Thực trạng công tác bảo vệ trẻ em ở Lâm Đồng

02:12, 29/12/2011

Trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị ngược đãi, bạo hành, đặc biệt trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Trong giai đoạn hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, trong đó công tác bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em cũng được coi là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhằm hướng đến tạo nguồn nhân lực dồi dào phục vụ đất nước trong tương lai.

Tại hội thảo đánh giá về thực trạng công tác trẻ em những năm gần đây, Lâm Đồng cũng là địa phương còn nhiều bất cập cần khắc phục. Công tác bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em bị ngược đãi, bạo hành, đặc biệt trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc (BV – CS) trẻ em chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhất là tại cơ sở, không có mạng lưới cộng tác viên làm công tác trẻ em ở địa bàn dân cư nên việc thu thập thông tin về trẻ em gặp nhiều khó khăn, số liệu thống kê về bảo vệ chăm sóc trẻ em không đầy đủ; công tác phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quyền trẻ em chưa kịp thời, việc hỗ trợ trẻ em bị xâm hại còn chậm và hạn chế.

Năm 2010, toàn tỉnh có 409.364 trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 16 tuổi, chiếm 34% dân số toàn tỉnh. Trong đó, trẻ em thuộc các hộ đói nghèo khoảng 35.000 em, trên 2.600 trẻ khuyết tật, 3.119 trẻ mồ côi không nơi nương tựa và khoảng trên 250 trẻ em lang thang, cơ nhỡ… con số này cho thấy công việc của những người, những ngành làm công tác xã hội không hề đơn giản.

10 năm trở lại đây (2001 - 2010) được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng nên về cơ bản công tác BV - CS trẻ em được triển khai khá đồng bộ, các mô hình, hoạt động can thiệp phát hiện và hỗ trợ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em nghèo… ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Hoạt động truyền thông, vận động và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện các quyền của trẻ em đã được triển khai đến tận cơ sở, hộ gia đình, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nguy cơ lang thang, nguy cơ lao động sớm, nguy cơ bỏ học, nguy cơ bị xâm hại, vi phạm pháp luật … Nhìn chung, các biện pháp, hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của từng nhóm đối tượng đã đem lại hiệu quả tích cực. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc chu đáo ngày càng tăng từ 73% năm 2000 lên 81% năm 2005 và 90% năm 2010.

Trẻ em được thụ hưởng chính sách trợ cấp theo Nghị định 67 và NĐ 13 của Chính phủ ngày càng tăng, năm 2010 có trên 3.000 trẻ em được hưởng chế độ này, tập trung ở các nhóm trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, nhiễm HIV…

Tại Lâm Đồng nhiều năm qua đã có và duy trì được rất nhiều mô hình chăm sóc tập trung dành cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ lang thang đường phố, giúp các em có điều kiện cơ bản được chăm sóc tốt, được đến trường học. Đó là các Làng trẻ S.O.S, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trường Hoa Phong Lan, Mái ấm Mai Sơn… Chăm sóc, giáo dục hàng ngàn trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK. Riêng đối với số trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em chưa ngoan được đưa về trường Giáo dưỡng số 4 để giáo dục, động viên giúp các em trở thành những thành viên tốt hơn, ngoan hơn.

Trao đổi với chúng tôi về những tồn tại, hạn chế và định hướng trong công tác Bảo vệ - chăm sóc trẻ em thời gian tới, bà Đoàn Thị Ngọc Ẩn - Phó Giám đốc sở LĐ - TB & XH cho biết: Với những tồn tại, hạn chế trong công tác BV - CS trẻ em thời gian qua, có thể nhìn nhận tổng quan rằng hiện nay chúng ta vẫn chưa tạo dựng được một môi trường sống thực sự an toàn và thân thiện cho trẻ em. Vai trò Bảo vệ - chăm sóc - giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng, trường học chưa được coi trọng; một phần do kiến thức, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính bản thân trẻ chưa đầy đủ, dẫn đến năng lực hạn chế, vì vậy trẻ em dễ trở thành nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Tình trạng trẻ em sống trong các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội…cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống, bị dụ dỗ lừa gạt dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc bị xâm hại.

Việc tạo dụng môi trường thân thiện với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh, hiện đại, khoa học cho trẻ em là việc vẫn cần được quan tâm, đẩy mạnh nhiều hơn. Các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn xã hội cấp tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, nhằm hướng đến đẩy mạnh công tác an sinh xã hội theo tinh thần chỉ đạo Chính phủ.

NGUYỆT THU