Đổi thay ở xã nông thôn mới nâng cao Đạ Ròn

LÂM TRANG 06:14, 21/02/2023

Sau hơn 1 năm được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) nâng cao, bộ mặt nông thôn của xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương đã từng ngày đổi khác. Các ngả đường thôn, xóm được trải bê tông, thông thoáng, sạch sẽ; hệ thống đèn giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Người dân phấn khởi, hăng hái, thi đua học tập, lao động và sản xuất.

Các tuyến đường thôn, xóm đều được bê tông hóa, thuận tiện cho người dân đi lại
Các tuyến đường thôn, xóm đều được bê tông hóa, thuận tiện cho người dân đi lại

Cách trung tâm huyện Đơn Dương chừng 3,5 km về phía Tây, ở phía Bắc dòng Đa Nhim, xã Đạ Ròn với hơn 40% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số đang từng ngày thay da đổi thịt. Những con đường đất rẽ vào thôn, xóm được phủ bê tông sạch sẽ. Trước đây người dân trong xã vốn chỉ quen với cây khoai, cây bắp năng suất và thu nhập thấp thì nay đã được thay bằng những trang trại chăn nuôi bò sữa hiện đại và những cánh đồng trồng rau, củ áp dụng công nghệ cao xanh tươi. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất và phát triển kinh tế, thu nhập của người dân được cải thiện, những nếp nhà mới khang trang thay phiên mọc lên... “Những đổi thay đó là kết quả từ quá trình phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vùng đất Đạ Ròn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao”, ông Lê Đức Tiến - Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn chia sẻ.

Ông Tiến cho biết, năm 2015, xã Đạ Ròn được công nhận đạt chuẩn NTM. Phát huy những thuận lợi và thế mạnh riêng, địa phương tiếp tục nỗ lực, quyết tâm thực hiện NTM nâng cao. Đến năm 2021, Đạ Ròn đã hoàn thành được mục tiêu này. Để đạt được thành quả đó, ngay từ đầu năm, UBND xã đã quyết liệt thực hiện các nghị quyết của đảng ủy; phân công cán bộ chỉ đạo, phụ trách trên một số lĩnh vực quan trọng; tập trung mọi nguồn lực để đạt các chỉ tiêu đề ra với mốc thời gian cụ thể. Đồng thời, xã cũng tổ chức kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu cũng được địa phương triển khai sâu rộng. Xã đã lồng ghép các nội dung về xây dựng NTM trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi bộ, giúp người dân hiểu sâu hơn về lợi ích cũng như trách nhiệm của mỗi công dân; qua đó, nhận thức của người dân ngày một nâng cao. Các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, Phong trào thi đua “Lâm Đồng chung sức xây dựng NTM”, “dân vận khéo” luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con.

Về cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm; xã từng bước đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống giao thông, đường liên xã, liên thôn, trong đó, ưu tiên các công trình quan trọng, có tính chiến lược, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2020, Đạ Ròn đã huy động được hơn 50 tỷ đồng để làm đường và tu sửa, xây dựng các công trình khác. Đến nay, các tuyến đường thôn, xóm, nội đồng trên địa bàn xã đều được bê tông hoá, xanh - sạch - đẹp, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa của người dân. Toàn xã có 4/4 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó có 2/4 trường đạt chuẩn quốc gia; tất cả các trường đều xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Trên phương diện phát triển kinh tế, xã tập trung vào các thế mạnh như chăn nuôi bò sữa và trồng rau thương phẩm; đặc biệt là việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và mở rộng diện tích canh tác sử dụng công nghệ cao. Nhờ đó, đến nay, toàn xã có 5.300 con bò sữa trong tổng số 5.700 trâu, bò; 18 ha nhà kính, trong đó có 4 ha có hệ thống tưới thông minh. Đặc biệt, xã đã được công nhận là vùng chăn nuôi công nghệ cao, các khâu sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn xã đều được cơ giới hóa đồng bộ với sản phẩm chủ lực là sữa bò, tập trung ở Thôn 1, 2, 3, thôn D’Ròn, Suối Thông B1 và Suối Thông B2. Với hướng phát triển kinh tế bền vững, đầu tư đúng trọng tâm, đến cuối năm 2022, mức thu nhập của người dân Đạ Ròn đã tăng lên 72 triệu đồng/người/năm.

Để việc phát triển kinh tế ở địa phương bền vững, công tác giảm nghèo cũng được địa phương chú trọng. Theo đó, địa phương lồng ghép các nguồn vốn ưu đãi; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết những khó khăn, định hướng giải pháp thoát nghèo cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của địa phương giảm qua từng năm. Hiện, hộ nghèo của xã chỉ còn 5 hộ (trong đó, 4 hộ là đồng bào DTTS), chiếm tỷ lệ 0,24%; không còn hộ gia đình ở nhà tạm, nhà dột nát.

Với những kết quả đạt được, năm 2023, Đạ Ròn đặt ra mục tiêu đạt xã NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn cho biết, để hoàn thành lộ trình đề ra, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, đảm bảo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp; đồng thời, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, thông minh; chương trình mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...