Bậc thầy phân sắc độ trong nhiếp ảnh

10:12, 03/12/2020

Nếu không có các nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Châu, Đặng Văn Thông, Nguyễn Bá Mậu - thì Đà Lạt sẽ không có những bức ảnh ngày xưa còn lưu lại hôm nay. Đó là chuỗi thời gian từ năm 1947 cho đến năm 1975 và những năm về sau này nữa. Nhiều bức ảnh do các nghệ sĩ nhiếp ảnh này chụp đã trở thành một tài sản quý giá cho thành phố Đà Lạt mộng mơ. 

Nếu không có các nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Châu, Đặng Văn Thông, Nguyễn Bá Mậu - thì Đà Lạt sẽ không có những bức ảnh ngày xưa còn lưu lại hôm nay. Đó là chuỗi thời gian từ năm 1947 cho đến năm 1975 và những năm về sau này nữa. Nhiều bức ảnh do các nghệ sĩ nhiếp ảnh này chụp đã trở thành một tài sản quý giá cho thành phố Đà Lạt mộng mơ. 
 
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu
Sinh năm 1928 tại Phan Rang - Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận, năm 1947, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu lên Đà Lạt lập nghiệp. Năm 19 tuổi, ông bắt đầu cầm máy ảnh chụp phong cảnh Đà Lạt. Không chỉ chụp một cách trung thực những gì Đà Lạt đang hiện hữu, ông còn đi sâu tìm hiểu khám phá Đà Lạt qua sự thể nghiệm kỹ thuật trong việc xử lý buồng tối, tạo sắc độ, đường nét một cách hoàn hảo, giúp cho hình ảnh Đà Lạt trở nên độc đáo thanh thoát thi vị và sáng tạo. 
 
Có nhiều câu chuyện kể về ông, như việc ông sử dụng đầu lưỡi của mình để nếm hóa chất, chứ không phải cân đong bằng một đơn vị đo lường nào cả. Có người cho rằng việc làm này của ông lâu ngày trở thành căn bệnh ung thư đã cướp đi sự sống của ông vào ngày 9 tháng 12 năm 1990, khi ông mới bước sang tuổi 62. Ông mất đi, những gì ông để lại chưa kịp hoàn thiện. Đà Lạt mất đi một nghệ sĩ tài hoa đóng góp rất lớn cho văn học nghệ thuật của thành phố ngàn hoa này.
 
Sau năm 1975, vừa đặt chân vào miền Nam, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh đã tìm đường lên Đà Lạt quyết tâm “gặp cho bằng được” nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu. Duyên trời định, hai người đã gặp nhau. 
 
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu là người thành đạt rất sớm trong lĩnh vực nhiếp ảnh Việt Nam. Ông vốn là người hiền lành, giản dị, khiêm tốn. Với những người yêu thích nhiếp ảnh tìm đến ông đều được ông chỉ vẽ chân tình. Nhiều tác phẩm của ông đã vượt ra ngoài biên giới và giành những giải thưởng lớn của quốc tế.
 
Năm 1963, tác phẩm “Động tĩnh” của ông giành được Huy chương Bạc của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Hai năm sau, ông nhận Huy chương Vàng với tác phẩm “Căm tức”. Ba năm tiếp theo, “Dáng ngoại” giúp ông nhận giải danh dự nhiếp ảnh Việt - Mỹ với Cúp Trophy, Huy chương Vàng Việt - Mỹ, Cúp Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, cúp Cao Đàm - Cao Lĩnh. Tháng 6 năm 1969, ông nhận Huy chương Vàng Salon Monlesson Pháp, Huy chương Bạc tác phẩm “Hồi tưởng” ở Ý. Năm 1970 ông nhận bằng Mention Honorabie ở Nam Phi với Cyclos… và trở thành hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam (Sài Gòn). Năm 1968, ông là hội viên Hội Ảnh nghệ thuật (APA) với tước hiệu A.APA, đến năm 1975 được phong tước hiệu F.APA.
 
Năm 1972, ông đoạt Huy chương Vàng của Hội P.S.A Bristol (Anh) với tác phẩm “Đợi chờ”. Với tác phẩm “Foggyhills”, ông giành Huy chương Đồng ở Nam Triều Tiên và Diplome D’honneur Hội P.T.T - Coledór (Pháp), Huy chương Đồng của Hội Y.M.C.A (Hồng Kông), Huy chương Đồng với tác phẩm “Nương tựa” của Hội Nhiếp ảnh Tinh võ Việt Nam (1973), Huy chương Vàng giải Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tác phẩm “Buổi chợ mai”… Đến năm 1973, ông được vinh dự là hội viên Hội Nhiếp ảnh KBC, với tước hiệu A.PCKBC; hội viên Hội Nhiếp ảnh Hoàng Gia Anh Quốc, với tước hiệu A.RPS (RPS: Royal Photographic Soclety).
 
Trong hai năm 1974 - 1975, ông tham gia Hội đồng giám khảo các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế của Hội Ảnh nghệ thuật (APA) tổ chức.
 
Năm 1987 ông là hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Ngày 1/6/2001, ông được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam truy tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam”.
 
Dáng ngoại. Ảnh: Nguyễn Bá Mậu
Dáng ngoại. Ảnh: Nguyễn Bá Mậu
 
Nhà giáo, nhà thơ Trần Hữu Lục khi còn dạy học ở Trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt đã có dịp gặp nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu. Anh kể lại: “Nguyễn Bá Mậu đã nói về nỗi say mê nghề nghiệp của mình. Anh có những hiểu biết sâu sắc và chi tiết về con người, cảnh sắc, thiên nhiên, cây cỏ, hoa trái, núi non, thác nguồn Đà Lạt. Một sự hiểu biết khá tường tận rất cần thiết cho một nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương… và bài học vỡ lòng của tôi về Đà Lạt một năm có hai mùa, một ngày có bốn mùa, tháng nào hoa quỳ nở, hoa phong lan trên núi Lang Bian có bao nhiêu loài, hồ Than Thở vào thời điểm nào buồn lắng nhất, đứng ở nơi nào nhìn được toàn cảnh hồ Xuân Hương, thác Pongour mùa nào nước đổ mạnh…là tôi được nghe trực tiếp từ anh”.
 
Trong bài “Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu” đăng trên Báo Người Việt, số 6706 (17/4/2004), nhiếp ảnh gia Trần Công Nhung tâm sự: “Lần đầu trong đời đi tìm nghệ thuật, tôi lên Đà Lạt và người đầu tiên mở cánh cửa nghệ thuật nhiếp ảnh cho tôi chính là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu, tay ảnh cự phách của xứ hoa đào… Hôm ấy, tại nhà anh Mậu có cả anh Ngô Đình Cường cũng là tay ảnh số một của Phan Thiết, tôi là kẻ hậu bối ngồi nghe hai anh trao đổi những khúc mắc trong nhiếp ảnh mà ngẩn ngơ. Đến lúc anh Mậu đưa hai chúng tôi vào phòng tối (Darkroom), biểu diễn một màn làm ảnh kỹ thuật phân sắc, chớp sáng… Mỗi kỹ thuật qua nhiều step biến đổi film từ âm qua dương và ngược lại. Anh thao tác nhanh gọn và ra ảnh ngay cho chúng tôi thấy kết quả. Phải nói tôi đi từ bất ngờ đến sửng sốt. Nhiếp ảnh không chỉ đơn thuần máy ảnh và phim mà còn nhiều sáng tạo ghê gớm trong buồng tối. Tôi bị lôi cuốn vào cơn mê, tôi say sưa theo dõi dù chỉ ghi nhận một cách lờ mờ. Đêm hôm sau, anh biểu diễn lối làm bưu ảnh (Postcard). Máy phóng (Enlarger) mở sáng, hộp giấy trên đùi, tay trái gạt kính đỏ, tay phải đưa giấy vào khung đã định, một tấm ảnh chỉ mất chừng 8 giây. Nhấp nháy anh đã phơi sáng xong một hộp giấy trăm tờ. Mỗi tháng anh ra cả chục nghìn bưu ảnh cho nhiều nhà buôn từ Qui Nhơn vào Vũng Tàu. Đây là nguồn kinh tế chính của gia đình”.
 
Núi đồi mờ sương. Ảnh: Nguyễn Bá Mậu
Núi đồi mờ sương. Ảnh: Nguyễn Bá Mậu
 
Ngay từ những năm 70 thế kỷ trước, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật làm ảnh theo phương pháp phân sắc độ của ông cho những người yêu thích nhiếp ảnh. Với ông, được cống hiến, được chia sẻ là hạnh phúc.  
 
Nhân kỷ niệm 30 năm (9/12/1990 - 9/12/2020) ngày ông ra đi, những người con của ông đã xuất bản cuốn sách ảnh “Nguyễn Bá Mậu và tác phẩm”. Một cuốn sách đầy đặn với hơn 110 bức ảnh đen trắng, trong đó có nhiều bức ảnh đã đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Được ngắm nhìn những bức ảnh kỹ thuật phân sắc độ, những bức ảnh chụp bình thường của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu vẫn làm cho trái tim người xem rung lên theo nhịp đập. Những bức ảnh nghệ thuật tự nó đã nói lên biết bao điều mà bao thế hệ yêu ảnh nghệ thuật xưa nay phải ngả mũ nghiêng chào. Xin được ngàn lần cảm ơn nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu - một nghệ sĩ tài hoa đã tạo cho thành phố Đà Lạt một điểm nhấn đặc biệt: Bậc thầy của phân sắc độ trong nhiếp ảnh.
 
Đà Lạt 29/11/2020
 
TRẦN NGỌC TRÁC