Tết ấm

06:02, 25/02/2021

Tết ấm

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Ngồi trước hè chêm lại chiếc rổ nan, ông Hiển siết từng sợi lạt cẩn trọng. Tết ngấp nghé gõ cửa, cái tiết trời vừa hanh hao vừa ấm áp khiến người ta dễ chộn rộn hơn khi nghĩ đến một nguồn vui nào đó. Nhớ đến cuộc điện thoại cách đây một tuần, ông thấy lòng dạ xôn xao. Con trai ông sau bảy năm xa nhà, tết nay sẽ về. Bảy năm xa quê mưu sinh nơi xứ người, nó đón tết  qua những lời kể, trong những cuộc điện thoại ngắn ngủi. Vừa làm vừa tủm tỉm cười, ông không để ý cô con dâu cả đã vào đến sát hiên nhà.
 
- Ba đang nghĩ gì mà cười một mình thế?
 
- À, à… Ta đang nghĩ, năm nay phải mua thêm ít hoa trang trí nhà cửa đón tết . Bánh chưng, bánh tét cũng phải gấp đôi.
 
- Ba tính ăn tết  to à?
 
- Ừ, mừng thằng út về, nó thích ăn bánh chưng chấm mật mía lắm.
 
Bà Hậu từ ngoài vườn bước vào, tay cầm chiếc liềm còn dính đất, vẻ tất tả chuẩn bị mang rau ra chợ. Bà rầu rĩ than, người gì đâu mà năm trước với năm sau đã thấy già nua đi nhiều quá, làm tí đã mệt. Nhớ có một dạo bặt tin con, lại nghe phong thanh bảo nó bị bắt vì hết hạn hợp đồng lao động mà vẫn ở lại trái phép, bà tụt hẳn đi mấy ký liền. Tóc rụng và bạc nhiều, ít khi bà để ai trông thấy, chỉ khi đi ngủ bà mới bỏ khăn trùm đầu ra. Từ bữa nhận điện thoại nơi xa của con, bà mừng vui khôn xiết, tưởng như không ăn cũng thấy no. Vậy là cuối cùng nó cũng nhớ quê, nhớ đến đôi bạn già này mà về.
 
- Chú Út về một mình hay có ai đi cùng không mẹ?
 
- Không thấy nó nói gì. Nếu không có ai thì tết này về ta tìm cho nó một đứa thôi con ạ.
 
- Thời đại giờ hết chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” rồi mẹ ạ, chú Út nhà mình ngoài ba mươi, còn trẻ chán.
 
- Bằng tuổi nó khối đứa con học tiểu học rồi. Thủng thẳng rồi lại khó kiếm người phù hợp lắm.
 
Ðôi mắt bà thoáng buồn, bà sinh Út Vinh khi đã quá tuổi sinh nở. Nhưng mà ở quê thời ấy biết thế nào mà nên với không nên. Chỉ nghĩ con cái là lộc trời cho, có con là có của. Mười bốn tuổi Vinh đã chơi được ghi-ta và hát rất hay, nhưng tính cách lầm lì, ít nói. Vinh là đứa biết nghĩ và trưởng thành trước tuổi. Thương cha mẹ vất vả, anh nghĩ chuyện học nghề chứ không mơ mộng nghề nghiệp gì cao sang. Tiếng xe máy đỗ chậm trước cửa nhà, mấy con chó thấy người lạ cắn vang inh ỏi. Chị dâu cả vội reo lên:
 
- Út Vinh về… ba mẹ ơi!
 
- Sao, sao bảo gần ngày tết mới về được mà? - Giọng bà Hậu gấp gáp.
 
Bà quăng cây liềm vào góc vườn rồi lao ra cổng. Ông Hiển xỏ vội đôi dép tổ ong rồi lật đật chạy theo, cánh cửa mở ra, bà Hậu khóc nức.
 
- Ơn trời, con tôi, Vinh ơi… con đã về rồi!
 
Ông Hiển đứng ngây nhìn bà Hậu ôm con nước mắt ngắn dài. Vinh chững chạc lắm rồi, không còn mái tóc dài nghệ sĩ, nó mập hơn xưa…
 
- Ba mẹ đừng giận con, con về rồi, mẹ đừng khóc.
 
- Bà lạ chưa, con về phải vui chứ, khóc lóc coi sao được. Ðể nó vào nhà đã - ông Hiển cất giọng. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông cũng thấy lòng dạ náo nức, có điều ông cố tỏ ra điềm tĩnh mà thôi.
 
***
 
Vinh đi quanh nhìn ngắm căn nhà cũ một lượt, anh dừng lại bên cây hoa hồng quế trước sân do chính tay anh trồng, thư thái hít hà mùi hương thơm dịu. Cây hoa cũng hơn mười năm tuổi rồi, gốc chụm to và nở hoa quanh năm. Ngắt một bông, anh ăn từng cánh mỏng, nghe vị ngọt hậu tan dần trong miệng. Mọi thứ chẳng có gì đổi khác. Mẹ anh vẫn tảo tần cùng khu vườn rộng với bao thứ rau theo mùa quen thuộc, vẫn múc nước giếng bằng chiếc gàu cao su. Phía bờ ao không còn nhiều bèo cái. Nghĩ đến những bông bèo xòe như hoa ấy, Vinh lại nhớ cái ngứa ran sau mỗi bận băm bèo nấu cám heo thủa xưa.
 
Quê nhà như đang trả lại cho anh kỷ niệm một thời xa vắng. Bảy năm biệt xứ với muôn vàn cực nhọc, đúng là có bận anh bị bắt và tạm giam, nhưng anh bị người ta lừa gạt mà thôi. Chuyện học nghề là quyết định đúng đắn, cho anh cơ hội tìm được việc làm phù hợp ở xứ người. Nay có trong tay vốn liếng kha khá, anh tính về sẽ gây dựng cơ sở làm nghề cho riêng mình. Nhưng… lần này về, trong lòng anh mang nhiều trăn trở. Những cơn đau đầu gần đây ngày càng trầm trọng hơn, khiến anh thực sự mệt mỏi. Khối u trong não đang phát triển, nhiều lúc anh không thể giữ thăng bằng, tính khí cũng trở nên cáu bẳn hơn. Anh cần phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nhưng trước khi đánh cược với số phận, anh muốn được đoàn tụ với gia đình. Vinh gấp rút trở về, vì anh sợ nếu không về nhanh thì rồi biết đâu, cũng chẳng còn cơ hội.
 
Bà Hậu để gánh rau cho chị cả rồi đi tìm mua thức ăn. Gặp ai bà cũng khoe “Út Vinh nhà tôi về rồi”. Sau bữa cơm trưa, người làng đến lần lần. Ai thấy Vinh cũng ngạc nhiên vì anh thay đổi nhiều quá. Mọi người ân cần thăm hỏi, ông bà Hiển lăng xăng trà nước, cười không ngơi miệng. Vinh nhìn cảnh ấy mà thấy lòng quặn thắt. Bệnh tật có thể mang anh đi bất cứ lúc nào, cha mẹ anh rồi sẽ ra sao? Gặp anh, ai cũng nhắc thăm chuyện vợ con. Vinh chỉ cười trừ, bảy năm xa quê hương bươn chải, anh chưa dám để ai nuôi hy vọng mà chờ đợi anh. Chừng ấy năm, anh cũng chỉ cất giấu trong tim ảnh hình một người con gái. Dù biết chỉ cần một cuộc gọi là anh sẽ tìm thấy cô, nhưng anh đã không làm vậy. Khi đối diện với căn bệnh nguy hiểm, anh chợt thấy sự vô tâm ấy lại là một điều may cho ai kia. Người ấy vì bặt tin nhau, chắc giờ đã quên anh rồi. Nghe mẹ anh nói, thì cô có nhiều người ngó nghiêng lắm, chắc cũng sớm yên bề gia thất thôi. Biết thế nên dù nhà anh cách nhà cô chừng dăm phút đi bộ, nhưng anh không dám ghé thăm.
 
Dựng chiếc xe đạp ngay ngắn sau khi đi chợ về, bà Hảo mở chiếc giỏ ra khoe:
 
- Hôm nay mẹ nấu canh cá với lá đắng đó, món này trước con mê nhất nè.
 
- Có cả su hào nữa chứ mẹ?
 
- Ừ, thiếu sao được. Su hào nấu nhừ nhá. Ăn nhân nhẩn đắng mà rồi lại ngọt hậu đậm đà. Ðố con tìm được ai nấu ngon như mẹ.
 
- Biết đâu ngày mai ra đường vấp phải người ấy thì sao? Mẹ có buồn không?
 
- Cớ chi mà buồn, con có người “nâng khăn sửa túi”, mẹ cũng được hưởng phước chứ sao.
 
Bữa cơm sum vầy sau bao năm xa cách, vui nhiều lắm mà lòng dạ cũng ngổn ngang quá. Chưa lúc nào Vinh thấy sợ chia ly, sợ mình… chết như lúc này.
 
***
 
Xắn tay dọn dẹp nhà cửa, Vinh xuống chợ thành phố mua cho cha mẹ chăn nệm mới, đổi chiếc ti-vi màn hình phẳng và lớn, mua bếp ga, nồi cơm điện. Anh làm việc không ngơi tay, quét mạng nhện, sơn lại tường… Vinh mới về được mấy ngày mà trông ông Hiển bảnh bao hẳn ra. Trông nhà cửa gọn gàng rồi, anh lại cầm cuốc ra vườn, gánh nước tưới rau phụ bà Hậu như ngày bé. Anh đang báo hiếu đấy ư? Hay sợ thời gian và bệnh tật mà gấp gáp sống? Chẳng biết, nhưng nếu không làm tất cả những điều ấy thì anh thấy mình bất hiếu. Cha anh vốn là người hào sảng, hoạt bát, giờ yếu nhiều nên dù được bà con tin tưởng cũng không ham công tác thôn xóm như trước nữa. Hàm răng đều như hạt bắp của mẹ anh đã lác đác rụng, mắt cũng mờ dần. Nói dại, nếu ca mổ không thành công, cha mẹ liệu có chịu đựng được? Anh không sống mới là bất hiếu. Nghĩ vậy, anh hít một hơi thật sâu, cười nhẹ nhõm. Bỗng có tiếng gọi cắt ngang dòng suy nghĩ của anh:
 
- Anh Vinh!
 
- Ồ… Tuyền… Tuyền phải không?
 
- Vâng, em Tuyền “tí hon” đây. Nghe tin anh về cả tuần nay, đáo qua mấy lần mà anh toàn đi vắng. Mà sao anh lạ vậy, về lâu vậy rồi mà không sang nhà chơi. Có người mong anh đỏ mắt.
 
- An mong anh sao…? Cô ấy… Mà em giờ hết tí hon rồi nha, trổ mã trông xinh xắn quá. Nghe bảo đang học đại học ở thành phố rồi. Tuyền tí hon giỏi quá - Vinh cố tình lảng chuyện:
 
- Chị An tốt nghiệp đại học xong, về làm chuyên viên môi trường trên huyện ý. Người ta vẫn chưa yêu ai, đợi ai thì… ai biết đâu đấy!
 
Nói rồi Tuyền lấy từ trong cốp xe ra một túi quà.
 
- Chiếc áo này chị An mua cho anh đó. Mua từ hai năm trước rồi. Nói gì nói, người ta cũng là con gái nhà lành đó nha. Anh coi làm sao thì làm, chứ nghe bảo nếu không lấy anh thì… chắc sẽ ở vậy cả đời.
 
Ơ, cái cô nhóc Tuyền hay theo Vinh hái trái muồi muội ngoài bờ sông ngày nào giờ đã là sinh viên. Tác phong tinh nhanh, nói năng sắc bén quá. Còn An, ngày đi anh cũng đâu hứa hẹn gì, vậy mà cứ lặng lẽ đợi anh qua bao mùa như thế ư? An ngốc nghếch và mông muội, hay có điều gì thúc thôi mà An lại chờ đợi như vậy? Anh đã quá tàn nhẫn, quá vô tình. Và bây giờ, thời gian vui sống của anh còn bao lâu, anh sẽ chết ư? Nếu thật như thế thì An ở mãi một mình ư? Ý nghĩ va đập vào nhau lộn xộn, đầu Vinh lại ong lên đau buốt.
 
Chiều nay thấy ba lui cui trong bếp, Vinh tò mò ngó vào xem, ba hồ hởi:
 
- Ba xào khoai tây đây nè. Thế con còn ăn được cả ký khoai như dạo nào không?
 
- Còn sống trên đời là còn ăn được ba ạ. Phải sống lâu mà vui tết, đem niềm vui cho nhiều người chứ.
 
Chắc hẳn ông Hiển không thể hiểu được ý tứ trong câu nói của Vinh, nhưng anh thì đầy tự tin khi thổ lộ điều ấy. Những suy tư, tuyệt vọng trước bệnh tật không còn nữa. Trong anh lúc này chỉ còn duy ý nghĩ, rằng anh phải sống, phải giành giật sự sống dù nó là cuộc đánh đổi đầy nguy hiểm. Vinh tin điều tốt đẹp sẽ đến, chỉ cần anh muốn sống, anh sẽ chiến thắng.
 
Tối nay, Vinh sẽ tìm gặp An. Anh phải chuộc tội với người đã dành cả bảy năm thanh xuân chờ đợi một kẻ “vô tâm” là anh. Và chỉ khi mạnh mẽ sống, anh mới làm được điều đó. Mùa xuân rộn ràng trong từng hơi gió, lòng Vinh cũng như đang reo vui nhảy múa, căng tràn hy vọng.
 
MAI ĐÌNH