Bế mạc trại sáng tác âm nhạc tại Đà Lạt

09:12, 18/12/2020

(LĐ online) - Ngày 18/12, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác Âm nhạc...

(LĐ online) - Ngày 18/12, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức bế mạc Trại sáng tác Âm nhạc với sự tham dự của PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhạc sĩ, Thiếu tướng Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng 62 hội viên tham dự trại sáng tác và lớp tập huấn chuyên môn “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc”. 
 
Trao bản thảo tác phẩm âm nhạc cho Nhà sáng tác
Trao bản thảo tác phẩm âm nhạc cho Nhà sáng tác
 
Qua 15 ngày miệt mài tư duy, tham quan tìm hiểu về thiên nhiên, con người Đà Lạt, các nhạc sĩ đã sáng tác 22 tác phẩm gồm nhiều thể loại Romane, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và nhiều ca khúc dành tặng cho miền cao xanh xứ lạnh mộng mơ Đà Lạt. Phát biểu bế mạc, NSUT, nhạc sĩ Đình Nghĩ - Trưởng Trại viết đã nhấn mạnh: “Mỗi nhạc sĩ, mỗi thành viên đã dốc hết tinh thần trí lực cho trại viết. Nét đẹp văn hóa ấy cùng chung một hướng nhưng giữa đại ngàn thang âm dưới vòm trời thơ nhạc từng giai từ, tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc của mỗi nhạc sĩ lại khác hẳn. Người thì tạo nên cung bậc bổng trầm xao xuyến, người thì lắng đọng vút bay, người thì ầm ào suối thác tạo nên một bức tranh đa sắc màu, đa âm thể, dâng tràn cảm xúc”. 
 
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại buổi lễ
PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại buổi lễ
 
Có thể kể các tác phẩm: Đà Lạt tình mơ (Nguyễn Vũ Hùng), Lạc (Trịnh Ngọc Tân), Đà Lạt nỗi nhớ mùa đông (Mạnh Trí), Nụ cười thơm hương, Đà Lạt không thu (Phan Tử Nho), Bình minh trên nương (Nguyễn Hữu Phước), Em đã về chưa (Minh Châu), Nha Trang nhớ Đà Lạt mơ (Lê Minh Đạo), Chiều đông (Bùi Bá Quảng), Mùa đông (Cao Nguyên), Phố đào nguyên (Đình Nghĩ), Lời rao của biển (Xuân Huy), Biển gọi (Minh Thu), Chiều Đà Lạt không anh (Nguyễn Thanh Nghĩa), Dòng sông đã khép (Nguyễn Đức). Nhạc sỹ, PGS.TS.Đỗ Hồng Quân đã ghi nhận biểu dương thành quả của trại viết, chỉ trong thời gian ngắn các nhạc sĩ đã cho đời các ca khúc mang tính nghệ thuật cao, khám phá những bút pháp thể hiện mới, với ngôn ngữ âm nhạc mới, nội dung, đề tài hướng đến thực tiễn cuộc sống với nhiều cung bậc xúc cảm về Đà Lạt. 
 
rao giấy chứng nhận của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các hội viên tham dự lớp tập huấn “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc
Trao giấy chứng nhận của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho các hội viên tham dự lớp tập huấn “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc"
 
Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã kết hợp tổ chức tập huấn chuyên môn “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc” cho 62 nhạc sĩ đến từ 12 chi hội của các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên và Hà Nội. Trong 2 ngày 16 - 18/12, các nhạc sĩ đã được các giảng viên âm nhạc, các nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân hướng dẫn và trao đổi về các chuyên đề “Tư duy khí nhạc trong thể loại ca khúc”, làm sáng tỏ về nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc, hình thức âm nhạc, thủ pháp nhắc lại (tái hiện); mối quan hệ giữa âm nhạc có lời và âm nhạc không có lời; đề cập đến các thành tố chính là giai điệu và ca từ (nhạc và lời) để tạo thành một bài hát, tư duy về mặt âm nhạc và gia công làm cho âm nhạc trở thành độc đáo, mới lạ, gần gũi chứa đựng nhiều nội dung; giai điệu hay, đẹp; tư duy khí nhạc, tính khí nhạc, tính giai điệu, lấy tiết tấu là chính và phát huy tiết tấu…; nhạc sĩ Đức Trịnh với “Trao đổi về phổ thơ trong sáng tác ca khúc”, phân tích ngôn ngữ thơ ứng với ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ dân gian, ngôn ngữ hiện đại, vần điệu thơ, tiết tấu, đưa nhạc vào thơ. Từ đó sáng tạo ra những tác phẩm hay, mang tầm thời đại rung động lòng người, đi vào tâm thức của công chúng, có sức sống lâu bền với thời gian.
 
QUỲNH UYỂN