Nhà thơ Tố Hữu với "Toàn thắng về ta"

06:05, 02/05/2021

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của cách mạng được kéo lên và tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc 21 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta...

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của cách mạng được kéo lên và tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc 21 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh của quân và dân ta. Trong “hợp ca” khải hoàn ngày đất nước đại thắng, nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác những tác phẩm để lại dấu ấn rất khó quên. Đặc biệt, nhà thơ Tố Hữu với “Toàn thắng về ta” - bản anh hùng ca vang vọng mãi đến muôn đời sau...
 
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh tư liệu
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Ảnh tư liệu
 
Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng - Thừa Thiên Huế, vùng đất miền Trung chịu nhiều đau thương mà kiên cường, bất khuất; trước khi trở thành thi sĩ ông đã là một chiến sĩ cách mạng. “Từ ấy” - từ khi “mặt trời chân lý chói qua tim” soi rọi để chàng thanh niên Tố Hữu đi theo lý tưởng, trở thành một chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc, tự do cho Nhân dân...
 
Là thi sĩ chiến sĩ, Tố Hữu đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong nền văn học cách mạng Việt Nam. Ông là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến, được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của Nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”... Ông là tác giả của 8 tập thơ, hồi ký được xuất bản từ năm 1937 đến năm 2000 (Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, Một tiếng đờn, Ta với ta, Nhớ lại một thời) và hàng trăm bài thơ nổi tiếng khác...
 
Đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, Tố Hữu đã sáng tác rất nhiều bài thơ để cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ và Nhân dân, gắn liền với suốt chiều dài lịch sử kháng chiến. Nổi tiếng nhất là những bài thơ: “Việt Bắc”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Việt Nam, máu và hoa”, “Từ Cu-ba”... Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ, về Đảng sâu sắc và xúc động nhất như: “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, “Một nhành xuân”, “Ta đi tới”, “Xuân đấy”, “Bài ca Xuân 71”, “Bài ca Xuân 68”, “Sáng tháng năm”, Trường ca “Theo chân Bác”,  “Khóc Bác”, “Bác ơi”...
 
Đặc biệt, hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân đi vào thơ Tố Hữu hết sức gần gũi, dung dị mà đẹp lạ thường với đôi dép cao su, chiếc mũ tai bèo: “Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc/Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả Lầu năm góc”... (Bài ca Xuân 68).
 
Và, giữa trưa tháng Tư năm 1975 Sài Gòn rực nắng, tưng bừng cờ hoa, cả dân tộc hát khúc khải hoàn ca ngày đại thắng, Tố Hữu đã hòa vào giai điệu của bản hùng ca bất duyệt ấy với bài thơ bất hủ “Toàn thắng về ta”. Tựa đề và 49 câu thơ như là sự “tổng kết” một giai đoạn đầy bi thương mà hào hùng, bất khuất của cả dân tộc đã chịu quá nhiều đau thương, dồn nén để hôm nay vỡ òa hạnh phúc!
 
Đọc từng câu thơ, khổ thơ ta nghe sang sảng niềm tự hào. Bốn câu thơ đầu tiên là niềm vui sướng của tác giả, của mỗi người dân Việt Nam như được nhân đôi, rưng rưng, dâng tràn niềm cảm xúc, bởi khí thế “cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy”; dồn dập tin vui thắng trận từ khắp mọi miền đất nước trong chiến dịch mùa xuân lịch sử dội về: 
 
Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy
Dồn dập tim ta, trăm trận thắng bừng bừng.
 
Và, đó là hình ảnh anh Giải phóng quân hiên ngang, sừng sững rất tự hào:
 
Không, không phải thiên thần
Bước chân hài bảy dặm
Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân
Vẫn đôi dép cao su, đánh giặc suốt ba mươi năm, 
lội khắp sông sâu rừng thẳm
Thuở Anh đi, sắc nhọn ngọn tầm vông
Giản dị như chàng trai làng Gióng…
 
Tố Hữu đã sử dụng những câu thơ đầy hào sảng thể hiện khí thế tiến công như trời rung, đất chuyển của các đoàn quân ta rầm rập vào trận chiến cuối cùng. Và hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân dũng mãnh như những dòng thác lũ cuốn phăng, xô rạp mọi đồn bốt của kẻ thù:
 
Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng
Đại lộ Hồ Chí Minh, thác réo, quân đi cuồn cuộn.
Anh đánh như sét nổ, trời rung
Anh chuyển như lũ dồn, bão cuốn…
 
Những câu thơ trào dâng khí thế cách mạng của Tố Hữu đã khắc họa rõ nét từng trận thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, đã “cuốn” qua từng địa danh, từng vùng đất trước khi tiến về Sài Gòn trong ngày đại thắng: 
 
Chặt Buôn Mê Thuột,rụng cả
Tây Nguyên
Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng.
Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên
 
Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang, lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng.
 
Đường tiến quân ào ào chiến thắng.
Phía trước chờ Anh, người mẹ mong con.
Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng
Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn!
 
Hình tượng thơ trong bài “Toàn thắng về ta” của Tố Hữu rất đẹp! Ông sử dụng các động từ mạnh “chặt”, “quét”, “rụng”, “đổ nhào”... để diễn tả sự rệu rã, sụp đổ không thể cứu vãn của cái chế độ tay sai, bán nước đã đến hồi phải bị chôn vùi dưới đáy sâu của lịch sử! Hình ảnh “lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi...” làm ta liên tưởng đến “lũ ngụy” bạc nhược, run sợ trước “Dáng đứng Việt Nam” - “tượng đài” anh Giải phóng quân do nhà thơ, “họa sĩ” Lê Anh Xuân “tạc” giữa đường băng Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968:
 
“Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng 
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn…”.
 
Đối lập những hình ảnh bệ rạc, run rợ, cuống cuồng, rũ rượi... của kẻ chiến bại là tầm vóc kiêu hùng, lừng lẫy của những đoàn Giải phóng quân, những họng pháo “... đỏ nòng, bắn thẳng/Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn”!
 
Và, trong giờ phút thiêng liêng khi cả dân tộc reo mừng chiến thắng; khi những người mẹ, người vợ ôm chầm người thân - những người chiến sĩ Giải phóng quân vỡ òa nước mắt “nước mắt của ngày gặp mặt”, Tố Hữu - Nhân dân miền Nam và cả dân tộc Việt Nam vẫn không quên “báo cáo” với Bác Hồ - Người luôn khắc khoải hai tiếng “miền Nam” cho đến trước lúc Người “...lên đường theo Tổ tiên” chưa được chứng kiến miền Nam được giải phóng, Nam - Bắc sum họp một nhà!
 
Nhà thơ Tố Hữu đã reo lên trong niềm vui sướng và “báo cáo” lên Bác Hồ - vị Tư lệnh cao nhất của cách mạng Việt Nam - “Toàn thắng về ta”:
 
Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa...
 
Ba khổ thơ cuối bài thơ “Toàn thắng về ta”, Tố Hữu đã dành riêng để thay lời Nhân dân Việt Nam “báo cáo” với Bác, hứa với Bác Hồ sẽ chung sức, đồng lòng “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác hằng mong:
 
Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh
Đứng gác biển trời tươi mát màu lam.
Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường kách mệnh.
Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!
 
Và, khúc ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng vừa bắt nhịp ngân vang trên thành phố mang tên Người!...
 
THANH DƯƠNG HỒNG