Nhớ thầy Nguyễn Tài Cẩn

05:11, 18/11/2021

Năm 1966, tôi được gọi vào học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội...

Năm 1966, tôi được gọi vào học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đó, trường đã sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, và Khoa Văn của chúng tôi được đổi thành Khoa Ngữ - Văn bao gồm hai chuyên ngành riêng biệt gồm Văn học và Ngôn ngữ học, với 79 sinh viên. Chuyên ngành Ngôn ngữ của chúng tôi tuy vẫn nằm trong Khoa Văn, do thầy Hoàng Xuân Nhị làm chủ nhiệm, nhưng lại được tách ra thành một lớp học riêng với 15 sinh viên, trong đó có 5 bạn người dân tộc Tày - Nùng. 
 
Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. (Ảnh internet)
Nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. (Ảnh internet)
 
Đây cũng là năm đầu tiên Ngôn ngữ học trở thành một lớp chuyên ngành riêng biệt, đặt nền móng cho việc thành một khoa riêng biệt đồng hành cùng Khoa Văn trong Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Lớp Ngôn ngữ chúng tôi, dù khi đó vẫn là một bộ phận thuộc Khoa Ngữ văn, nhưng do thầy Nguyễn Tài Cẩn phụ trách. Sau 6 năm chuẩn bị, lớp học chuyên ngành ngôn ngữ đầu tiên của nước ta ra đời, do thầy giáo trẻ Đinh Văn Đức trực tiếp làm chủ nhiệm.
 
Cái thủa ban đầu, với biết bao khó khăn ở nơi sơ tán, thầy và trò chúng tôi như những đứa trẻ tập đi chậm chạp, nhưng vững chắc bước vào cuộc sống. Cuộc đời sinh viên với bao kỷ niệm về các thầy cô giáo, cho đến nay, dẫu đã hơn 50 năm qua vẫn còn in đậm, khó quên trong cuộc đời của mỗi sinh viên lớp ngôn ngữ chúng tôi. 
 
Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi đến bạn đọc một vài suy nghĩ về cuộc sống của gia đình thầy tôi - Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ ngôn ngữ học, Nguyễn Tài Cẩn.
 
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2 tháng 5 năm 1926 tại làng Thượng Thọ (nay thuộc xã Đại Đồng), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học. Ông bắt đầu dạy học từ năm 1949, cũng trong năm này ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Năm 1953-1954, ông là Trưởng phòng chuyên môn của Khu Giáo dục Liên Khu bốn.
 
Từ năm 1955 - 1960: Ông là chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô (làm việc tại Đại học Tổng hợp Leningrad). Ông là người bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngữ văn đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô về ngành ngôn ngữ học vào năm 1960.
 
Năm 1961, khi trở về Việt Nam, thầy Nguyễn Tài Cẩn đi cùng vợ, đó là một phụ nữ Nga, tên là Nonna Stankevitch. Những năm 60, việc một người Việt Nam lấy vợ người nước ngoài (gọi chung là vợ tây) là ghê gớm lắm, càng lớn hơn đối với một giáo viên đã từng có vợ, được Nhà nước cử đi học tập, công tác ở nước ngoài mà lại ly dị vợ trong nước rồi lấy vợ tây, là chuyện rất khó được chấp nhận. Điều đó không còn là chuyện cá nhân nữa mà là chuyện của quốc gia. Thời gian ấy, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã gặp không ít cay đắng trong cuộc sống vì dư luận xã hội. 
 
Thầy vốn đã khá nổi tiếng về chuyên môn, lúc ấy lại càng nổi tiếng hơn vì có vợ tây. Khi còn học phổ thông ở trường cấp 3 huyện Anh Sơn - Nghệ An, vô tình tôi lại được học Toán do chính người vợ đầu của thầy Cẩn giảng dạy, và chúng tôi cũng đã nghe bàn tán về chuyện gia đình của cô giáo mình. Đến khi vào đại học, thế nào tôi lại vào đúng cái khoa có con người mà mình đã từng nghe danh. Thú thực, hồi đó tôi rất háo hức muốn biết mặt cô Nonna Stankevitch, vợ thầy Cẩn. Và rồi chúng tôi cũng được toại nguyện khi được tới thăm nhà thầy cô trong một căn nhà nhỏ, nơi Khoa Văn sơ tán ven Suối Đôi, thuộc xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Vợ thầy là một phụ nữ cao, tóc bạch kim với đôi mắt xanh biếc. Cô Nonna Stankevitch, không như nhiều phụ nữ Nga khác, sau khi sinh con, luống tuổi thì to béo, nặng nề. Trái lại, cô giáo Nonna vẫn giữ được dáng người thanh thoát cho đến khi về già. 
 
Trước đây cô vốn là một sinh viên rất yêu thích và nghiên cứu tiếng Việt. Đó cũng là cơ duyên để cô sinh viên người Nga này đến với thầy Cẩn. Cô đã trở thành không chỉ là người bạn đời mà còn là đồng nghiệp, một cộng sự đắc lực cho Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong suốt cuộc đời hoạt động khoa học của mình. Bởi cô Nonna sau này cũng là một trong những nữ tiến sĩ đầu tiên về ngôn ngữ học của Việt Nam, và là một chuyên gia đầu ngành về môn loại hình học.
 
Giáo sư Nonna Stankevitch là một phụ nữ Nga vô cùng tuyệt vời, càng tìm hiểu về gia đình Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, chúng tôi càng kính trọng sâu sắc về một người phụ nữ Nga, một cô giáo đã một đời cống hiến cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam, và là cầu nối quan trọng cho sự giao lưu văn hóa giữa hai đất nước Việt Nam và Liên Xô trong những năm tháng mà đất nước ta phải trải qua một cuộc chiến khốc liệt. Ngay từ những năm sơ tán, thay vì có thể trở về Nga sinh sống, cô đã không quản bao khó khăn, vất vả để theo chồng cùng đi sơ tán lên vùng rừng núi heo hút. Sự xuất hiện của một cô tây nơi rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên đã làm cho người dân sở tại bao nhiêu sự ngạc nhiên và kính trọng. Không quản ngại gian nan, khổ cực, cô giáo Nonna vẫn luôn sát cánh, cùng với giáo viên, sinh viên Khoa Ngữ văn và hoà cùng Nhân dân Việt Nam trong cuộc chống Mỹ, cứu nước. Đã có biết bao thế hệ sinh viên và nhiều cán bộ Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến nay vẫn còn nhớ hình ảnh một người phụ nữ Nga lặng lẽ và tận tụy, ngoài việc lên lớp giảng bài mỗi ngày, khi rảnh rỗi thì cô mặc quần đen, đội nón đi cắt từng mớ rau về nuôi heo. Ở nơi sơ tán, cô nổi lên như một biểu tượng của tình hữu nghị Xô - Việt. Đó còn là sự sẻ chia chân tình về tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp. Mọi người đều kính yêu cô nhất là khi họ đều biết cô đến từ một đất nước xa xôi vạn dặm với một cuộc sống văn minh công nghiệp, nhưng lại có thể chịu đựng được những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh ở một xứ sở lạc hậu và đói nghèo, với biết bao thiếu thốn, khổ cực ở nơi sơ tán với củ khoai, mì, bo bo, với ngọn đền dầu tù mù... nhưng cô vẫn không hề kêu than, vẫn cặm cụi hàng đêm soạn giáo án để lên lớp. Trong khi, nhiều phụ nữ nước ngoài khác cũng lấy chồng Việt Nam, họ đã tìm mọi cách để về nước, thì cô vẫn thủy chung, son sắt với đất Việt, với người chồng mà cô rất yêu quý. Đó quả thực là một sự phi thường của một cô giáo trẻ người Nga.
 
Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và Nonna Stankevitch có hai người con trai được đặt tên là Nguyễn Tài Việt và Nguyễn Tài Nam, cả hai đều tốt nghiệp đại học tại Liên Xô và lập nghiệp ở đó. Mãi đến khi về hưu, cô Nonna Stankevitch mới trở về sống cùng con cháu. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng đành rời quê hương để sống những năm tháng tuổi già ở trời Âu xa xôi. Điều này cũng hợp lẽ đời, vì cả một thời tuổi trẻ, cô Nonna đã hy sinh, tận tụy vì sự nghiệp của chồng, không ngại gian khổ, chẳng sợ đạn bom. Khi đất nước hòa bình, cuộc sống đã khá đầy đủ, cô chọn việc trở về quê ngoại để sống gần con cháu, lẽ nào Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không ủng hộ. Và cũng chính trong thời gian này, giáo sư vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học. Năm 2000 ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
 
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là người mở đường, khai sáng cho ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, là một trong những chuyên gia hàng đầu về Ngôn ngữ học Việt Nam. Ông là người có công đầu trong việc xây dựng chuyên ngành ngôn ngữ thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn mất ngày 25/2/2011, tại Matxcơva. Tro cốt của ông được an táng tại quê nhà ngày 12/4/2011.
 
Viết về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, chắc chắn không thể chỉ ít dòng là có thể giải nghĩa được thấu đáo và trọn vẹn. Vì thế, trên đây chỉ là những lát cắt nhỏ nhoi trong cuộc sống của hai vợ chồng thầy xin chuyển đến bạn đọc nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, như nhà thơ Thế Lữ đã khẳng định:
 
“Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.
 
HOÀNG KIM NGỌC