Người săn đồ cũ

12:02, 02/02/2022
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Đồ cũ, second hand, đồ xôn, hàng thùng, quần áo si đa... chợt nghe rợn cả người. Chỉ ngửi thấy cái mùi cũ đặc trưng đã rùng mình nôn ọe, sợ không dám chạm tay vào. Có thể là tư trang của người chết, bệnh nhân cùi... Ấy vậy mà anh chàng này lại thích, nói đúng hơn là nghiện những thứ đó. Anh second hand toàn phần, từ đôi giày anh mang, quần áo anh mặc, cái mũ đội đầu, tất cả đều second hand tự tay chọn sắm ở các cửa hàng đồ cũ khắp trong và ngoài nước. Đến Budapest (Hungary), anh liền đi thăm phố Maiacốpxky chuyên bán đồ cũ, mua được cái gì anh cho vào túi xách mang theo để khỏi lộ ra bao bì có đề tên các cửa hàng đồ cũ. Anh nhắc mọi người, trên tàu điện ngầm đừng nhắc đến “Maiacốpxky” mà chỉ nói “tôi vừa ở phố “Nhà thơ” về. Anh say sưa kể những trường hợp trúng số độc đắc, mua được cái gì đó ưng ý.
 
Giữa phố nườm nượp người qua lại, không thiếu những kẻ quần là áo lượt, anh tháo ngay một chiếc giày đưa cho anh bạn quen, thay lời chào hỏi.
 
- Thấy chưa? - Anh hất hàm.
 
Anh bạn ngại không dám cầm.
 
- Cầm lên! - Anh ra lệnh.
 
Bất đắc dĩ bạn anh nhón lấy bằng hai ngón tay, ngón cái và ngón trỏ, còn ngón út thì cong cong vểnh lên sợ chạm. Anh chàng nghiện đồ xôn, chủ nhân chiếc giày, sợ rơi vội vàng đỡ lấy và lắc đầu:
 
- Thấy chưa? Giày tốt là phải như thế, xỏ vào nó nâng chân mình lên, giày lính cũng tốt nhưng nó níu chân cậu xuống. Cầm chiếc giày trên tay không trong lượng thế này mà chẳng cảm xúc gì cả. Chưa sạch nước cản! Rồi anh cao hứng tiếp:
 
Giày lười hay thật, không phải cúi xuống buộc dây. Đế giày là của Italia, đàn hồi chịu lực đã đành, còn có độ chống mài mòn cao, đi mãi cứ bì bì ra chỉ vẹt gót chút đỉnh. Da Tiệp rất mềm màu nâu xám là nhờ thuộc bằng tanin, không phải bicrômat. Da mũi giày từ lưng con vật được giết thịt vào mùa đông, má trong má ngoài từ da bụng mềm và đàn hồi, giống như da nách người ta ấy. Khi đi bàn chân bẻ cong, gấp nếp nó không bị nứt gãy. Chỉ khâu của Nhật bền phải biết. Quý nhất là nó được làm bằng tay thợ thủ công. Giày sản xuất hàng loạt bằng máy chỉ dập từ trên xuống nên đế to bè ra, đi không thật chân, bảo là mốt chứ mốt cái gì. Chẳng có máy móc nào bằng tay thợ lành nghề. Có khi dùi những lỗ cong phải dùng lông đuôi voi để rút chỉ. Có cái ông ở phố Lý Nam Đế - Hà Nội chuyên sửa giày cho sĩ quan Pháp từ đầu thế kỷ 20, nay đã thành người thiên cổ, là nắm được kỹ thuật này. Thằng Tây nó thiếu gì tiền, nhưng được một đôi giày ưng ý thì không muốn thay đôi khác. Vào form rồi, giày mà đi “rốt-đa” thì sung sướng nỗi gì. Kiếm bộ complé không khó, vớ được đôi giày như đôi giày này là trúng độc đắc đấy. Người phương Tây có câu: “Gặp nhau nhìn quần áo, tiễn nhau nhìn tâm hồn”. Ta cũng nói: “Quen sợ dạ, lạ sợ quần áo”. Ta nhìn từ đầu xuống chân, Tây nó nhìn từ chân lên đầu, đánh giá nhau qua giày nhiều hơn là quần áo.
 
Một hôm anh chàng nghiện đồ cũ được bà chị kết nghĩa nhờ đến chuyển nhà hộ. Anh xách một va ly nặng, có đến 20 đôi giày đủ loại. Bà chị giải thích, mua về sử dụng mới biết mỗi đôi một chứng một tật, đa phần là bong đế, ngấm nước, đôi thì đau cứng, có đôi đi được vài lần đã doãng ra, lỏng chân văng ra ngoài... Anh thấy chị mua đôi nào cũng suýt được, lại mua đôi khác, liền bảo: “Giàu thì mua giày rẻ tiền! Nghèo thì mua một đôi thật tốt, mà tốt nhất đã qua thử thách là giày cũ!”.
 
“Tín đồ second hand” của chúng ta còn có duyên với áo khoác. Thánh địa áo khoác của nước ta chính là chợ đồ cũ Đà Lạt. Ngày xưa lạnh, bước ra cửa là khoác chiếc áo choàng, thường là mantosan, nên kiến thức áo khoác của dân địa phương rất đáng nể. Áo phải nhẹ, ấm và thoáng, tránh được mưa lất phất, không nhàu nát và khó dây bẩn.
 
Tân vụ trưởng, một cô gái xinh đẹp mới ngoài 30 xuống thăm cơ quan địa phương, sau 2 ngày làm việc, trưa nay đáp máy bay về Hà Nội. Mua cái gì làm quà tặng bây giờ? “Tín đồ thời trang” thay mặt cơ quan đưa khách đi thăm phố. Loanh quanh thế nào lại đến chợ đồ cũ, cũng là theo thói quen thôi. Ấy chết, người dẫn đường toan kéo cô sang hướng khác thì bị níu lại:
 
- Vào đây! Vào đây! Tôi thích đồ cũ lắm. Trước tôi cũng không quan tâm, nhưng từ ngày đi Hà Lan mới có cái thú này. Đến nước nào tôi cũng sà vào chợ đồ cũ, có nơi gọi là chợ giời, chợ truyền thống...
 
Anh mủm mỉm cười không nói gì, bụng nghĩ đúng là “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”, nắm được cái gu của khách thì thỏa mãn nào có khó. Hàng trăm quầy lớn nhỏ san sát treo cả ngàn chiếc áo khoác nhưng anh nhớ ở một chỗ kín đáo có cái hợp với khách nhất, và không hiểu sao anh đinh ninh là mình sẽ làm hài lòng vị tân vụ trưởng này. Y như rằng, ướm thử hàng trăm cái lắc đầu, đến đây ôm khư khư cái áo như sợ buông xuống sẽ bị người ta mua tranh mất.
 
- Áo khoác da dê! - Ra khỏi cửa hàng cô mừng quá thốt lên.
 
- Chị cũng “cáo” thật.
 
- Anh biết không, đôi khi đặt xuống trả giá có người chộp luôn. Hiệu ứng pômo - mua tranh bán cướp - mà, họ cũng khôn lắm chứ. Đôi khi mình thích quá sáng mắt lên người bán sợ hớ bảo đã có người mua rồi.
 
Vụ trưởng được khen tươi hẳn, càng tỏ ra lọc lõi:
 
- Anh có quẹt trong người không?
 
Anh đưa cô bật lửa ga. Cô đốt mép vải phía trong vạt áo gí mũi anh:
 
- Thấy không, mùi thịt nướng, nylon nó khét kiểu khác. Bây giờ ở Âu - Mỹ có phong trào tẩy chay sản phẩm từ lông, da động vật, coi là dã man, thiếu nhân văn nhưng vẫn ăn thịt chúng. Tôi đố anh da dê thuộc tốt nó thế nào?
 
Anh lắc đầu, đúng là “thiên hạ nhân thiên hạ tài, cao nhân lại có cao nhân trị”. Sẽ được một bài học nữa cho anh đây.
 
Về nhà khách, cô trải áo trên giường, bàn tay xòe úp trên mặt da vo lại.
 
- Nó phải mềm như nhung và không được duỗi ra. - Cô giải thích.
 
Anh gật gù:
 
- Sao chị tài thế?
 
- Có thời gian tôi làm KCS ở công ty da xuất khẩu.
 
- Thảo nào.
 
Vị khách rất hài lòng với chuyến đi công tác, liên tục gọi cho giám đốc cơ quan, lên máy bay gọi, hạ cánh lại gọi. Bảo là ai cũng ngắm nhìn xuýt xoa, có người mạnh dạn xin sờ một cái có được không. Mua ở đâu đấy. Hay là họ biết mình mua đồ cũ? Có người xin địa chỉ, số di động về Hà Nội mượn làm mẫu may một cái như thế nhưng những thợ may giỏi nhất Hà thành đều lắc đầu chịu, bảo chỉ có thể na ná là cùng. Một cái áo đẹp ai khoác vào cũng cảm thấy như may cho riêng mình, mặc vào nó ôm lấy mình, muốn bay lên, không cần soi gương chỉnh sửa.
 
Trên thị trường đồ cũ, ít khi ta gặp hai cái áo hoặc hai cái quần giống hệt nhau. Đồ cũ là đồ độc bản kén khách, một loại “quý vật tìm quý nhân”, giống như đồ cổ, phải có duyên mới gặp được, đã gặp không muốn rời xa. Chàng nghiện đồ cũ khoác chiếc “veston tứ thời” đến rách vẫn đeo đẳng, trong tủ mấy bộ complé mới không thèm đụng. Anh bạn xa tới chơi gặp hôm trời trở rét bất ngờ được anh khoác tạm cái veston cũ đi chụp bao nhiêu ảnh. Về thấy đẹp quá, lưu luyến chiếc áo không muốn cởi ra, có ý xin chủ nhân vì nó không đáng giá. Ai ngờ được tặng hẳn bộ complé mới cứng. Anh bạn chối đây đẩy: “Tôi không thích bộ này!”. Truyền thống là sức mạnh, ta may áo dài ai dám chê. Nói là may complé giỏi, xuất khẩu được. Nhưng ai mặc, những ông Tây bình dân dễ tính thôi. Còn hàng hiệu ấy à, nó thuộc đẳng cấp khác, nhưng tìm thấy ở second hand, có khi mới toanh.
 
Có hôm anh bạn của chúng ta nhận được gói bưu phẩm, quà tặng từ một người bạn gái. Chắc cô ta ái ngại khi thấy anh quanh năm đóng “bộ tứ quý” nên gửi cho bộ complé hàng hiệu. Xuất phát từ tình thương bạn nghèo hay có ý nhắc anh: “Quà tặng là phải nghiêm túc như thế”. Trước đó anh có gửi tặng cô cái túi xách, đương nhiên cũng là đồ cũ làm từ những hạt ngọc trai đính sát nhau. Cô cho là ngọc trai dởm, polyme vớ vẩn. Đeo trên vai đi du lịch Bắc Kinh gặp mấy người cỡ trung lưu giữa Thiên An môn đòi mua bằng được mới thấy nó quý thật. Đừng coi thường đồ cũ! Những tín đồ hàng hiệu có khi phải kính nể. Bán được cái túi xách “polyme vớ vẩn” với giá ngất ngưởng 20 ngàn nhân dân tệ hý hửng tưởng đã hời mới hay nhà sản xuất chỉ chế tác có 10 cái túi xách loại ấy làm quà tặng cho những khách hàng ruột để tăng độ “chảnh”.
 
Rất có thể bạn đã gặp anh chàng nghiện đồ cũ ở đâu đó trên đường phố. Chiếc berê nhàu nát, veston bốn mùa, quần lanh thô và đôi giày cũ kĩ. Anh ngẩng cao đầu với quan niệm không có một thời trang chung cho mọi người, ai hợp mốt nào thì gắn bó chung thủy với mốt đó. Khái niệm “đề mốt đê” xuất phát từ nhu cầu của kẻ bán, bắt “tín đồ thời trang” phải theo đuổi tốn kém.
 
Đồ cũ, ở khía cạnh nào đó là đồ cổ, hàng hiệu rất giá trị mà chỉ tín đồ yêu mến nó mới nhận ra.
 
- Vì sao anh thích săn lùng đồ cũ? - Một nhà báo phỏng vấn.
 
- Vì đó là trò chơi chỉ có may mà không có rủi, cuộc chơi đầy kịch tính. Cái gì đang đợi anh ở quầy hàng đồ cũ? Chất liệu len, coston, polyme, da thật, giả da? Hàng độc, lạ, rẻ như cho.
 
- Liệu có nhiều người cùng sở thích với anh?
 
- Tôi cho là không. Tôi đã từng tặng người thân đồ cũ và bị coi là xúc phạm.
 
- Tôi không dám chê anh nghèo - Nhà báo tiếp - nhưng những “tín đồ second hand” đều không được bình thường cho lắm. Dám tặng đồ cũ cho người khác, anh có biết vì sao không? Vì anh thích nên nghĩ ai cũng như mình. Thực ra, người có sở thích như anh không nhiều.
 
Mồng 2 Tết, tân vụ trưởng khoác áo da dê xoay tròn trên Zalo gửi lời cảm ơn “người săn đồ cũ” một lần nữa. Cô khoe hóa ra nó không phải là second hand mà là mới một trăm phần trăm vì chưa mở khuyết, cúc áo chưa đóng lần nào. Thục tay vào túi trong vớ ngay tờ 100 đô, gấp 10 tiền mua. Bắt được tiền trong túi mình! Ai bảo “phúc bất trùng lai”? Trùng quá đi chứ.
 
CHU BÁ NAM