Thành phố của nghệ thuật

05:02, 01/02/2022
Người Đà Lạt yêu nghệ thuật và có gu thẩm mỹ cao. Điều ấy rõ ràng đến nỗi ta có thể cảm nhận ngay khi vừa bước xuống sân bay. Ngay cả những người lái taxi cũng nghe nhạc Trịnh, nhạc Phạm Duy hay những bản ballad ngoại quốc lừng danh chứ không phải dăm ba bài hát thị trường hay nhạc bình dân như vẫn thường thấy ở giới lái xe. Trên đường phố, thấp thoáng những ngôi nhà với khu vườn nhỏ đơn sơ nhưng được bài trí nên thơ như một góc ngoại ô bên trời Âu. Cứ nghĩ mãi vì lý do gì mà người Đà Lạt có gu đến vậy. Phải chăng thứ nắng hườm như mật ong dát vàng lên những rừng thông kia khiến người cao nguyên từ lúc mở mắt đã cảm nhận được cái đẹp, và vì thế mỹ học đã vô thức ngấm vào từng tế bào của họ. 
 
Dường như mỗi người dân Đà Lạt đều là một nghệ sĩ. Có cảm giác như thế, một thứ sáng tạo bình dân mà gần gũi. Thời gian ở thành phố cao nguyên xinh xắn này không nhiều, vậy mà quay mặt phía nào cũng được chiêm ngưỡng nghệ thuật: Nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật thêu và đan, nghệ thuật làm búp bê len, nghệ thuật nhiếp ảnh và âm nhạc… đều thấm đẫm mỗi đời sống. Trước khi lên Đà Lạt, tôi lên mạng, tìm thấy Facebook của studio Phạm Phước liền liên hệ trước qua điện thoại. Phạm Phước chị chị em em ngọt xớt, tôi cũng xưng thế vì đoán chắc đó là một cậu thanh niên mới vào nghề ôm ống kính Canon đi kiếm thêm. Tôi đặt một buổi chụp hình vào buổi sáng và Phạm Phước bảo sẽ đến đón. Y hẹn, anh ta gọi điện cho tôi bảo đang ở sảnh. Ngó lên thấy xe ô tô màu mận đề Studio Phạm Phước và một bác tóc bạc mặc áo ký giả, tôi ồ lên kinh ngạc. Quả là nhiếp ảnh gia Đà Lạt chuyên nghiệp hơn hẳn Hà Nội, trong khi ở nhà mình, các cô dâu chú rể muốn thuê chụp hình đều phải tự lo xe thì Phạm Phước có hẳn xe riêng in logo cứ như xe truyền hình. Nhiếp ảnh gia Phạm Phước lái xe chở khách đi chụp hình, nhất cử lưỡng tiện. Trên đường đi bác nhiếp ảnh gia sinh năm 1967 với 30 năm tuổi nghề khoe cũng đã từng lên báo khối rồi, về lên mạng mà xem. Quả nhiên Google cho ra kết quả những tác phẩm của Phạm Phước từng được giải khu vực và toàn quốc. Thật không tầm thường. Lúc đến nhà Phạm Phước để nhận ảnh, thấy nhiếp ảnh gia ở trong một dinh cư rộng ngang biệt thự, có hàng rào trắng, sân vườn, cối xay gió và phòng trưng bày các đồ sưu tầm.
 
Ở Đà Lạt, các tư gia đều nhang nhác quán cà phê vườn, còn những quán cà phê cao nguyên, có lẽ đã được thiên nhiên ưu đãi cho vị trí đắc địa nhất trên dải đất hình chữ S. Vào quán uống một ly cà phê cao nguyên, ấy cũng như vãn cảnh thần tiên ở một khu du lịch, với thác và suối reo róc rách, cối xay nước kẽo kẹt, vườn hoa khoe màu ngũ sắc, thảm cỏ lưng chừng đồi, nước mưa thánh thót từ trên giọt gianh. Quán xá mà cứ róc rách, tí tách nỉ non như thế, nếu có cái hẹn công việc với người khác giới âu cũng là không dám vào. Mà quán cà phê nào trên đất cao nguyên này cũng nên thơ như cõi mộng, vì nếu không ngự trên lưng chừng núi, không ẩn mình bên vệ đường tím ngắt màu phượng, thì cũng vươn ra lan can giữa hồ nước lấp lánh thông soi. Do vậy, nếu tới Đà Lạt để đi công tác, hay bất kỳ mục đích gì không vương vấn đến chữ tình, ắt là nên tránh đừng bước ra khỏi cửa khách sạn. Bởi nếu không có một người nào đó bên cạnh, Đà Lạt rất dễ khiến bạn chạnh lòng. 
 
Ngay trong khu vực Nhà khách Minh Tâm đã có một quán cà phê đặc biệt. Quán hình tròn và có chóp mái bằng vải như rạp xiếc, núp bóng dưới những bậc thang sâu như che giấu, như ngụy trang khỏi ánh mắt người qua lại, ấy nhưng luôn có khách. Quán có hai người đàn bà xinh đẹp hát nhạc Trịnh. Tối nào cũng hát, dù đông khách hay ít khách, dù lạnh se sắt hay mưa rơi ủ rũ. Một người còn trẻ, trên tay lúc nào cũng có cây đàn ghi ta, một người đã bước sang tuổi xế chiều, giọng trầm liêu trai nhang nhác Khánh Ly nhưng tuổi tác đã khiến chất giọng thêm phần hiu quạnh mà bớt đi âm vực cao khỏe khoắn. Quán âm u tối mà ấm áp trong ánh nến và hoa hồng, hình Trịnh treo trên sân khấu nhỏ xíu như một vị thánh (đương nhiên ông là Thánh của những người ghiền nhạc Trịnh bao thế hệ) và trong không gian rất hợp lẽ ấy, “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ” lại chậm rãi từng giọt đàn. Có lẽ không nơi nào nghe nhạc Trịnh hợp hơn không gian Đà Lạt, nơi có nỗi buồn không tê tái, không xót xa, không kiệt quệ mà cứ chìm dần vào bâng khuâng lúc nào không biết. Nghe nhạc Trịnh trên cao nguyên tình yêu, thấy trần gian này sao đã cho mình nhiều đến thế, và thị thành kia, chốc bỗng vụt xa ngái như hồ đã không còn ký ức.
 
DI LI