Tiếng lòng của nhà thơ - thầy giáo - cựu chiến binh

06:11, 26/11/2020

Trong lực lượng sáng tác của nền thơ đương đại Việt Nam, Phạm Quốc Ca là một trong những nhà thơ có nhiều thành tựu, được đông đảo bạn đọc yêu mến...

Tiến sĩ, nhà thơ Phạm Quốc Ca. Ảnh tư liệu
Tiến sĩ, nhà thơ Phạm Quốc Ca. Ảnh tư liệu
Trong lực lượng sáng tác của nền thơ đương đại Việt Nam, Phạm Quốc Ca là một trong những nhà thơ có nhiều thành tựu, được đông đảo bạn đọc yêu mến. Thơ ông đằm sâu vẻ đẹp tâm hồn người lính, người trí thức không chỉ trong chiến tranh mà cả trong cuộc sống thường ngày với bao trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm. “Với các em tôi” là một trong những bài thơ hay, xúc động viết tặng sinh viên của một nhà thơ - nhà giáo - cựu chiến binh.
 
Từng là một người lính đi qua cuộc chiến tranh, hơn ai hết Phạm Quốc Ca trân quý giây phút được trở thành thầy giáo trên giảng đường đại học:
 
Buổi đầu tiên lên lớp
Đường đời tôi đến bục giảng đi vòng.
Thơ có nói được bồi hồi xúc động
Trước lứa em mình gương mặt sáng trong?
 
Ngay trong ngày đầu tiên đứng trên bục giảng (năm 1985), trước các em sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Đà Lạt, Phạm Quốc Ca đã xúc động trải lòng mình “đường đời tôi đến bục giảng đi vòng”. Chiến tranh đã không cho nhà thơ cơ hội để “đi thẳng” tới bục giảng, chàng trai ấy khi còn là cậu học sinh lớp 10 đã mang ba lô lên đường nhập ngũ. Bảy năm sau Phạm Quốc Ca mới có cơ hội học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính vì vậy, cảm giác bồi hồi xúc động của giây phút đứng trên bục giảng với khát khao truyền ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết cho thế hệ sinh viên càng trở nên cháy bỏng.
 
Lời thơ cất lên nhẹ nhàng, bình dị như thủ thỉ, tâm tình với thế hệ học trò. Đứng trước những sinh viên mới chỉ mười tám đôi mươi, những kí ức năm nao trong lòng người thầy hiện về:
 
Bằng tuổi các em tôi ở chiến trường
Sách hiếm chuyền tay dưới hầm chốt chặn.
Rừng hậu cứ chung tán cây mắc võng
Bạn kể giấc mơ áo trắng giảng đường.
 
Đoạn thơ tái hiện một thời hoa lửa của thầy Phạm Quốc Ca. Tuổi mười tám tràn đầy mộng đẹp, chàng trai ấy đã gác lại giấc mơ giảng đường để tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy oanh liệt, vẻ vang của dân tộc. Hoàn cảnh nghiệt ngã, chiến tranh tàn khốc lại càng ngời sáng tình đồng đội, tình bạn với những cuốn “sách hiếm chuyền tay dưới hầm chốt chặn”. Những kỉ niệm bên đồng đội thân yêu trở thành miền kí ức khó phai mờ trong tâm trí nhà thơ. Thế hệ thanh niên thời ấy “cầm súng xa nhà đi kháng chiến” nhưng mơ ước về giảng đường vẫn không bao giờ lụi tắt, vẫn âm ỉ, rực cháy trong tim. 
 
Qua dòng hồi ức của nhà thơ, chiến tranh thật tàn khốc:
 
Chẳng tính được đâu những trận giặc càn
Súng đói đạn
Người thì đói gạo.
Chưa hết tuổi học trò
Lên đường chiến đấu
Đồng đội còn đói sách ngẩn ngơ.
 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy rẫy những hiểm nguy, khó khăn, gian khổ. Đó là những đợt hành quân hàng chục ki-lô-mét đường rừng với núi thẳm, sông sâu. Thầy không thể nào quên những trận càn quét của quân thù. Bộ đội ta bị cô lập, thiếu thốn mọi thứ, như thiếu vũ khí, lương thực... Giọng thơ hóm hỉnh, hài hước khi nhà thơ đặt cái “đói” vật chất bên cạnh cái “đói” tinh thần. Những chàng lính trẻ chưa hết tuổi học trò “đói sách đến ngẩn ngơ”. Thế mới thấy được khát khao con chữ đến nhường nào, tinh thần hiếu học của những người lính trẻ chưa bao giờ bị dập tắt trong đêm tối của chiến tranh. Ngược lại càng thăng hoa, tỏa sáng. Đáng quý biết mấy!
 
Không thể kể hết sự nghiệt ngã của chiến tranh. Có những lúc giá trị tinh thần cao quý phải nhường chỗ cho nhu cầu vật chất để sinh tồn. Hành trang trên đôi vai người lính là chiếc ba lô mang gạo, đạn. Còn tài sản vô giá là cuốn “sách hiếm chuyền tay dưới hầm chốt chặn”, những học sinh - sinh viên nâng niu trân quý như bảo vật, vậy mà phải dùng làm nhiên liệu để “thổi chín gô cơm”:
 
Đến chiến trường
Nghìn vạn núi xa
Ba lô nặng phải nhường mang gạo, đạn.
Dừng chân vội rừng mưa ướt sũng
Cuốn sách cuối cùng thổi chín gô cơm.
 
Khó khăn là vậy nhưng người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn vượt lên gian khó. Bên cạnh ý chí nung nấu đánh tan quân xâm lược, hướng về “chân trời lửa” là tâm hồn lãng mạn hào hoa. Người chiến sĩ đã trở thành thi sĩ, gửi lời trái tim về với “nửa trái tim mình” nơi hậu phương xa xa:
 
Xuyên những cánh rừng trơ trụi cành than
Đường đánh giặc nung về chân trời lửa.
Trăng đầu súng nhiều đêm sáng quá
Thầm lặng làm thơ cho trái tim mình.
 
Khép lại kí ức của một thời hoa lửa, người lính năm xưa nay đã là người thầy trên giảng đường với bao nỗi băn khoăn, trăn trở, hi vọng, khát khao truyền ngọn lửa đam mê, khát vọng cống hiến, lẽ sống đẹp của thế hệ cha anh - những người thầy đã từng mang áo lính cho thế hệ học trò:
 
Tôi ước làm sao truyền đến được các em
Rung cảm tươi nguyên dòng thơ báng súng.
Ngày ta sống nhiều băn khoăn, cay đắng
Hào sảng một thời say được các em không?
 
Cuối thi phẩm là những câu thơ đậm chất triết lí - nét đặc sắc thơ thầy Phạm Quốc Ca:
 
Cuộc đời riêng có thể đi vòng
Lịch sử vặn mình tìm đường đi thẳng.
Người phải có cuộc đời người xứng đáng
Các em nói được gì với lứa em sau
Như sáng nay tôi lên lớp buổi đầu?
 
Đó là lời nhắn nhủ thiết tha tận đáy tâm hồn của thầy giáo tận tụy, yêu nghề, yêu đất nước. Lịch sử của dân tộc chỉ có con đường duy nhất là tranh đấu để giành độc lập, tự do, cơm no, áo ấm. Còn mỗi cá nhân để đạt được điều mong ước, khát khao có thể chọn lựa cho mình những con đường lập thân, lập nghiệp khác nhau. Ước nguyện của người thầy chính là các trò yêu sống một “cuộc đời người xứng đáng”, để trở thành thế hệ tuyệt vời nhất như các bậc tiền bối đã qua. Tấm lòng người thầy thật cao cả - trăn trở trước hiện tại, lo lắng mai sau và ẩn giấu sau trang thơ là niềm tin, sự mong mỏi, kỳ vọng những thế hệ học trò - thế hệ sẽ làm nên lịch sử.
 
Bài thơ “Với các em tôi” là một trong những bài thơ về tình cảm thầy trò đặc sắc của nhà thơ - nhà giáo Phạm Quốc Ca. Tiếng lòng người thầy gửi gắm trong thơ đã lay động, thổn thức bao thế hệ sinh viên. Thi phẩm đã để lại những dư âm trong trẻo, dư vị ngọt ngào, sâu lắng trong tâm hồn bao bạn đọc yêu thơ.
 

Với các em tôi

(Tặng sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Đà Lạt)
 
Sáng nay
Buổi đầu tiên lên lớp
Đường đời tôi đến bục giảng đi vòng.
Thơ có nói được bồi hồi xúc động
Trước lứa em mình gương mặt sáng trong?
 
Bằng tuổi các em tôi ở chiến trường
Sách hiếm chuyền tay dưới hầm chốt chặn.
Rừng hậu cứ chung tán cây mắc võng
Bạn kể giấc mơ áo trắng giảng đường.
 
Chẳng tính được đâu những trận giặc càn
Súng đói đạn
Người thì đói gạo.
Chưa hết tuổi học trò
Lên đường chiến đấu
Đồng đội còn đói sách ngẩn ngơ.
 
 
Đến chiến trường
Nghìn vạn núi xa
Ba lô nặng phải nhường mang gạo, đạn.
Dừng chân vội rừng mưa ướt sũng
Cuốn sách cuối cùng thổi chín gô cơm.
 
Xuyên những cánh rừng trơ trụi cành than
Đường đánh giặc nung về chân trời lửa.
Trăng đầu súng nhiều đêm sáng quá
Thầm lặng làm thơ cho trái tim mình.
 
Tôi ước làm sao truyền đến được các em
Rung cảm tươi nguyên dòng thơ báng súng.
Ngày ta sống nhiều băn khoăn, cay đắng
Hào sảng một thời say được các em không?
 
Cuộc đời riêng có thể đi vòng
Lịch sử vặn mình tìm đường đi thẳng.
Người phải có cuộc đời người xứng đáng
Các em nói được gì với lứa em sau
Như sáng nay tôi lên lớp buổi đầu?
1985
 
PHẠM QUỐC CA
 
PHAN THỊ LỆ HUYỀN