Đơn Dương: Vận động dân ở Lạc Lâm

09:12, 31/12/2014

Nhờ vận động cộng đồng dân cư cùng tích cực tham gia, xã Lạc Lâm - Đơn Dương sau hơn 3 năm phát động đã sớm hoàn tất các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương mình.

Nhờ vận động cộng đồng dân cư cùng tích cực tham gia, xã Lạc Lâm - Đơn Dương sau hơn 3 năm phát động đã sớm hoàn tất các tiêu chí nông thôn mới tại địa phương mình.
 
Nằm dọc quốc lộ 27, cách Thạnh Mỹ - trung tâm huyện, chừng 5km, Lạc Lâm là vùng sản xuất rau trọng điểm của huyện Đơn Dương. Hầu hết diện tích trong tổng số gần 500ha đất nông nghiệp của xã nơi đây trong nhiều năm nay được người dân chuyển sang trồng các loại rau thương phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất với trình độ khá cao. Thiếu đất mở rộng sản xuất, nhiều người nơi đây còn đi thuê đất ở các xã khác trong huyện để canh tác. Nhu cầu lao động của xã khá cao; trong nhiều năm nay, xã luôn có trên 800 lao động từ mọi nơi trong nước về đây tạm trú tìm việc làm thường xuyên với các nhà vườn. 
 
Tháng 3/2011, Lạc Lâm thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến cuối năm 2013 vừa qua, xã đã cơ bản hoàn tất toàn bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, trong năm 2011 xã hoàn thành 9 tiêu chí; năm 2012  hoàn thành thêm 5 tiêu chí và đến cuối năm 2013 vừa qua là 5 tiêu chí còn lại. Lạc Lâm được công nhận là xã nông thôn mới trong tháng 7-2014. 
 
Một trong những yếu tố giúp xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương như ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, chính là vận động được đông đảo cộng đồng dân cư trong xã cùng chung tay góp sức. Các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong xã, người dân trong các thôn đều vào cuộc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng cùng hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân xã đóng một vai trò hết sức quan trọng, vận động hội viên chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau trong giảm nghèo, cùng vươn lên làm giàu. Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vốn giúp nhau tăng thu nhập gia đình; Hội Cựu chiến binh xã vận động dân đóng góp tiền, công sức xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng, tu sửa đường giao thông nông thôn... Còn Đoàn Thanh niên xã thường xuyên ra quân bảo vệ môi trường, vận động dân vì một môi trường nông thôn không rác thải; sáng, xanh, sạch, đẹp…
 
Đặc biệt, toàn bộ 10/10 thôn của xã đã phát huy được tinh thần trách nhiệm trong việc tự giám sát các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, thành lập các nhóm quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình sau khi nghiệm thu bàn giao. Các thôn cũng tự tổ chức việc xây dựng các công trình hạ tầng do Ban quản lý xã giao thuộc địa bàn thôn như điện đường liên xóm, nhà văn hóa thôn; chủ động đóng góp và vận động mọi người cùng nhau làm các con đường trong thôn; cùng giữ gìn vệ sinh đường làng, không vứt rác bừa bãi tại nơi công cộng; cùng nhau đóng góp giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo trong thôn mình vươn lên.
 
Cho đến nay, diện mạo nông thôn Lạc Lâm đã thay đổi hết sức ngoạn mục, trong đó có sự đóng góp rất lớn của người dân trong xã. Chẳng hạn, trong xây dựng giao thông nông thôn, theo UBND Lạc Lâm, người dân trong xã đến nay đã đóng góp gần 9,6 tỷ đồng cho việc xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các con đường xã, đường làng, bê tông hóa các trục đường bao gồm 5,6km đường trục xã, gần 10km đường trục các thôn, 3,5km đường ngõ xóm, 5,5km đường ra đồng. Nay nhiều nhà vườn có thể vận chuyển phân bón, thu hoạch bằng xe tải đến tận ruộng. 
 
Cùng với đường sá, người dân còn đóng góp tích cực xây dựng hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Cụ thể như công trình nâng cấp hệ thống mương thoát nước từ quốc lộ 27 vào thôn Lạc Thạnh vừa được xây dựng gần đây với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó dân đóng góp 430 triệu đồng. Trong 3 năm phát động xây dựng nông thôn mới, trong tổng kinh phí xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng của xã trên 5,4 tỷ đồng thì người dân nơi đây đã đóng góp trên 800 triệu đồng. 
 
Lạc Lâm cũng là xã làm rất tốt xã hội hóa điện chiếu sáng nông thôn. Dọc theo những con đường bê tông trong xã hiện nay ban đêm đều có điện chiếu sáng. Để có công trình này người dân trong xã đã đóng góp khoảng 500 triệu đồng để lắp trụ, dây và bóng đèn cho gần 20km đường. Để có điện sản xuất, thôn Mrăng đã huy động người dân đóng góp 370 triệu đồng để kéo điện hạ thế phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tương tự, dân của các thôn Lạc Lâm Làng, Lạc Thạnh, Yên Khê Hạ cũng góp trên 500 triệu đồng để kéo gần 15km đường điện ra đến tận chân ruộng để phục vụ sản xuất.
 
Trong xây dựng cơ sở vật chất văn hóa cho các thôn cũng được người dân tích cực đóng góp. Cụ thể, người dân các thôn Tân Lập, Lạc Sơn, M’Răng, Hải Hưng, Quỳnh Châu Đông đã đóng góp gần 1 tỷ đồng để xây dựng các hội trường thôn. Hiện nay trên địa bàn xã 10/10 thôn đã có hội trường (nhà sinh hoạt cộng đồng). Toàn xã hiện có 5 sân bóng chuyền, 2 sân bóng đá, phong trào thể thao văn nghệ quần chúng khá phát triển.
 
Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới trong đầu năm 2011, Lạc Lâm còn 65 hộ nghèo, qua 3 năm với sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, đến nay chỉ còn 13 hộ (tỷ lệ 0,72%). Lạc Lâm hôm nay có thể nói là một xã vào hàng “giàu” của huyện Đơn Dương với thu nhập bình quân đầu người trên 41 triệu đồng/năm. 
 
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Lạc Lâm, một bài học xuyên suốt trong quá trình vận động dân xây dựng nông thôn mới nơi đây là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Như ông Tiến cho biết, xã luôn tập trung quyết liệt để thực hiện các tiêu chí bức xúc và thiết thực của dân, hướng đến việc nâng cao mức sống cho dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho người dân, vừa nuôi dưỡng sức dân, vừa được lòng dân, từ đó khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của dân và theo ông, đây chính là nhân tố quyết định cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã lâu nay.
 
VIẾT TRỌNG