Lễ hội Nhô R'hê trong đất trời Măng Đen

10:03, 18/03/2022
(LĐ online) - Đêm nay, trong đất trời của cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), những nghệ nhân người K’Ho đến từ buôn làng Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đang say sưa tái hiện lễ hội Nhô R’hê – mừng lúa mới.
 
Những nghệ nhân người K’Ho đến từ buôn làng Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đang say sưa tái hiện lễ hội Nhô R’hê - mừng lúa mới
Những nghệ nhân người K’Ho đến từ buôn làng Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà đang say sưa tái hiện lễ hội Nhô R’hê - mừng lúa mới
 
Họ là 30 nghệ nhân đại diện đồng bào các dân tộc Lâm Đồng tham dự Liên hoan diễn xướng dân gian các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III diễn ra từ ngày 15 - 19/3. 
 
Có vùng gọi lễ hội này với cái tên Nhô Rơhe - Mang lúa về kho, nhưng cũng có nơi gọi lễ Nhô R’hê - mừng lúa mới. Cũng như nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc khác, nỗi lo cơm áo và mặt trái của sự phát triển đã làm Nhô R’hê có lúc bị lãng quên.
 
Già làng cất tiếng Tù và bắt đầu lễ Nhô R’hê
Già làng cất tiếng Tù và bắt đầu lễ Nhô R’hê
 
Những già làng người K’Ho ở vùng Nam Tây Nguyên kể rằng, trước đây, cứ vào vụ chính, người K’Ho thường sử dụng giống lúa mẹ (kòi me). Sau 6 tháng gieo trồng mới cho thu hoạch. Trước khi mang lúa đã được tuốt hạt về kho, người K’Ho phải tổ chức nghi lễ cúng tế tại cánh đồng nhằm tạ ơn và xin thần linh cho gia chủ được phép mang lúa về. Nghi lễ mang lúa về kho của người K’Ho được tổ chức vào cuối giờ chiều trong phạm vi gia đình. Gia chủ sử dụng con gà để làm lễ hiến tế và cầu khẩn tạ ơn Yàng đã cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạt lúa được chắc khỏe, cầu cho gia đình có đủ lúa ăn quanh năm và cầu mong cho mùa vụ tới được thuận lợi và bội thu...Sau lễ tế là phần tiệc rươụ của gia đình. Mọi người quây tụ bên đống lúa, ngồi quanh chóe rượu cần, cùng nhau thưởng thức men nồng của rượu và các món ăn truyền thống được chế biến từ thịt lợn, rau rừng. Và đây cũng là thời điểm những người K’Ho cất lên tiếng chiêng, tiếng hát mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc K’Ho như: Yal yau, pơnđik - pơnring, đơs long, đơs reng... với ý nghĩa giáo dục con người luôn hướng về cái thiện, ca ngợi vẻ đẹp, cuộc sống mộc mạc, chân chất của cư dân K’Ho. 
 
Và Nhô R’hê đã được người K’Ho ở buôn làng Bồ Liêng và cả ngành Văn hoá của Lâm Đồng chung tay phục dựng từ năm 2018. Thời điểm đó lễ phục dựng được tổ chức tại gia đình già làng Dôm Dai K’Bát. Ông được biết đến với vai trò là “chủ chòm” trong đội cồng chiêng của huyện Lâm Hà. Tiếng chiêng của ông đã từng vang lên trong các lễ hội văn hoá được tổ chức không chỉ khu vực các tỉnh Tây Nguyên, mà còn ở khu vực Đông Nam Bộ, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trực tiếp tham gia lễ phục dựng, gia đình già K’Bát đã thực hiện các nghi thức như: Lễ cúng đưa bồ lúa vào kho, cúng Yàng tại cánh đồng của chủ nhà để lúa về kho lúc 5 giờ sáng trước khi mặt trời mọc và nghi thức gùi lúa về kho và đổ lúa vào bồ. Sau khi thực hiện các nghi thức nói trên, các đội cồng chiêng trên địa bàn còn được giao lưu đánh cồng chiêng với các nghệ nhân, già làng và người có uy tín hát những bài dân ca như: Đơs reng, Pơnđik - pơnring, yal yau… 
 
Già làng của buôn Bồ Liêng thành tâm cất tiếng mời Yàng
Già làng của buôn Bồ Liêng thành tâm cất tiếng mời Yàng
 
Dòng chảy văn hoá trong mạch máu của già K’Bát đã chảy tràn qua các thế hệ cháu con. Và hôm nay, con trai của già, Nghệ nhân ưu tú K’Bes đã có mặt trong đoàn nghệ nhân của tỉnh Lâm Đồng tham gia tái hiện lễ hội Nhô R’hê tại Liên hoan diễn xướng dân gian các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III bằng tất cả say mê. 
 
Và hôm nay, trong đêm Măng Đen, trong tiếng tù và, bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, già làng của buôn Bồ Liêng thành tâm cất tiếng. Trong không gian và thanh âm như miền cổ tích đầy mê hoặc ấy, lời già làng mang nghĩa rằng: “Ơi Yàng!....hỡi lũ làng sau một năm vất vả với cái nương, cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rươụ cần đã đến ngày khai ché, chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hoà, cho cái nương, cái rẫy tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi lũ làng! Chúng ta cùng về đây mở hội,  Ơi Yàng”….
 
Và khi lời già làng vừa dứt, đôị chiêng và đội múa Xoang cùng di chuyển vào vị trí cây nêu, nơi đã có sẵn ché rượu cần, nhà cúng, trống da trâu Sgơl để làm lễ cúng Yàng. Tiếng chiêng, điệu múa Xoang và lời khấn của già làng để thần chiêng linh thiêng về dự hội. Cồng chiêng gắn bó với người K’Ho nói chung và người buôn Bồ Liêng nói riêng từ lúc chào đời đến lúc về với các Yàng. Và trong lễ hội Nhô R’hê, tiếng chiêng lúc nghe như nước chảy, lúc êm dịu như gió chiều, khi ầm ầm như thác đổ, như sấm rền tháng 8, như mưa sa tháng 10, như luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao, trườn lên đồng cỏ thần chiêng đã về để chung vui với cả buôn làng.
 
Sau khi các nghi thức tế lễ lần lượt được tiến hành, khi men rượu đã dần ngấm sâu vào mỗi người thì đây cũng chính là lúc tiếng chiêng ngân lên hoà cùng những điệu múa Xoang và những bài đồng giao của người K’Ho.
 
Trong không gian ấy không chỉ có những nghệ nhân người K’Ho thêm yêu, thêm tự hào về văn hoá dân tộc mình mà còn là món quà, là lời tâm tình mà những người K’Ho của Nam Tây Nguyên muốn mang tới với các dân tộc anh em. 
 
Tiếng chiêng của người K’Ho vang lên trong Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III
Tiếng chiêng của người K’Ho vang lên trong Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III

 
Ngày 16/3, tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức lễ khai mạc Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần III năm 2022. 
 
Tham dự chương trình có các đoàn nghệ nhân thuộc các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Hà Nam, Hải Dương, Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thành phố Hồ Chí Minh với trên 600 nghệ nhân, nghệ sĩ tham dự.
 
Chương trình Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc được tổ chức nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ gìn và tôn vinh các giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, người dân giao lưu, giới thiệu giá trị những di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, trang phục, ẩm thực của cộng đồng các dân tộc. Đồng thời khẳng định niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Chương trình Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III năm 2022 kéo dài đến hết ngày 19/3. 
 
PHƯƠNG NAM – NGỌC NGÀ