Phía sau nỗi buồn

05:07, 02/07/2020

Con người khi sinh ra đã biết thể hiện những xúc cảm bản năng qua tiếng khóc hay tiếng cười; buồn, vui trước cái xấu, cái tốt. Nếu vui là cảm xúc tốt thì buồn có phải hoàn toàn là xấu?...

Con người khi sinh ra đã biết thể hiện những xúc cảm bản năng qua tiếng khóc hay tiếng cười; buồn, vui trước cái xấu, cái tốt. Nếu vui là cảm xúc tốt thì buồn có phải hoàn toàn là xấu? Nỗi buồn ngỡ như sẽ khiến ta chìm đắm vào tuyệt vọng, bế tắc. Nhưng không, đó còn là cơ hội để thử thách bản lĩnh, nghị lực mỗi người; giúp ta biết học hỏi, trân quý những điều tốt đẹp.
 
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
 
Khi không đạt được điều mình muốn, như sự nghiệp, tiền bạc, danh vọng hay tình yêu,… thì rất có thể chúng ta sẽ lâm vào trạng thái buồn. Buồn cũng có nhiều cung bậc: có nỗi buồn vu vơ, có nỗi buồn thầm kín; có nỗi buồn dễ qua đi nhưng cũng có nỗi buồn cứ đọng lại mãi. Khi buồn, ta thường có cảm giác trống trải, sợ hãi, bất lực, cô đơn. Khi buồn, có người sẽ khóc, người im lặng; người muốn ngồi một mình, người lại tìm đến bạn bè để được sẻ chia, an ủi,…
 
Nỗi buồn đôi khi không dẫn con người ta đến với sự chán nản, tuyệt vọng mà đem đến cho con người động lực tích cực để sống. Nó giống như một bài kiểm tra, một phép thử giúp ta nhận ra, biết cách sắp xếp hay ưu tiên cho điều gì là quan trọng nhất với mình. Phía sau nỗi buồn, chúng ta có dịp trở về với thế giới của riêng mình để chiêm nghiệm về giá trị của nỗi cô đơn; để ta nhận ra ai là người bạn chân thành của mình; để kiểm chứng lại hành vi, lời nói của bản thân và để nhận ra khả năng đích thực của chính mình. Từ đó, ta sẽ dần trưởng thành hơn trong cuộc đời.
 
Phía sau nỗi buồn, chúng ta sẽ biết đồng cảm, sẻ chia với chính mình cũng như với những người xung quanh. Sự sẻ chia sẽ khiến nỗi buồn được xoa dịu và tan biến. Nó sẽ khơi gợi trong ta lòng trắc ẩn. Nó làm cho cuộc sống của chúng ta tươi sáng hơn ở phía tương lai. Phía sau nỗi buồn, ta cũng có thể chiến thắng được bản thân mình. Ta nhận ra khi nhìn xuống, còn có biết bao người mong muốn được như ta nhưng lại không thể. Và khi ấy, ta nhận ra điều mình cần phải làm: phải mạnh mẽ vượt qua để khẳng định giá trị của bản thân.
 
Phía sau nỗi buồn, con người càng biết quý trọng những giây phút khi vui. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập không ngừng chuyển hóa. Lúc vui, lúc buồn; khi hạnh phúc, khi khổ đau. Không ai vui mãi. Cũng chẳng ai buồn mãi. Vì vậy, những khi buồn, ta sẽ càng phải trân trọng, càng phải nâng niu những lúc an vui, hạnh phúc.
 
Phía sau nỗi buồn của một người mẹ có đứa con bị tự kỉ là động lực thúc đẩy người mẹ bằng mọi cách để giúp con hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường. Phía sau nỗi buồn của một đứa trẻ bị xâm hại là sự nỗ lực phi thường để sống tiếp của chính bản thân em khi nhìn về phía trước với rất nhiều gai góc, xù xì, tăm tối. Phía sau nỗi buồn của những đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương cha mẹ là sự nương tựa vào nhau để lạc quan vượt lên nghịch cảnh, hướng về một tương lai xán lạn.
 
Phía sau nỗi buồn, chuyện gì đến, ắt sẽ đến. Rồi tất cả những vết thương lòng cũng sẽ được chữa lành theo thời gian. Chúng ta hãy xem đó là một bài học quý. Bạn hãy thay đổi lối sống của bạn. Hãy tìm một chỗ dựa tin cậy nào đó để trải lòng. Hãy lên kế hoạch cho một hoạt động mới, một cuộc sống mới. Hãy sống chan hòa với thế giới xung quanh,… Và tôi tin rằng rồi mọi thứ sẽ ổn.
 
Nếu không tìm cách vượt qua nỗi buồn, có thể chúng ta sẽ lâm vào hoàn cảnh bế tắc, không lối thoát. Phía sau nỗi buồn, ta vẫn còn có nhiều con đường khác để đi thay vì cứ mãi gặm nhấm đau khổ, cô đơn, tuyệt vọng. Bởi vậy, hãy cứ đứng lên và mạnh dạn dấn bước về phía trước. Ánh sáng sẽ chờ ta ở phía cuối con đường!
 
AN VIÊN