến thăm. Giờ đây, sông cạn rừng tàn, buôn trở nên buồn vì thiếu vắng cảnh quan đồng cảm gần gũi với người. Mười năm xa nhau, mười năm Châu không trở lại Tây Nguyên. Thanh nhớ biết bao, bên suối thác Đăk Mơ êm đềm giữa rừng cây xanh lấp lánh nắng, nụ hôn ban đầu anh và Châu dành cho nhau, say đắm nồng nàn, có sự đồng cảm của ánh mắt thiên nhiên đưa đẩy đợi chờ...
 
Thanh ngồi nơi quán cà phê gần tượng đài cao giữa lòng ngã sáu Buôn Ma Thuột. Anh nhớ Châu... Một ngày cùng Thanh đến thành phố này, Châu đã ngồi đây với anh. Đôi mắt nàng vời vợi buồn nhìn tượng đài chiến thắng có đặt chiếc xe tăng, chạnh lòng nghĩ đến người cha đã mất một phần thân thể trước ngày đất nước không còn chiến tranh... 
 
*
 
Cuối năm 1972, tại chiến trường Tây Nguyên, bên dòng sông Đăk Tơ Kan dưới chân núi cao Ngok Linh, cha Châu bị mất một chân bởi bom đạn nghịch thù cày xới đêm ngày trên vùng đất cao nguyên. Từ Bắc vào Nam, rời làng hoa bên sông Hồng bên hồ Tây Hà Nội, ông cùng đoàn cán bộ thủy sản đem các loại cá giống nước ngọt, chỉ có ở miền Bắc, bổ sung cho các dòng sông dọc chiều dài Trường Sơn - Tây Nguyên và phía Nam đất nước. Bom đạn bạo hành trong trận đánh nào đã lấy mất một phần thân thể của người xa cách gia đình, chịu nhiều gian khó, nuôi thả cá giống trong những dòng sông cho sự sống tốt hơn... Đất nước thống nhất, trở về Hà Nội, cha Châu chỉ còn lại một chân với chiếc nạng gỗ. Lúc bấy giờ, Châu là cô gái vừa qua tuổi lên mười, sống bên người mẹ luôn được yêu chiều những tháng năm thiếu vắng cha. Rồi một ngày, trước tình cảnh tàn tật của cha từ chiến trường xa trở về, mẹ càng thương con gái hơn. Ngày ngày bà lại đau lòng nhìn người chồng lành lặn năm nào, nay tiều tụy khập khễnh từng bước... đưa đôi mắt buồn từ bên trong khung cửa căn nhà nhìn ra vườn hoa lộng lẫy sắc màu bên bến nước hồ Tây... Có đêm ông nửa thức nửa ngủ, trong giấc mơ chập chờn hiện ra trận đánh tại Tây Nguyên năm nào, với bao người hai bên chiến tuyến đầy bom đạn nằm chết ngổn ngang. Đâu đó tại chân núi bờ sông, ông nằm ôm vết thương đớn đau đẫm máu..., lại hiện ra hình ảnh người vợ hiền cùng đứa con ngoan... đang buồn bã chăm bón vườn hoa quả rau xanh quanh nhà...
 
*
 
Châu tốt nghiệp đại học khoa Văn, được nhà xuất bản chuyên ngành tại Hà Nội tiếp nhận làm biên tập viên, công việc thích hợp với nguyện vọng và khả năng của nàng. Vài năm sau, Châu được cơ quan phân công vào chi nhánh tại Sài Gòn, thành phố lớn của đất nước mà sau mười lăm năm thống nhất hai miền Bắc-Nam, lần đầu tiên nàng mới có dịp háo hức bước đến. Sau những ngày đầu thu xếp chỗ ở, đi thăm đó đây quanh thành phố sôi động, Châu nghe lòng mình vui vì được biết thêm một vùng đất rộng, người người sống cởi mở thân tình... Công việc của nàng, ngày ngày đọc và biên tập bản thảo tác phẩm văn xuôi của tác giả từ các nơi gởi đến.
 
Châu quen biết Thanh tại chi nhánh nhà xuất bản, trong một ngày anh đến trao tận tay nàng tập bản thảo bút ký "Nắng mai còn mãi". Cô đồng cảm những trang văn của Thanh thấm đậm tình ý thân thiết với thiên nhiên và con người; đồng cảm với cảm nhận về chiến tranh để lại những mất mát đau buồn, những khoảng cách đắng cay..., khơi gợi lòng người bước đến gần nhau; từng tháng ngày qua, hai miền đất nước sẽ đầy đặn tin yêu.
 
"Nắng mai còn mãi", tác phẩm đầu tay được xuất bản, anh cảm thấy vui với tình cảm biết ơn Châu đã góp phần hoàn chỉnh hơn, cả tình ý và ngữ nghĩa ở một số trang bản thảo. Trước khi đặt bút biên tập, nàng đã chân tình trao đổi chu đáo với anh. Qua vài lần gặp gỡ tại quán cà phê bên sông khi có dịp vào Sài Gòn, Thanh nhận ra tình cảm anh và Châu. Từ ánh mắt gần gũi quý mến đã thành thân thiết sau lần đầu... tay trong tay khi anh hôn nhẹ nhàng trên mái tóc nàng...
 
*
 
Cuộc sống của Thanh từng tháng ngày đi đó đây các tỉnh miền núi Tây Nguyên. Anh viết các thể loại phóng sự, bút ký, có khi là truyện ngắn, cộng tác thường xuyên với các báo tại Sài Gòn và Hà Nội. Gần mười năm trước, Thanh đến Kon Tum, chứng kiến tình cảnh nhiều căn nhà sàn mái tranh vách nứa làng Đăk Mế bị cháy hoang tàn. Và nỗi đau buồn đáng nói hơn đối với người dân tộc thiểu số Brâu.... Ngôi nhà rông đường bệ mái cong cao vút, biểu tượng đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng làng cũng bị thiêu rụi... Làng Đăk Mế lấy tên suối Đăk Mế, dòng nước ngọt trong xanh lượn vòng chân núi kề cạnh ngã ba Đông Dương của ba nước Việt - Lào - Cămpuchia... Làng bị cháy vào mùa khô trong từng cơn gió Lào lướt qua, chung quanh làng không còn rừng cây xanh, gần xa đã bị một thời lửa bom chiến tranh tàn phá và sau năm 1975, tình trạng chặt hạ cây già bóng cả lại diễn ra. Nay làng bị cháy, không thể tìm đâu ra cây gỗ xây dựng lại nhà ở, nói chi là ngôi nhà rông truyền thống cần gỗ quý để phục hồi tương xứng vẻ đẹp bề thế của biểu tượng văn hóa tâm linh...
 
Bài phóng sự "Nỗi thống khổ không còn mái nhà rông" phản ánh nỗi khổ mất mát chơi vơi không còn nguồn sống ý nghĩa thiêng liêng thiết thực đời người ngay trên đất làng thân thiết của mình, đã được Thanh san sẻ nỗi đau và đưa vào trang viết sau khi rời làng Đăk Mế. Bài đăng báo tại Sài Gòn và phóng sự cũng gợi lời kêu gọi sự giúp đỡ của lòng người đó đây, sớm mong hàn gắn nỗi khổ đau của cộng đồng làng Đăk Mế ở vùng cao biên giới xa xôi...
 
*
 
Phóng sự về hoạn nạn đau buồn của làng Đăk Mế, đã được một số cơ quan và doanh nghiệp tận tình giúp đỡ... Nhà xuất bản của Châu đóng góp tiền, phân công nàng đi trao quà cho tất cả trẻ em Đăk Mế. Châu nghe lòng nhẹ nhàng với chuyến đi xa đầu tiên đến Tây Nguyên, được tận tay san sẻ tình cảm... cho các cháu ở vùng cao. Nàng liên lạc với Thanh, trao đổi về chuyến đi trao quà sắp tới, ngỏ lời muốn có anh cùng đến Đăk Mế... Thanh đang ở một buôn làng dân tộc Bahnar bên sông Ayun trên Gia Lai, anh thu xếp công việc, lòng vui trước chuyến đi tình nghĩa của Châu. Hai người hẹn gặp nhau tại sân bay Pleiku khi nàng từ Sài Gòn đến, sẽ thuê xe cùng đi trao quà ngay trong sáng ấy...
 
Buổi trao quà diễn ra giữa cảnh quan buồn. Ngôi nhà rông trước mắt Châu và Thanh không còn mái tranh cao hướng lên đỉnh trời, không còn sàn gỗ rộng đón bước chân người người ngày lễ hội, không còn vách nứa với những khung cửa mở toang đón nắng gió sớm chiều và ánh sáng đêm trăng, chỉ còn lại cầu thang cháy đen xiêu vẹo và mấy cây cột lửa thiêu nghiêng ngả. Kề cạnh ngôi nhà rông tàn lụi ấy được người làng chọn làm nơi đón khách trao quà cho các cháu dân tộc Brâu... Từng phong bì tiền mới kèm theo gói bánh kẹo từ tay Châu và Thanh được trao tay từng cháu gái, cháu trai. Tất cả lễ phép cúi đầu chào, đôi mắt nào cũng trong trẻo hồn hậu gởi gắm tình ý biết ơn chân thành...
 
Rời làng Đăk Mế, những đôi mắt trẻ thơ ở phía tây dãy núi lớn Ngok Linh vẫn hiển hiện trong lòng Châu... Những đôi mắt người già trên khuôn mặt đen đúa nhăn nheo, cũng trong trẻo như mắt trẻ thơ tuy mất mát buồn đau mà không gợn lên sự tức giận và tính toán thiệt hơn... Ngồi bên Thanh, tay trong tay nhau, Châu nhẹ nhàng nói với Thanh về tình cảnh làng Đăk Mế với những đôi mắt trong vắt tình người. Thanh nhìn Châu, khuôn mặt đẹp thánh thiện dịu dàng chứa chan tình cảm. Anh hiểu nàng như chính lòng mình. Trong giây lát Thanh mường tượng tình yêu đã nẩy nở giữa anh và nàng.
 
2. Tình yêu đến và ở lại mãi trong đời Châu và Thanh, cho dù trái ngang chia xa, đã mười năm qua, nàng và anh không gặp lại nhau...
 
Cha mẹ Châu không đồng ý con gái mình kết hôn với một người đã từng ở trong quân ngũ chế độ Sài Gòn, lại là sĩ quan tù cải tạo nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước... Châu nhiều lần giãi bày với cha mẹ về những tháng năm đã qua trong đời Thanh và tình cảm tốt đẹp của anh dành cho cuộc sống hôm nay. Nàng tỏ rõ tình cảm yêu thương qúy trọng nhau giữa hai người, khao khát trở nên vợ hiền của Thanh; thế nhưng cha mẹ vẫn chối từ... Một phần thân thể của cha Châu đã mất, chỉ còn lại một chân với chiếc nạng gỗ... luôn gợi ông nhớ đến bom đạn bạo hành thời chiến tranh tại sông núi Tây Nguyên, cùng tháng ngày này, nhiều người bạn đồng hành với ông đã nằm xuống mãi...
 
Sau những ngày về Hà Nội với cha mẹ, Châu trở lại Sài Gòn, lòng buồn sẽ phải nói với Thanh nguyên do nào cha mẹ nàng đã chối từ..
 
*
 
Thanh tốt nghiệp tú tài ban văn chương năm 1970, không có điều kiện vào đại học văn khoa như ý muốn. Đúng tuổi động viên vào quân đội, anh phải nhập học khoa sĩ quan trù bị Thủ Đức. Mười tám tháng sau, ra trường với cấp bậc chuẩn úy. Với số tiền bán miếng đất trồng khoai bên căn nhà của cha mẹ ở vùng đồng muối ven bờ vịnh Vân Phong phía đông bán đảo Hòn Hèo... anh được một đơn vị không tác chiến nhận về Nha Trang. 
 
Sau mùa xuân 1975, thiếu úy Thanh bị đưa đi tù cải tạo tập trung tại miền núi phía tây tỉnh Phú Yên, chịu đựng gian nan nhọc nhằn kéo dài hơn năm năm, anh được trở về nhà... Cha mẹ và vợ chồng em gái Thanh đã vượt biên khi anh còn ở trại tù hai năm trước. Chiếc thuyền đánh cá chở mấy mươi người vượt biên, trong đó có những người thân của Thanh, từ ngày rời làng biển trốn ra nước ngoài, từng tháng năm qua vẫn biệt tăm, không một ai trong làng biết được tin tức gì... Có thể sóng to gió lớn trùng khơi đã nhận chìm thuyền, có thể thuyền mất phương hướng lênh đênh thời gian dài, hết xăng dầu, hết lương thực nên tất cả đã chết.... Có thể bị hải tặc nước nào cướp của giết người, rồi cho nổ chìm thuyền mang theo số phận của những người trốn khỏi đất nước...
 
Niềm vui được tự do trở về làng quê đã tiêu tan trong lòng Thanh trước nỗi thiếu vắng cha mẹ và vợ chồng em gái... Những ngày ở lại làng biển quê hương, Thanh luôn quan tâm thăm dò tin tức, hy vọng những người thân còn sống sót đâu đó, nếu may mắn được tầu nước nào cứu vớt... Rồi anh đành phải rời làng vào Nha Trang tìm cách mưu sinh. Căn nhà cha mẹ Thanh, chính quyền địa phương đã quản lý từ ngày chủ nhà vượt biên trái phép...
 
Đến Nha Trang, Thanh tá túc nhà bạn, hai người thân nhau vào những năm đi tập trung cải tạo. Được bạn tặng chiếc máy ảnh, ngày ngày Thanh hành nghề chụp ảnh dạo dọc bờ biển vịnh Nha Trang. Thỉnh thoảng, Thanh đưa du khách Hà Nội, Sài Gòn đến tháp cổ Ponagar bên sông bên biển, đến biệt điện Bảo Đại trên đồi cao bên hải cảng Cầu Đá, có khi anh hướng dẫn khách thăm hồ cá làng đảo Trí Nguyên... ghi lại những hình ảnh đẹp của Nha Trang. Cảm xúc trước cảnh quan sông núi... đảo gần đảo xa... với những chiếc thuyền chài qua lại trên vịnh rộng, với chiếc máy ảnh thành thạo trên tay, Thanh nghĩ đến ảnh nghệ thuật... Thỉnh thoảng, cùng với việc chụp ảnh kiếm sống, những bức ảnh của Thanh với bố cục và ánh sáng hài hòa, khoảnh khắc bấm máy đầy tình ý, đạt giá trị nghệ thuật được đăng báo. Điều này khiến anh vui khi nhận ra niềm vui trong đời và khao khát phải sống tốt hơn...
 
Rồi, Thanh bắt đầu đặt bút viết tản văn, tùy bút về biển đảo và người dân chài, lần lượt gởi bài đăng các báo văn nghệ địa phương và trung ương. Anh thôi chụp ảnh thuê, được nhận làm cộng tác viên chính thức cho một tờ báo lớn tại Sài Gòn, được cấp giấy giới thiệu đi viết bài tại các tỉnh Tây Nguyên và vùng biển miền Trung... Tập bút ký "Nắng mai còn mãi", kết tinh từ nhiều phóng sự viết về tình người, tình đất nước đã có duyên nối kết tình cảm giữa Thanh và Châu. Trái ngang chia xa..., vẫn còn mãi những tốt đẹp anh và nàng đã dành cho nhau.
 
3. Thanh trở lại Buôn Đôn bên dòng sông lớn Sêrêpôk. Từ thành phố Buôn Ma Thuột đến thác Bảy Dòng, hai bên đường tỉnh lộ Thanh không còn thấy màu xanh cành lá non tơ như mùa xuân năm nào; rừng cây đó đây đã tàn lụi tận bìa rừng Vườn quốc gia Yôk Đôn bên kia dòng sông lớn. Bên trong vùng lõi vườn quốc gia rộng nhất nước, các loại cây già bóng cả thuộc loại gỗ quý: giáng hương, cẩm lai, cẩm xe, cà te... cũng không tránh khỏi những lưỡi cưa tay cưa máy đêm ngày đẩy ra khỏi rừng... Sông cạn rừng tàn, có nỗi buồn nào hơn đối với cộng đồng làng người dân tộc bản địa bao đời qua sống kề cạnh rừng cây xanh bến nước đầy.
 
Mười năm trước, một ngày đầu xuân, Thanh và Châu đến đây, rừng cây xanh màu lá mới trải dài hai bên bờ dòng sông rộng gờn gợn sóng lấp lánh nắng mai. Anh cảm thấy vui, đồng cảm cùng đôi mắt người yêu gần gũi thân thiện với thiên nhiên xanh yên lành. Khi Thanh đưa Châu qua cầu treo, đến bến cát giữa sông, nhìn từng con voi nhà chở khách đi dọc bìa rừng, lội qua sông cạn, nàng thủ thỉ với anh: "Em thương quá những con voi nhà bị xiềng xích! Hai chiếc ngà dài bị cưa ngắn ngủn, đôi mắt voi thật buồn... không còn sáng tinh anh như voi sống trong rừng; sớm chiều phải chở khách đi lại đó đây theo điều khiển của nài voi, chủ voi. Em nghe nói, voi nuôi trong làng cũng không có điều kiện sinh sản vì thiếu cảnh quan thanh thản kín đáo giữa rừng để thỏa mãn nhu cầu gần gũi luyến ái nhau...".
 
Thanh ôm hôn Châu, anh nói, giọng đồng cảm nhẹ nhàng: "Loài voi cũng có tính người, biết buồn vui, ơn nghĩa, giận hờn và yêu thương...".
 
Đêm trăng sáng hôm ấy, Thanh và Châu ở lại trong căn nhà sàn mái tranh vách nứa của khu du lịch kề cạnh buôn làng Mnông bên sông Sêrêpôk... Hạnh phúc tươi tắn đầy đặn trong vòng tay hai người luôn vì nhau, cộng hưởng cảm xúc dâng hiến yêu thương, hòa hợp từng giây phút thiêng liêng... đến đỉnh cao say đắm ngọt ngào... Hôm nay, chỉ có Thanh qua lại đó đây bên thác nước Bảy Dòng thơ mộng kỳ vĩ giữa đôi bờ rừng cây, bên bến đò bản Đôn êm đềm bềnh bồng những con thuyền độc mộc đi về trên làn nước sông trong xanh, bên ngôi nhà gỗ trầm mặc đã trăm năm của vua voi Kunjunốp cạnh con đường làng đầy cành lá me xanh..., anh nghe lòng nhớ Châu với bao kỷ niệm êm đềm thấm đậm tình ý tốt đẹp... khơi mở thêm lẽ sống trong đời anh... Trái ngang nào chia xa, đã mười năm qua Thanh không gặp lại Châu từ ngày nàng rời Sài Gòn, chuyển về nhà xuất bản Hà Nội theo ý nguyện thiết tha của cha và mẹ già; rồi cuối năm đó, cuộc hôn nhân sắp xếp trái lòng với người đàn ông cùng làng hoa ven hồ Tây bên sông Hồng... đã ngăn cách nàng xa rời anh.
 
*
 
Có phải tình yêu không hai lần đến trong một đời người? Tình yêu dâng hiến cho nhau vì nhau... đâu thể xóa nhòa qua năm tháng chia xa! Châu luôn nhớ Thanh, nhớ tình yêu hòa hợp bổ xung tâm ý tốt đẹp cho đời nhau... Ngày tháng dần qua, Châu sống bên người chồng tốt, giàu lòng yêu thương và quan tâm công việc của nàng tại nhà xuất bản. Châu quý trọng và biết ơn mọi sự chu đáo của chồng, nhưng hình ảnh Thanh không xa rời nàng. Châu tin tưởng Thanh sẽ giữ lấy bao kỷ niệm êm đềm thấm đậm tình cảm ngọt ngào, từ ánh mắt bàn tay trao gởi thiết tha cho đến những phút giây gần gũi đắm say..., cả tâm hồn và thân thể hai người hòa chung cung bậc thăng hoa. Nàng nghe lòng hạnh phúc trong nỗi nhớ anh..., buồn chia xa mà thanh thản nhẹ nhàng; tình yêu ấy còn mãi trong lòng hai người, là nguồn sống êm đềm đầy đặn nghĩa tình qua từng tháng năm còn lại của đời nhau... Châu sống yên ổn bên người chồng, đến khi có con trai đầu lòng, thỉnh thoảng nàng vẫn nói chuyện với Thanh qua điện thoại, thăm hỏi cuộc sống công việc và mong mọi điều tốt đẹp cho nhau...
 
Bên cạnh công việc đi đó đây, lúc thì về làng biển, lúc ra đảo xa, rồi trở lại các tỉnh miền núi Tây Nguyên... viết phóng sự, bút ký, tản văn, Thanh còn tranh thủ thời gian, đêm đêm ngồi viết tiểu thuyết về cuộc đời mình cùng quan hệ giữa người với người và thiên nhiên..., trong đó có mối tình của anh và Châu... Từng trang viết đọng đầy cảm xúc nung nấu từ tâm tư trí tưởng Thanh như có bàn tay Châu gởi gắm trang trải ý tình... Nàng đã nhẹ nhàng khơi gợi với anh về sự nghiệp lâu dài, không chỉ dừng lại với những bài viết tâm huyết nhất thời... Rồi tiểu thuyết ấy, mang tên "Có nỗi buồn nào hơn" được ra đời. Cả Thanh và Châu đều vui, nhưng ngày nhà xuất bản tổ chức giới thiệu sách, chỉ có anh mà thiếu vắng nàng. Từ bao năm qua dù buồn cách xa, Thanh và Châu cùng tự nhủ lòng không hẹn gặp nhau. Nỗi nhớ luôn kề cạnh từng bước đường, nhưng Thanh kềm lòng... chủ động không hẹn gặp gỡ Châu. Anh nghe lòng thanh thản khi giữ gìn cuộc sống yên lành của gia đình nàng...
 
4. Thanh rời Buôn Đôn bên dòng Sêrêpôk khi những vệt nắng cuối ngày rơi rớt đó đây nơi dãy núi phía tây. Về đến Buôn Ma Thuột, thành phố vừa sáng ánh đèn, Thanh gặp Hải tại nhà người bạn như đã hẹn trước qua điện thoại. Nhà của Hải bên dòng suối Kô Siêr gần đồi thông phía đông thành phố. Hai người bạn thân vui vẻ gặp lại nhau sau một năm Thanh xa thành phố này. Hải đã sắp xếp chỗ nằm cho người bạn, sau khi Thanh tắm xong, hai người lên xe gắn máy đến quán rượu Làng Chài bên công viên xanh. Đó đây quanh thành phố núi thơm hương hoa trắng cà phê nẩy nở sau mùa thu hái, hứa hẹn mùa màng năm sau thêm đầy đặn chùm quả đỏ khắp vườn cây vùng đất bazan thấm đậm phù sa...
 
Trước mặt Hải và Thanh vẫn là loại rượu vodka thơm nồng và món cá sông ngon ngọt như mỗi lần gặp lại nhau tại xứ sở có dòng sông lớn từ thượng nguồn cao chảy dài giữa hai bờ thưa vắng cây xanh, còn lại đó đây những buôn làng người Mnông, Êđê sống gần kề bến nước đầy đặn ngày nào..., từng năm tháng qua đã vơi cạn dần bởi tình trạng phá rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn. 
 
- Lần này, lên đây, cậu tính đi những đâu, viết gì..., ta cùng đi với nhau!
 
Hải hỏi Thanh, quan tâm về chuyến đi của người bạn đồng nghiệp, đồng hương từ Nha Trang lên miền núi này. Trong giây lâu, Thanh nhìn Hải như nghĩ ngợi, muốn có sự đồng tình của người bạn lớn tuổi hơn anh:
- Tôi muốn đến hồ Lăk rộng bên sông Krông Ana gần dãy núi cao Chư Yang Sin...
 
- Ừ, ta cùng đi! 
 
Thanh rót tiếp phần rượu còn lại trong chai cho hai người. Anh nâng ly mời Hải cùng uống cạn, háo hức nghĩ đến chuyến đi ngày mai đến hồ Lăk của huyện mang tên hồ, lòng biết ơn người bạn sẵn lòng đông hành. Thanh biết Hải không lạ gì hồ Lăk, cũng như sông suối núi rừng trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Đăk Lăk rộng lớn này, kể cả tỉnh Kon Tum và Gia Lai của Trường Sơn - Tây Nguyên anh đều thông thuộc. Gần hai mươi năm, Hải là phóng viên thường trú tại Tây Nguyên cho một tờ báo lớn của trung ương; anh chú tâm viết về các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và xã hội... Hơn năm mươi tuổi, trải qua hai chế độ, cuộc đời anh đã qua nhiều bước đổi thay, lận đận... Hiện nay, Hải đã xa rời nghề báo, trở lại nghiệp văn, sống buồn đơn chiếc sau cuộc ly hôn để lại nhiều tổn thương cho lòng anh hối tiếc đến bây giờ...
 
*
 
Hải và Thanh đến hồ Lăk khi mặt trời đã lên cao trên đỉnh núi Chư Yang Sin. Không gian sinh tồn đầy rừng cây sắc lá xanh tươi bên mặt nước hồ lồng lộng gió của cộng đồng dân tộc Mnông đã biến dạng thay màu. Những căn nhà sàn gỗ mái tranh vách nứa đơn sơ mà trang nhã êm đềm bên bến nước nên thơ, nay đã thay bằng mái tôn tường vách chắp vá gỗ tạp, thiếu vắng cành nhánh cây pơ lang đầu làng nở rộ màu hoa đỏ mùa xuân. Bến nước ven bờ hồ rộng tỏa bóng cây kơ nia bên những chiếc thuyền độc mộc thanh mảnh bềnh bồng trong gió, tháng ngày qua rừng bên hồ tàn lụi, những chiếc thuyền ngày ngày đưa người đi giăng lưới thả câu trở về làng không còn thấy màu cây xanh tươi tắn ven bờ... Đó đây quanh bờ hồ khô cạn nước, thương sao những chiếc thuyền độc mộc nứt nẻ thủng đáy nằm ngả nghiêng từ năm nào... Buổi chiều, Hải và Thanh đi thăm vùng rừng rộng bên chân núi lớn vườn quốc gia Chư Yang Sin và rừng thuần chủng tre nứa của khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar gần chân đèo Đăk Nuê. Đó đây phơi bày màu sắc rừng cạn kiệt. Trước mắt Hải và Thanh, trong buổi chiều vàng nắng xuân, lòng buồn lại buồn thêm khi hai người dừng chân trước một vạt rừng tre nứa bên sông Krông Ana đã cháy đen trần trụi sau mùa mưa...
 
*
 
Trở về khu du lịch văn hóa sinh thái gần buôn làng người Mnông bên bờ hồ Lăk, trong đêm xuân sáng bừng ngọn lửa củi với âm nhạc cồng chiêng ngân vang giữa không gian thông thoáng đất trời cao nguyên, Hải và Thanh cùng vây quanh chung vui với khách du lịch từ các nơi đến. Những nghệ nhân cồng chiêng người bản địa gõ nhịp hòa cùng giai điệu bài "mừng khách đến"... diễn tả niềm vui hân hoan đón chào; tiếp đến là bài "mừng lúa mới" tỏ lộ niềm vui mùa màng thu hái được với tình cảm biết ơn hạt lúa, nắng mưa, đất trời. Bản nhạc nào cũng nói lên tình ý chân thật của người với người và người với thiên nhiên... Người thưởng thức từ xa đến có thể cảm nhận được ít nhiều tình ý khi hòa lòng mình vào tiếng cồng chiêng, đồng cảm với người và thiên nhiên, nhưng đâu thể bù đắp tâm tư tình cảm của những nghệ nhân già người Mnông đã thiếu mất niềm rung cảm dạt dào của một thời đã qua. Trong thanh âm lảnh lót ngân vang không còn sự cộng hưởng từ hồn rừng cây xanh bến nước đầy có tiếng gió trên ngọn cây bóng núi. Không còn đồng vọng tiếng suối thác reo và người người trong cộng đồng làng không còn màng hơi thở của cảnh quan xanh gần gũi thân tình. Thiên nhiên với người nghệ nhân không còn chung nhịp điệu tâm hồn khi tiếng cồng chiêng ngân vang... Âm nhạc cồng chiêng của người Mnông, Êđê, Ja Rai, Barnar, Xê Đăng..., khi cất tiếng hòa nhịp điệu ngân nga, chỉ thực sự mang hồn cồng chiêng khi được vang lên giữa cảnh quan làng-rừng. Làng một bên rừng một bên, tâm tình người nghệ nhân hòa chung nhịp hồn thiêng bóng cả cây ngàn, âm vang da diết gợi mở cùng. Tiếng cồng chiêng sẽ lạc hồn lạc điệu, chơi vơi khi vang lên gắng gượng trên sân khấu chói lòa ánh đèn màu hoặc biểu diễn phơi bày gắng gượng... 
 
5. Về thành phố Buôn Ma Thuột, ngồi với Hải tại quán Làng Chài trong buổi chiều nhạt nắng, Thanh nhớ lại hình ảnh các buôn làng Mnông và người dân sống bên sông bên hồ huyện Lăk, anh nghe lòng buồn trước tình cảnh đổi thay của người và thiên nhiên vây quanh... Thanh như thở than với Hải bên ly rượu đầy trao tay nhau:
 
- Bao giờ rừng cây quanh buôn làng xanh lại, lành lặn bên bến nước sông hồ đầy đặn cho người thanh thản sống vui với niềm tin yêu đất trời sông núi rừng cây..?
 
- Biết đến bao giờ..? Cậu là nhà báo nhà văn, bằng trang viết chất chứa tình ý thiết tha với sông núi con người Tây Nguyên, thì hãy phô bày tường tận những gì đã thấy đã nghe và đọng lại trong lòng. Tớ chưa hài lòng về mình, gần hai mươi năm sống ở Tây Nguyên, ơn nghĩa nhận được quá nhiều mà đáp lại chẳng bao nhiêu. Chỉ riêng việc hai đứa con của tớ, một gái một trai, được ra đời ở xứ sở này, hiện đang sống với mẹ, khỏe mạnh lành lặn qua từng tháng ngày, đã là ơn nghĩa không quên vùng đất cưu mang. Còn chuyện riêng tư vợ chồng chia lìa nhau là do lỗi của mình... Tớ thiết tha muốn viết tiếp một tiểu thuyết đầy tâm ý về con người và thiên nhiên trên vùng đất Tây Nguyên này để thỏa chí thỏa lòng với những gì mình đã sống qua, đã cảm nhận được... Ngày mai lại thêm một ngày... Một ngày trống trải không làm gì là mất thêm một ngày trong cuộc sống ngắn ngủi đời người... Thôi, anh em mình cụng ly vì ngày mai mới mẻ tốt tươi hơn...
Thanh nhìn người bạn, cười nhẹ nhàng:
 
- Chúc anh có thêm những trang viết đầy tình nghĩa với vùng đất này. Nơi đây, anh đã gặp gỡ một người, đã yêu thương, trở thành chồng vợ với hai đứa con, dù dang dở mối tình... nhưng cái nghĩa lớn nhất trong đời đã có với nhau hai đứa con; tôi hiểu lòng anh đâu thể nào quên... Cũng như tôi với Châu, đã lâu không gặp lại vì trái ngang... mà lòng luôn nhớ với bao kỷ niệm đã qua...
 
Hai ly rượu của Thanh và Hải được nâng lên, cùng uống cạn trong phút giây đồng cảm với nhau...
 
*
 
Hải nhớ mãi một ngày đã qua, rất xa xôi, lần đầu anh gặp Phương với mái tóc dài xõa lưng vai bên suối thác Buk So trắng xóa trên vùng đồi Đăk Nông đồi nối tiếp đồi với rừng cây xanh vây quanh của cao nguyên. Nàng đang mải mê chụp ảnh và phác họa quang cảnh đất trời lồng lộng với dòng suối bóng cây kề cạnh bến nước buôn làng, khi quay qua thấy ánh mắt Hải đồng cảm với mình trước thiên nhiên xanh lành lặn hữu tình, nàng nhẹ nhàng cười chào anh, khuôn mặt đẹp tươi tắn dịu dàng...
 
Khi nắng chiều vàng mềm mại xuống thấp khắp vùng đồi xanh, lấp lánh trôi theo dòng nước kề cạnh những căn nhà người Mnông, Hải đi bên Phương cùng đoàn văn nghệ sĩ được già làng tiếp đón, niềm nở mời vào căn nhà mái tranh vách nứa, bên bếp lửa củi sáng hồng đã bày biện sẵn món ăn đặc sản vùng đồi và ché rượu cần thơm hương lúa mới hòa chung men lá hoa rừng... Đầu cuộc vui, Phương hát bài tình ca Tây Nguyên, giọng thanh thoát tình cảm được già làng Mnông trang trọng chuyền tay nàng cần rượu nghĩa tình của người bản địa dành cho khách từ xa đến với làng-rừng... Rồi, cần rượu thơm thảo tình người, sau khi Phương đưa lên môi, đôi mắt nàng vui chuyền tay cho người ngồi vòng quanh bên cạnh. Hải đón lấy, thoảng nghe lòng xao xuyến khi hai người thân thiện nhìn nhau...
 
Buôn làng Mnông bên thác nước Buk So giữa vùng đồi Đăk Nông ấy, thắm đượm sắc màu thân ái, đã khơi gợi nẩy nở yêu thương trong lòng Hải và Phương khi hai người nhận rõ tình ý tốt đẹp thân thiết dành cho nhau sau những ngày ở vùng đồi cao nguyên, cùng gần gũi người dân chân chất hồn hậu và thiên nhiên xanh hào phóng gọi mời... Không lâu, bước chuyển tiếp của tình yêu hòa hợp tâm hồn là ngày cưới của Hải và Phương, giản đơn không màu mè phô diễn phố phường, mà xán lạn niềm vui hứa hẹn trọn đời có nhau vì nhau trong cuộc sống vợ chồng... Là họa sĩ, Phương chỉ chú tâm vẽ tranh màu nước, thướt tha mượt mà... lắng đọng tình người tình núi sông có vừng dương ấm áp soi vào. Ngày ngày Hải viết báo về văn hóa buôn làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, anh không quên kêu gọi tấm lòng từ thiện đó đây giúp đỡ những thân phận khốn khó ốm đau, những học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa phải rời bỏ mái trường... Tháng ngày qua, Hải và Phương sống hạnh phúc, có được căn nhà tương đối khang trang do bàn tay công sức hai vợ chồng tạo dựng nên, không còn nương nhờ căn phòng tập thể của cơ quan... Khi có hai người con, cần thêm điều kiện cho cuộc sống đầy đủ lâu dài, Hải đã năng động làm việc thêm; anh nhận viết sách cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê có uy tín, quan tâm đến đời sống công nhân và đóng góp phúc lợi cho xã hội. Phương tiếp tục sáng tác tranh, triển lãm trong và ngoài tỉnh, có nhiều quan hệ nghề nghiệp và những người mua bán tranh... Hải mừng cho Phương thành công với ước vọng dấn thân trên đường nghệ thuật; đôi lúc anh buồn vì nàng dành thời gian cho chồng và con không nhiều... Do công việc đưa đẩy, thỉnh thoảng Phương đi lại đó đây, có khi đi sớm về muộn, chồng chờ... con mong... Cho đến một ngày, Hải không dằn lòng, anh bất đồng nổi nóng trách giận Phương bằng lời lẽ xúc phạm nàng trước mặt cô con gái lên mười đầm đìa nước mắt đứng nhìn hình ảnh cha mẹ gây tổn thương cho nhau... Sự việc diễn ra không dừng lại một lần, lại căng thẳng hơn... Cho đến một ngày hai vợ chồng chia lìa nhau với tờ giấy ly hôn vô hồn mà nghiệt ngã phũ phàng cho hai đứa con thơ... Đến nay, mỗi lần nhớ lại, Hải nghe lòng xót xa, tự thấy mình có lỗi; trong cuộc sống vợ chồng đâu phải điều gì cũng hợp ý hài lòng, sao không nín nhịn, dùng lời nhẹ nhàng nhắc nhở người vợ đã sống bên nhau với bao kỷ niệm đầy đặn nghĩa tình, tốt đẹp nhất là hai người con xinh xắn, một gái một trai, đã được chào đời...
 
Mấy năm sau ngày ly hôn, dù ít nhiều đắng cay, Hải mừng cho Phương gặp gỡ một người chồng tốt, giàu lòng yêu thương chiều chuộng nàng. Phương nhận được hạnh phúc đủ đầy bên người chồng cùng quan tâm chăm lo đời sống học hành cho hai người con của Hải và nàng. Chồng Phương là kỹ sư nông nghiệp, có vườn cây cà phê bên sông Sêrêpôk, cách căn nhà của vợ chồng nàng bên đường phố lớn gần chợ Buôn Ma Thuột chỉ mười phút đường ô tô. Phương không còn đi đó đây sáng tác tranh. Người chồng lo liệu cho nàng một cửa hiệu bày bán tranh ảnh nghệ thuật gần nhà vợ chồng nàng. Để có thêm nhiều học bổng hàng năm do bàn tay mình làm ra... giúp học sinh nghèo hiếu học, Phương còn nhận vẽ chân dung truyền thần cho người người. Nàng nhận được niềm vui nhẹ nhàng trong cuộc sống không chỉ cho đời mình...
 
6. Theo ý Thanh muốn viết bài về thị xã cực nam Tây Nguyên, Hải cùng người bạn đến vùng đồi cao nguyên Mnông... Trong nắng chiều sắp tắt nơi vùng đồi phía tây, bao kỷ niệm đẹp với Phương ngày xuân năm nào bên suối thác Buk So lượn dòng giữa hai bờ cây xanh lại hiển hiện trong lòng Hải, tưởng như nàng cũng có mặt đâu đây..., từng bước chân nhẹ nhàng đang đến gần anh... Ngồi quán cà phê với Thanh bên dòng suối Đăk Nông giữa vùng đồi thị xã Gia Nghĩa lan tỏa làn sương trắng mong manh, Hải nghe lòng mình thấm đậm hình ảnh Phương..., rồi anh cũng đành quên, không khơi gợi thêm kỷ niệm êm đềm...
 
Sau hai ngày cùng Hải thăm thú, ghi chép hình ảnh và gặp gỡ người làng dân tộc Mnông bên suối bên sông của thị xã vùng đồi tỉnh Đăk Nông, Thanh cảm thấy vui với những gì đã tiếp nhận được, đọng lại trong lòng cảm xúc tốt tươi đầy đặn trước tình người với người và thiên nhiên xanh... Khi mặt trời lên, trước khi trở về thành phố Buôn Ma Thuột, hai người bạn không quên đến chân dãy núi lớn Tà Đùng thuộc địa bàn huyện Đăk GLong phía đông Đăk Nông giáp tỉnh Lâm Đồng, nơi xuất phát ngọn nguồn dòng sông dài đẩy đưa nước qua đồng lúa nương rẫy vườn cây cà phê của thị xã vùng đồi... Thanh còn được nhìn ngắm, đưa vào ống kính thác nước rừng cây hình ảnh những cây cổ thụ bên dòng sông lớn phân nhánh thành hai thác nước trắng rộng dài giữa đại ngàn xanh đồi nối tiếp đồi. Trước cảnh quan kỳ vĩ hữu tình, Thanh mơ màng tưởng như đang có Châu bên cạnh cùng đồng cảm ngắm nhìn. Rồi trong giây phút nhớ nàng với đôi mắt đẹp đầy sắc màu yêu thương... đã gợi mở lòng anh háo hức muốn thực hiện một chùm ảnh nghệ thuật về thác nước, rừng cây, sông suối và buôn làng trên cao nguyên. Anh hào hứng trao đổi với Hải, cảm thấy thêm phấn khởi khi được người bạn đồng tình, vui niềm vui công việc của anh. Trái ngang nào chia xa mối tình của Thanh, mười năm không gặp lại, mười năm nhớ thương một người với tình ý tốt đẹp luôn dành cho nhau..., đã nung nấu nẩy nở thêm sức sống trên những con đường anh đi không quên kiếm tìm ghi lại vẻ đẹp của đất nước con người. Dù sự định kiến ngăn cách mối tình của Thanh và Châu, anh vẫn luôn quý trọng cảm thông và giữ trong lòng mình tình cảm biết ơn cha mẹ Châu, những người thân đã cưu mang chăm lo cho nàng từ buổi chào đời... Người cha thân yêu của nàng cũng là nạn nhân chiến tranh gây ra nỗi đau bất hạnh cho ông đã mất một phần thân thể... Mười năm qua, đã bao lần trong giấc ngủ mơ, Thanh gặp gỡ Châu với khuôn mặt đẹp thánh thiện dịu dàng... Một sáng, hai người ngồi bên thác nước rừng cây đầy hoa phong lan nở trong nắng xuân... Một chiều, bên mặt nước hồ Tây, hai người cùng nhìn ngắm, tay trong tay nhau... Một lần nàng đưa anh về làng hoa thăm người cha tàn tật bước chân khập khễnh, đôi mắt ông thật buồn nhìn ra vườn hoa tươi tắn sắc màu...
 
Truyện ngắn: NGUYỄN HOÀNG THU