Gần 150 tác phẩm văn học sáng tạo tại Đà Lạt

10:10, 18/10/2020

(LĐ online) - Sau 15 ngày diễn ra tại Đà Lạt, chiều 17/10 Trại sáng tác văn học 2020 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã bế mạc...

(LĐ online) - Sau 15 ngày diễn ra tại Đà Lạt, chiều 17/10 Trại sáng tác văn học 2020 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã bế mạc. Tham dự trại, 25 nhà văn, nhà thơ đã miệt mài viết cho ra đời gần 150 tác phẩm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, bút ký, tản văn, chân dung văn nghệ sĩ. 
 
Trao bản thảo tác phẩm cho Nhà sáng tác Đà Lạt
Trao bản thảo tác phẩm cho Nhà sáng tác Đà Lạt
 
Đa số các nhà văn đều cao tuổi, người ít tuổi nhất đã 54, nhưng sức sáng tạo không ngơi nghỉ, nhiều tác giả đã cho ra đời số lượng tác phẩm lớn có chất lượng cao cả về tư tưởng nghệ thuật và bút pháp thể hiện. Có thể kể: Phạm Đình Nhân với 1 tập truyện thiếu nhi hơn 30 mẩu chuyện nhỏ; Phan Thị Thanh Nhàn 20 bài thơ, Phạm Xuân Trường chùm 7 bài thơ, Thanh Khương hoàn thiện tiểu thuyết “Dòng sông lạc loài”, Nguyễn Thu Nhạc hoàn thành tiểu thuyết “Người về khép áo lặng trông”, Lê Hồng Miên tiểu thuyết “Người ở lại”, Trần Quang Đạo tiểu thuyết “Cánh tay thứ ba”; Hồ Khải Hoàn 1 tập thơ và nhạc; Nguyễn Thị Phước 1 truyện ngắn, 2 bài thơ, 2 tản văn; Phạm Hồ Thu tập thơ “Chạm cõi si mê” 12 bài, Trần Thái Hùng 1 chùm thơ; Vương Tâm 10 bài thơ; 1 bài thơ; Y Ban tập truyện ngắn mini… Tất cả là kết tinh sức lao động bền bỉ, niềm say mê và tình yêu nghề. Một cuộc hội thảo nhỏ cũng đã diễn ra, các nhà văn cùng nói về nghề, về những vấn đề lớn của nền văn học Việt Nam đương đại và cả những trăn trở của người cầm bút với nghề. 
 
Các nhà thơ giới thiệu tác phẩm mới sáng tác
Các nhà thơ giới thiệu tác phẩm mới sáng tác
 
Nhiều tác phẩm mới ra đời đã được trình bày tại lễ bế mạc, đó là những vần thơ mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật đã khẳng định chất lượng của các tác phẩm sáng tác từ trại viết. Phát biểu, nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Phó ban Thường trực Ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định vai trò của công tác tổ chức trại sáng tác của Hội những năm qua. Trại viết là cơ hội để nhiều cá tính, nhiều phong cách, gặp gỡ, cọ sát, học hỏi lẫn nhau để bật lên hướng sáng tạo riêng biệt cho mình. Sáng tạo là hành trình độc lập, riêng tư của người viết, đã có nhiều cây bút suốt một thời gian dài “lặng tiếng”, nhưng sau khi đến với trại viết được gặp gỡ giao lưu, được đồng nghiệp “tiếp lửa” đã khơi nguồn sáng tạo, trở nên viết nhiều, viết đều, viết những tác phẩm để đời. 
 
QUỲNH UYỂN