Hai sân khấu ngoài trời độc đáo của xứ Huế

04:10, 22/10/2020

Ở Huế có hai sân khấu ngoài trời rất độc đáo. Đó là Sân khấu Thanh Bình và Sân khấu Bia Quốc Học.

Ở Huế có hai sân khấu ngoài trời rất độc đáo. Đó là Sân khấu Thanh Bình và Sân khấu Bia Quốc Học.
 
NSƯT Ngọc Khanh, Trưởng đoàn Hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (giữa) tại Sân khấu Thanh Bình ngày 27/6/2017
NSƯT Ngọc Khanh, Trưởng đoàn Hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (giữa) tại Sân khấu Thanh Bình ngày 27/6/2017
 
Sân khấu Thanh Bình
 
Các sân dài và rộng trước Thanh Bình Từ Đường (kiệt 281 đường Chi Lăng, thành phố Huế) trước đây là Sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để đội Việt Tường của nhà Nguyễn diễn tập tuồng (hát bội, hát bộ). Dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu là nơi biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành Huế. 
 
Sử sách ghi chép tuồng hình thành từ Bình Định rồi lan đến Phú Xuân (Huế) ở Đàng Trong, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống cung đình Huế. Dưới thời Nguyễn Phúc Chu đã có đoàn vũ nữ ngoài hát múa, còn diễn tuồng. Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, chúa cho xây dựng nhiều cung điện nguy nga, trong đó có hiên Đồng Lạc là nơi để trình diễn tuồng, lại sai người tập trung nghệ sĩ tuồng ở triều đình, chú tâm xây dựng đội tuồng ở hoàng cung. Nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình trong cuốn sách “Tuồng Huế”, có nhắc đến một tài liệu tranh của J.Barrow in tại Luân Đôn năm 1806, cho biết cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ XVIII ở Đàng Trong, mô tả cảnh hát tuồng thiết triều, rất đông khán giả đứng xem.
 
Đến đời vua Gia Long, triều đình đã tổ chức Việt Tường Đội đào tạo diễn viên tuồng. Đến triều vua Minh Mạng thì tuồng được hết sức quan tâm. Thanh Bình Thự, trường dạy diễn viên tuồng quy mô đầu tiên cả nước được thành lập năm 1825 và Duyệt Thị Đường, sân khấu tuồng hoàng cung được xây dựng năm 1826. Dưới triều vua Tự Đức tuồng phát triển rực rỡ, vua cho xây thêm nhà hát Minh Khiêm đường (tại Khiêm cung) năm 1864, lại thành lập Ban Hiệu thư, chuyên sáng tác, chỉnh lý, hiệu đính các vở tuồng với sự điều khiển của chính vua Tự Đức. Đào Tấn được vua tín nhiệm, sung vào Ban Hiệu thư lúc còn trẻ, đã sáng tác nhiều vở tuồng trong giai đoạn này. Vua Tự Đức còn tập hợp những nghệ nhân xuất sắc ở các làng, các tỉnh về Kinh có đến 300 người. Thời kỳ này sân khấu tuồng đạt tới đỉnh cao. Không chỉ vua, các thân vương, quan lại cũng rất mê tuồng. Nhiều phủ có những đoàn tuồng riêng như các đoàn của Hải Ninh quận công, bà chúa Nhất, ông Hoàng Chín, bà chúa Tám, bà Từ Cung… Các rạp tuồng cũng được dựng lên như rạp của phủ Định Viễn Quận công con vua Gia Long, và các rạp của Diên Khánh Vương, Tuyên Hóa Công, Đào Tấn… Khi nhà Nguyễn cáo chung vào năm 1945, các nghệ sĩ tuồng từ Huế tỏa đi khắp nước để tìm kế mưu sinh và để giữ nghề.
 
Ba năm trở lại đây, Sân khấu Thanh Bình đã tiếp đón Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh (trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Đoàn cải lương Sông Hương (trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế) đến biểu diễn. NSƯT Vũ Luân, người được mệnh danh là “hoàng tử cải lương”, cũng từng đến biểu diễn tại Sân khấu Thanh Bình. Đặc biệt, kỷ niệm 30 năm thành lập đoàn (1990-2020), các nghệ sĩ của Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đã quyết định hát phụng cúng Tổ nghề trong hai ngày tại Sân khấu Thanh Bình Từ Đường như một sự tri ân. 
 
Thanh Bình Từ Đường được công nhận Di tích Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 776-QÐ/VH ngày 23/6/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) như sự tri ân đối với nghệ thuật sân khấu. 
 
Được biết, nếu Festival Huế 2020 diễn ra như dự kiến thì Sân khấu Thanh Bình sẽ góp mặt trong chương trình sự kiện nghệ thuật “Tuồng Huế - Ngàn xưa âm vọng” gồm lễ tế Tổ sân khấu, rước mặt nạ tuồng trên đường phố, trình diễn trích đoạn tuồng.
 
Hát Văn, hát Chầu văn của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen tại Sân khấu Bia Quốc Học đêm 28/4/2018
Hát Văn, hát Chầu văn của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen tại Sân khấu Bia Quốc Học đêm 28/4/2018
 
Sân khấu Bia Quốc Học
 
Tại kỳ Festival Huế gần đây nhất là Festival Huế 2018, Sân khấu Bia Quốc Học là nơi trình diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh), Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Chiết Giang (Trung Quốc), Ca sĩ Noa (Israel), Nhóm nhạc Nematatlín (Mexico), Chương trình Không gian văn hóa Hàn Quốc (Hiệp hội Nghề Hàn Quốc) vào các đêm từ ngày 28 - 30/4/2018. 
 
Đặc biệt, vào đêm 1/5/2018, nơi đây là sân khấu trình diễn Lễ hội Áo dài với chủ đề “Huế vàng son” với hơn 400 mẫu áo dài tinh tế cũng đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người dân và du khách.  Bà Nguyễn Lan Vy, Tổng đạo diễn chương trình khi đó đã chia sẻ: “Tôi may mắn là người Huế nên hiểu được văn hóa và con người Huế. Chúng tôi chọn chủ đề “Huế vàng son” với mong muốn đưa hình ảnh Huế sâu sắc và đậm nét về văn hóa đến với người xem, đặc biệt là du khách”.
 
Với hiệu ứng ánh sáng đủ sắc màu, cộng hưởng với màu sắc tươi mới của Bia Quốc Học, sân khấu nơi đây trở nên lung linh, huyền diệu trước mắt khán giả. Ca sĩ hàng đầu Israel Noa ấn tượng với Sân khấu Bia Quốc Học. Tối 29/4/2018 cô đã cùng nghệ sĩ guitar cự phách Gil Dor biễu diễn tại Sân khấu Bia Quốc Học trước hàng trăm khán giả. Ca sĩ Noa lúc đó đã lưu diễn 53 quốc gia. “Sân khấu này là sân khấu đẹp nhất mà tôi từng biểu diễn” - Noa cho hay.
 
NGUYỄN VĂN TOÀN