Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Lâm Đồng

11:04, 28/04/2022
(LĐ online) - Nằm trong không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng “Hội tụ và lan tỏa” thuộc hoạt động Tuần lễ Vàng du lịch 2022, đêm 27/4, chương trình biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đã diễn ra với nhiều sắc màu. 
 
Trang phục của người K'Ho Sre - Di Linh
Trang phục của người K'Ho Sre - Di Linh
 
Gần 150 nghệ nhân đến từ 12 đoàn của các huyện, thành trong tỉnh đã trình diễn hơn bộ trang phục của đồng bào các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu, M’Nông. Với mỗi dân tộc, trang phục đều mang màu sắc riêng biệt trên nền thổ cẩm được phối màu công phu, tạo hình hoa văn muôn điệu độc đáo, cách phục trang, kiểu cách, họa tiết khác nhau thể hiện nhân sinh quan về thế giới, về thẩm mỹ trình độ sáng tạo. 
 
Trang phục hàng ngày, trang phục trong lao động sản xuất, lễ hội được đi kèm cùng những vũ điệu xoang, diễn xướng cồng chiêng, những hoạt động săn bắn, hái lượm, lấy nước, tỉa hạt, cùng các dụng cụ lao động bổ trợ như gùi, rìu, ná, lao, nơm, đó, giỏ, bầu, nhạc cụ cồng chiêng… càng phô diễn hết vẻ đẹp của trang phục làm cho cuộc trình diễn thêm sống động, độc đáo.  
 
Tấm ùi của người phụ nữ K’Ho, M’Nông có nhiều công dụng
Tấm ùi của người phụ nữ K’Ho, M’Nông có nhiều công dụng
 
Công dụng tấm ui đối với người phụ nữ K’Ho, người M’Nông vừa làm chăn đắp khi trời lạnh, địu con khi đi nương rẫy, vừa đội đầu che nắng, khăn quàng, khăn tắm khi ra suối lấy nước, đi tắm… vẫn được đồng bào sự dụng và giữ nguyên công dụng trong đời sống hiện đại.  
 
Cũng từ chất liệu thổ cẩm, đồng bào đã khéo léo làm nên những bộ trang phục cách điệu với kiểu dáng phù hợp như đầm công sở, váy diện đi dự tiệc, đi chơi… kết hợp giữa dân tộc và hiện đại, vừa hợp thời trang lại mang vẻ đẹp văn hoá truyền thống. Nhiều bộ váy cưới lộng lẫy được làm từ thổ cẩm tôn thêm vẻ đẹp của cô dâu, chú rể trong ngày trọng đại.
 
Bên cạnh trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa, trang phục truyền thống của các dân tộc anh em như người Thái đến từ huyện Đức Trọng, người Tày Nùng từ Bảo Lâm làm cho chương trình thêm rực rỡ sắc màu văn hóa. 
 
Cuộc trình diễn thiết thực phát huy vẻ đẹp của trang phục truyền thống, giới thiệu đến du khách gần xa. Qua đó đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng nhận thức rõ hơn giá trị của bộ trang phục truyền thống mình đang mặc, thêm yêu quý, trân trọng, ra sức gìn giữ, bảo tồn, làm cho trang phục truyền thống ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống thường ngày.
 
Trang phục truyền thống của người Tày - Bảo Lâm
Trang phục truyền thống của người Tày - Bảo Lâm

 

Trang phục cưới trên nền thổ cẩm làm cho lễ cưới thêm ý nghĩa
Trang phục cưới trên nền thổ cẩm làm cho lễ cưới thêm ý nghĩa
QUỲNH UYỂN