Nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật

04:08, 19/08/2021

Năm 1951, trong Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy"...

Năm 1951, trong Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. 70 năm qua, 19 chữ vàng ấy đã trở thành nguồn động viên, thôi thúc lớp lớp văn nghệ sĩ rời bỏ “tháp ngà” để hòa mình cùng Nhân dân đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ Tố Hữu, Phan Tứ, Trần Đình Vân. Ảnh: Tư liệu
 
Bác Hồ và Đảng ta luôn coi văn hóa, văn học, nghệ thuật (VHNT) có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Từ Đề cương Văn hóa năm 1943 đến các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng từ Đại hội II (1951) đến nay, nhất là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”; tư tưởng coi văn hóa là một mặt trận, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ta. 
 
Đến Đại hội X, trên cơ sở tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới và xuất phát yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng ta chỉ ra “thế kiềng ba chân”: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, nêu 3 quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm thứ nhất chỉ rõ: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
 
Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước ta đều coi văn hóa, VHNT là một mặt trận và văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Quan điểm nhất quán này được nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện đang biến đổi mau lẹ, khó lường. Văn hóa, VHNT đang bị tác động mạnh mẽ từ những nhân tố tích cực và tiêu cực đan xen, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định từ năm 1951: “VHNT cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
 
Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay càng khẳng định, văn hóa, VHNT luôn là một mặt trận nóng bỏng; bởi lẽ, công cuộc đổi mới 35 năm qua, đi liền những thuận lợi và cơ hội lớn, là những thách thức, nguy cơ không nhỏ. Cùng với cuộc chiến thống tham nhũng, quan liêu, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp chống chiến lược “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của các thế lực thù địch; bên cạnh đó là cuộc đấu tranh chống “Xâm lăng văn hóa” dưới tác động của “toàn cầu hóa”. Trong bối cảnh này, đã xuất hiện một số tác phẩm VHNT có nội dung lệch lạc, sai trái, phủ nhận thành tựu các cuộc chiến tranh cách mạng, thành tựu công cuộc đổi mới, phủ nhận nền VHNT cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, hạ thấp chức năng nhận thức, giáo dục thẩm mỹ của VHNT, truyền bá lối sống thực dụng, đề cao tuyệt đối cá nhân, tâng bốc cái gọi “giá trị đích thực” của văn hóa tư sản… 
 
Nhiều sản phẩm độc hại đã và đang xâm nhập vào nước ta, gây băng hoại đạo đức xã hội, đặc biệt tác động xấu đến thế hệ trẻ. Bên cạnh tấn công đả phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những bài viết chống phá của số phần tử phản động người Việt lưu vong là các hồi ký, phim, video, thơ, vè… tung lên Internet, mạng xã hội, vẽ nên bức tranh đất nước ta toàn màu xám; qua đó, công kích, nói xấu Đảng và chế độ ta. Những sản phẩm này đã và đang thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
 
Để góp phần đẩy nhanh công cuộc đổi mới, hội nhập, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đội ngũ làm công tác văn hóa, VHNT - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa, hơn bao giờ hết phải tự nâng nhận thức về sứ mệnh vẻ vang của người cầm bút cần phản ánh chân thật, đúng giá trị, ý nghĩa các cuộc đấu tranh yêu nước, những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta; đây không chỉ là trách nhiệm cao cả, mà là lương tâm của văn nghệ sĩ. 
 
Khẩu hiệu “Đến với những nơi tiên tiến, đến với những con người tiên tiến” năm xưa luôn có ý nghĩa đối với văn nghệ sĩ hôm nay. Hãy đến với những người nông dân ở vùng đất miền Trung, một trong những chiến trường ác liệt năm xưa, hôm nay đang gồng mình chống chọi với bão lũ, thiên tai nghiệt ngã, nghị lực vượt khó, thoát nghèo. Hãy đến với người lính nơi biên giới, các đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa đang đối diện với gian nan, thử thách để hiểu thêm về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”… Cứ đi, cứ đến những nơi khó khăn nhất để có “chất liệu” sáng tạo những tác phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống, phục vụ đất nước trước yêu cầu mới đối với văn nghệ sĩ!
 
Hiện nay, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đang rất cam go; một cuộc chiến liên biên giới, liên lãnh thổ, không một ai đứng ngoài cuộc. Văn nghệ sĩ cần nhạy bén bám sát hiện thực để khắc họa bức tranh sinh động về những bác sĩ - chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu ngày đêm kiên cường chống dịch, sáng tạo những tác phẩm có sức lan tỏa, có giá trị thẩm mỹ cao, tác động làm thay đổi nhận thức xã hội...
 
Văn hóa - văn nghệ luôn là một mặt trận. Trên mặt trận không tiếng súng mà nóng bỏng này, văn nghệ sĩ đang là, phải là những người chiến sĩ kiên trung, dũng cảm, tài ba trên mặt trận ấy như Bác Hồ đã dạy…
 
NINH KIỀU