Di Linh: Nhiều nhiệm vụ đặt ra trong chuyển đổi số

NGỌC NGÀ 06:16, 27/02/2023

Sau những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn Di Linh đã có được những chuyển biến ban đầu và địa phương đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện.

Ứng dụng “Di Linh trực tuyến” - một trong những bộ phận của nhiệm vụ chuyển đổi số được phát huy có hiệu quả
Ứng dụng “Di Linh trực tuyến” - một trong những bộ phận của nhiệm vụ chuyển đổi số được phát huy có hiệu quả

Ông Vũ Thành Công - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Di Linh, cho biết: Năm 2022, với nhiều nỗ lực của các đơn vị, địa phương, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số dần đi lên. Huyện cũng đã gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành và địa phương tạo sự đồng thuận thực hiện trong cả hệ thống chính trị.

Các phần mềm ứng dụng như: phòng họp trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư công vụ, trang thông tin điện tử, chữ ký số, một cửa điện tử, trục liên thông… được thực hiện thông suốt từ cấp huyện xuống cấp xã.

Ứng dụng “Di Linh trực tuyến” được phát huy có hiệu quả. Trong năm 2022, tiếp nhận 66 phản ánh của người dân liên quan đến các lĩnh vực như: trật tự xây dựng; trật tự đô thị; an toàn giao thông, an ninh trật tự và môi trường được tiếp nhận và xử lý.

Hạ tầng công nghệ thông tin được đảm bảo để đáp ứng các yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cũng như phục vụ các nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, huyện Di Linh cũng đã có phương án để đào tạo nguồn nhân lực và tập huấn các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn an ninh thông tin để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số. 

Theo thống kê của UBND huyện Di Linh, hiện, 100% cấp huyện và các xã, thị trấn đã thực hiện xây dựng và kết nối phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử của huyện được triển khai thống nhất. Hoàn thành việc kết nối, liên thông Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đối với doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã đạt 100% sử dụng hóa đơn điện tử. Người dân sử dụng điện thoại ngày càng tăng, tạo thuận lợi cho công tác không dùng tiền mặt nói riêng và chuyển đổi số nói chung trên toàn huyện.

Kinh tế số cũng đã dần được hình thành khi chính quyền địa phương có nhiều giải pháp để tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia sàn thương mại điện tử voso.vn của Viettel và postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Ngành Nông nghiệp huyện Di Linh cũng đã phối hợp với các đơn vị đưa các sản phẩm nông nghiệp của các đơn vị trên địa bàn lên sàn giao dịch điện tử (sàn postmart) gồm: mắc ca, cà phê, sầu riêng.

Di Linh cũng đã triển khai thực hiện Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn toàn huyện. Hiện nay, 19/19 xã, thị trấn, 183/183 thôn, tổ dân phố đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.

Trong quá trình vừa thực hiện vừa hoàn thiện, huyện Di Linh cũng đã nhận thấy những khó khăn nhất định về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, dữ liệu số chưa được tạo lập toàn diện, người dân, doanh nghiệp còn e ngại khi tiếp cận, sử dụng các công cụ công nghệ số trong giao dịch với cơ quan Nhà nước nên còn tạo ra rào cản lớn trong quá trình triển khai chuyển đổi số…

Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh, khẳng định: Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và cần có thời gian dài để triển khai thực hiện, do đó trên cơ sở những chuyển biến tích cực và những khó khăn đặt ra, UBND huyện đã xây dựng những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả.

Huyện Di Linh xác định mục tiêu rà soát, đề xuất tối thiểu 70% và phấn đấu 80% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình. Tối thiểu 50% và phấn đấu 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến. Tối thiểu 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 50% trở lên…

Để đạt được mục tiêu nêu trên, hiện, huyện Di Linh đang đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Nhân lực được coi là giải pháp quan trọng, cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số, do đó địa phương này rất chú trọng việc thu hút nhân lực và đảm bảo các nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính.