Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

CHÍNH PHONG 05:39, 12/10/2023

Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính nhà nước. 

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 
Trong ảnh: Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng
UBND tỉnh yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong ảnh: Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng

Theo báo cáo từ Sở Nội vụ tỉnh, năm 2023, tổng số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là 31.172 người, trong đó công chức hành chính là 2.488 người, viên chức là 25.634 người và có 3.050 cán bộ, công chức cấp xã. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên, cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh, thực tế vẫn còn việc một số cán bộ, công chức, viên chức chấp hành sự chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm; vẫn còn có công việc, nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao các ngành, các cấp thực hiện còn chậm về tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. 

Trong đó, một bộ phận nhỏ công chức, đảng viên chưa thực sự chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan; một bộ phận đảng viên, công chức còn có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền; thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các đơn vị trực thuộc... Những biểu hiện trên trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm ảnh hưởng chung tới kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới. 

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong nghiên cứu và chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, trong những năm vừa qua, UBND tỉnh đã tập trung, quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và điều hành hoạt động. Mới đây nhất là Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 26/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc và tham mưu của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. 

Từ các chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị nhìn chung đã có nhiều chuyển biến và nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bên cạnh đó, đã giúp nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ, văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Trong công tác triển khai, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ ban hành các quyết định, kế hoạch và văn bản để đôn đốc các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về hoạt động công vụ, trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; kiểm tra về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đạo đức nghề nghiệp, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp huyện, cấp xã…

Trong năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xử lý kỷ luật 8 công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 59 viên chức và 18 cán bộ, công chức cấp xã. Năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xử lý kỷ luật 30 công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 63 viên chức và 38 cán bộ, công chức cấp xã. Và trong 5 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã xử lý kỷ luật 3 đồng chí là lãnh đạo 2 cơ quan hành chính cấp tỉnh, 1 Phó Chủ tịch UBND cấp huyện.

Về giải pháp tăng cường trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và công tác quản lý Nhà nước, hành lang pháp lý an toàn để có công cụ, cơ sở quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nhất là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Triển khai và thực hiện tốt chủ trương của Đảng trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế theo quy định của Nhà nước, nhất là đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.