Minh thông tiếng chuông chùa

06:02, 24/02/2022
Một ca khúc thành công, xét trên phương diện bản phổ, đó phải là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc và ca từ. Âm nhạc có nhiệm vụ khơi gợi, dẫn dắt nội dung ca từ sao cho thật phù hợp với tuyến tính giai điệu. Ca từ lại cũng phải tuân thủ quy luật của âm nhạc, đồng thời phải tuân theo quy luật của ngôn ngữ. Chiếu kiến phương diện trên, Vạn Đức chùa tôi (âm nhạc: Đình Nghĩ, phỏng thơ: Thích Vạn Trí) là một ca khúc hay, khi âm nhạc và ca từ cùng nâng đỡ nhau, cái này là cái cớ cho cái kia giãi bày, cái kia là điểm tựa cho cái này thể hiện.
 
Đại đức Thích Vạn Trí (ngoài cùng, bên phải) và nhạc sĩ Đình Nghĩ (ngoài cùng, bên trái)
Đại đức Thích Vạn Trí (ngoài cùng, bên phải) và nhạc sĩ Đình Nghĩ (ngoài cùng, bên trái)
 
Ca khúc Vạn Đức chùa tôi, nhạc sĩ Đình Nghĩ - Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng - viết ở giọng Si giáng trưởng (Bb major) với thể thức 3 đoạn đơn A, B và A, dựa trên ý thơ của Đại đức Thích Vạn Trí - Trụ trì chùa Vạn Đức - đầy vị đạo: “ Im nghe tiếng chuông chiều nhất tâm/ Chùa tôi chân nguyên đỉnh đèo/ Men theo nắng mưa hè sáng trưa/ Vạn Đức an nhiên bóng nghiêng”. Nhạc sĩ đã sử dụng thủ pháp ly điệu, cách tiến hành giai điệu tựa một khúc đồng giao: dịu nhẹ, thỏ thẻ, mênh mang... để vẽ ra không gian chùa Vạn Đức thật nguyên sơ. Thiền tự đó, trong khiết như giọt sương thu, sáng ấm như vầng trời đông, tịch tĩnh và an lạc như tiếng chuông ngân. Câu nhạc vì thế vừa có sự thành kính đối với nơi tỏa rạng hào quang đức Phật, vừa có tính kính ngưỡng đối với cái chân tâm của chính mình: “ Im nghe tiếng kinh Thiền sớm mai/ Bầy nai thong dong đêm dài/ Sương thu thoảng ru miền viễn du/ Vạn Đức linh thông bốn mùa”. Ta nghe trong đó có tiếng kinh Thiền giữa trời đất mênh mông, tiếng cây lá nỉ non hát, tiếng nắng reo ròn vỡ, tiếng bầy nai nhẩn nha nghe kinh bên suối, tiếng giọt sương thu vọng xa... Tất cả cứ quyện lẫn, đan xen, tương trợ, sóng đôi trong thênh thang núi đồi, trong hơi ấm ngôi chùa, qua không gian và thời gian. Ta nhất tâm đảnh lễ lời kinh Thiền, rồi tĩnh thức tự tánh, trực chỉ chân tâm, tìm về bản tâm sơ nhiên trong chính mình. Trong nhất niệm chuông ngân, ta ngộ ra rằng, niềm hạnh phúc và sự hoan hỉ thực sự chỉ có thể tìm thấy nơi cội nguồn chân chính của bản tâm. Con đường tu tập chính là quá trình “phản bổn quy chân”, nghĩa là tự hoàn thiện chính mình trên cơ sở cái gốc cội nguồn của mình.
 
 
Cũng chỉ khi ta nhận thức rõ vạn pháp hữu vi là vô thường, nhận ra con đường sinh diệt luân hồi, nguyên nhân và kết quả của sự biến dịch, sẽ tự bước ra khỏi tham, sân, si. Bấy giờ, ta bắt đầu bước vào con đường Phật đạo, không còn bị vọng tưởng lừa gạt, hay bị vạn pháp hữu vi trói buộc: “ Đóa hoa rừng giác ngộ, Đà Lạt ngàn từ bi/ Rót tan chiều tiễn biệt mộng mị lòng thảnh thơi/ Ánh đạo vàng thắp lửa, Đà Lạt vọng trời đông/ Đón xuân hồng tĩnh lạc vào chùa mùa thinh không”. Ở đoạn nhạc này, ta thấy xuất hiện một ít chất liệu âm nhạc ngũ cung Tây Nguyên, tương phản hoàn toàn với đoạn nhạc A. Nhạc sĩ Đình Nghĩ tạo quãng rất rộng (trên một quãng 8), khiến cho ngôn ngữ âm nhạc trong đoạn nhạc B nghe như tiếng vọng linh thiêng của tuệ giác. Theo Đại đức Thích Vạn Trí, một khi đã ly tham, không chấp chặt sắc tướng, thì ở đâu cũng đều hạnh phúc, mùa nào cũng là mùa xuân: “ Nhắm mắt nghe xuân hồng vọng lại/ Ngàn năm hoa nở vốn là xuân/ Xuân đến, xuân đi, xuân thực tại/ Khứ lai vô ngại sống là xuân”.
 
Ca khúc Vạn Đức chùa tôi được nhạc sĩ khép lại bằng chính giai từ, tiết điệu của đoạn nhạc A: “ Im nghe tiếng chuông chiều nhất tâm/ Chùa tôi chân nguyên đỉnh đèo/ Men theo nắng mưa hè sáng trưa/ Vạn Đức an nhiên bóng nghiêng/ Im nghe tiếng kinh Thiền sớm mai/ Bầy nai thong dong đêm dài/ Sương thu thoảng ru miền viễn du/ Vạn Đức linh thông bốn mùa”. Tuy nhiên, qua Thiền định, ngữ nghĩa của đoạn nhạc A kết thúc đã khác đi rất nhiều so với đoạn nhạc A mở đầu, ấy là bởi nhất tâm nâng lên một tầm cao, không còn bị thực tại giả huyền lôi cuốn nữa, cũng không có sự nhìn về ngôi chùa nào nữa. Tất cả đều vắng lặng: Tịnh tâm, tịnh tính, rộng lòng từ bi. Chính cái tâm ấy, mở ra sự an nhiên, hoan hỉ, chấm dứt cái biến dịch thiên hình vạn trạng của vạn pháp.
 
TRỊNH CHU