BS Nguyễn Kỳ Sơn cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch

AN NHIÊN 06:14, 27/02/2023

Thạc sỹ, bác sỹ (BS) Nguyễn Kỳ Sơn - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng là một trong những điển hình tiêu biểu của ngành Y tế Lâm Đồng. Trải qua 18 năm công tác, BS Sơn đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển kỹ thuật chuyên môn lĩnh vực hồi sức tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.

Thạc sỹ, BS Nguyễn Kỳ Sơn đang tập trung cao độ xử trí ca bệnh
Thạc sỹ, BS Nguyễn Kỳ Sơn đang tập trung cao độ xử trí ca bệnh

Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng là một trong những khoa lâm sàng quan trọng của bệnh viện. Đây là nơi tiếp nhận các ca bệnh nặng, nguy kịch phải chẩn đoán sớm, xử trí khẩn trương với nhiều áp lực. Mặc dù, phải làm việc với cường độ cao, áp lực công việc lớn nhưng đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng của Khoa luôn tận tâm, tận lực, đoàn kết trong công việc.

Thạc sỹ, BS Nguyễn Kỳ Sơn chia sẻ: “Với phương châm “Nỗ lực tới cùng” và “Đặt người bệnh làm trung tâm”, chúng tôi thay phiên nhau làm việc liên tục ngày đêm để kịp thời tiếp nhận, xử trí cấp cứu, theo dõi, chăm sóc người bệnh nhằm giành lại sự sống cho người bệnh nặng và nguy kịch”.

Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân và điều trị chăm sóc đặc biệt cho 35 - 40 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Với việc sử sụng các kỹ thuật cao trong hồi sức như: Thở máy, lọc máu liên tục, lọc máu thay huyết tương, lọc máu hấp phụ độc chất, nội soi hô hấp cấp cứu… đội ngũ thầy thuốc ở đây đã cấp cứu, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng như: Viêm phổi suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, sốc chấn thương, suy đa cơ quan, nhồi máu cơ tim, ngộ độc... 

“Thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi dịch bệnh bùng phát ở Lâm Đồng, nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng, chúng tôi phải phân chia nhân lực vừa đảm bảo công việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, vừa đảm bảo công việc tại Phòng Hồi sức Khu điều trị COVID-19. Mặc dù có khó khăn, song với sự động viên giúp đỡ của lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện, tôi và các đồng nghiệp trong Khoa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kép này” - BS Sơn nhớ lại.

Để đảm bảo công việc chuyên môn, BS Sơn cho biết: “Đối với tôi, việc học tập thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn là một nhiệm vụ quan trọng của người thầy thuốc. Trong năm 2022, sau khi được đi đào tạo, chúng tôi đã thực hiện thành công chuyển giao kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) ở ca bệnh đầu tiên với sự giúp đỡ của các chuyên gia tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca bệnh xử trí ngay trong lúc nửa đêm để cứu bệnh nhân trẻ tuổi bị tai nạn giao thông. Bệnh nhân N.V.V (nam, 17 tuổi, ở Tân Hội, Đức Trọng), nhập viện lúc 21 giờ 54 phút ngày 22/10/2022; chẩn đoán: Suy hô hấp mức độ nguy kịch, chấn thương ngực, dập phổi hai bên; bệnh nhân được điều trị tích cực với sự hỗ trợ của hệ thống ECMO. Sau 12 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được xuất viện ngày 2/11/2022 trong niềm vui của gia đình bệnh nhân và chúng tôi có thêm nguồn động viên, khích lệ tinh thần”. 

Đối với lĩnh vực chống độc, BS Sơn cùng tập thể Khoa đã nỗ lực cứu chữa nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn nhập viện. Theo BS Sơn cho biết: Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã ghi nhận tình trạng bệnh nhân bị rắn lục cắn khá thường gặp, đặc biệt là vào mùa mưa. Trước khi có huyết thanh kháng nọc rắn, việc điều trị chủ yếu là giải quyết các rối loạn đông máu bằng các chế phẩm từ máu và một số trường hợp sưng nề chèn ép khoang phải rạch giải chèn ép trên nền rối loạn đông máu khá nguy hiểm.

Từ năm 2015, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng bắt đầu sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục trong điều trị bệnh nhân bị rắn lục cắn, bước đầu cho kết quả khả quan, không còn bệnh nhân phải rạch để giải chèn ép khoang, không có bệnh nhân rối loạn đông máu gây biến chứng xuất huyết nặng.

Từ thực tế, Thạc sỹ, BS Nguyễn Kỳ Sơn đã chủ nhiệm đề tài: “Nghiên cứu kết quả điều trị của huyết thanh kháng nọc rắn lục trên bệnh nhân bị rắn lục cắn tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 2021-2022”. Nghiên cứu nhằm hai mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân bị rắn lục cắn và đánh giá kết quả điều trị của huyết thanh kháng nọc rắn lục trên bệnh nhân bị rắn lục cắn.

Qua kết quả nghiên cứu, BS Sơn khuyến nghị cần giáo dục cộng đồng cách sơ cứu đúng và phải đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để theo dõi và điều trị khi bị rắn cắn. Truyền thông đến hệ thống y tế tuyến cơ sở và người dân về hiệu quả của huyết thanh kháng nọc rắn lục. Trong thực hành lâm sàng cần theo dõi sát bệnh nhân vì các rối loạn về đông máu cũng như tình trạng sưng nề có thể không xuất hiện ngay từ đầu; và cũng có thể xấu đi ngay cả khi đã sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn. Các bác sỹ cần thận trọng trước nguy cơ phản ứng phản vệ ở bệnh nhân được điều trị huyết thanh kháng nọc rắn.

Với những đóng góp tích cực trong quá trình công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, trong năm 2022, Thạc sỹ - BS Sơn vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Thạc sỹ - BS Sơn chia sẻ: “Để đạt được những thành tích nêu trên, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân, tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và sự động viên, ủng hộ của gia đình và đồng nghiệp. Xã hội ngày càng phát triển, chất lượng y tế cũng cần phải nâng cao, vì vậy, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, học tập để tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân”.