Đà Lạt 40 năm sau ngày giải phóng dưới góc nhìn của một "Nhà Đà Lạt học"

10:04, 02/04/2015

Tình yêu dành cho mảnh đất, con người Đà Lạt vẫn luôn chảy trong người đàn ông 76 tuổi mà nhiều người gọi là "Nhà Đà Lạt học" - ông Nguyễn Hữu Tranh. Giờ trí nhớ ông đã giảm nhưng hằng ngày ông vẫn dành khá nhiều thời gian để đọc và tìm hiểu về Đà Lạt, Lâm Đồng.

Tình yêu dành cho mảnh đất, con người Đà Lạt vẫn luôn chảy trong người đàn ông 76 tuổi mà nhiều người gọi là “Nhà Đà Lạt học” - ông Nguyễn Hữu Tranh. Giờ trí nhớ ông đã giảm nhưng hằng ngày ông vẫn dành khá nhiều thời gian để đọc và tìm hiểu về Đà Lạt, Lâm Đồng.
 
Với mong muốn được nghe những nhận xét về những đổi thay của Đà Lạt sau 40 năm giải phóng của một người nghiên cứu chuyên sâu về Đà Lạt xưa và nay, đồng thời là người từng tham gia hoạt động binh vận trong Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thị xã Đà Lạt trước năm 1975, tôi tìm đến ông vào buổi chiều đầu tháng 4, khi chính quyền và nhân dân thành phố đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Lạt (3/4/1975 - 3/4/2015). 
 
Ở tuổi 76, ông Nguyễn Hữu Tranh vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về Đà Lạt
Ở tuổi 76, ông Nguyễn Hữu Tranh vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về Đà Lạt
 
Theo lời kể của ông thì so với trước giải phóng, Đà Lạt nay đã có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là đời sống của cư dân ở vùng ven. “Sau 40 năm giải phóng, chính quyền thành phố đã đặc biệt ghi dấu ấn đậm nét khi đã nỗ lực ổn định được các cư dân vùng nông thôn, mở rộng địa giới Đà Lạt ra các vùng ven như Thái Phiên (1975), Xuân Trường, Xuân Thọ (1979), đặc biệt là ổn định vùng đồng bào dân tộc ít người với việc sáp nhập thêm xã dân tộc ít người Tà Nung vào thành phố Đà Lạt, từ đó tích cực đầu tư, định hướng hỗ trợ đưa cuộc sống của người dân ở các xã vùng ven phát triển khá tốt về kinh tế” - ông Tranh nói. 
 
Ngoài ra, ông cũng cho biết, các vùng sản xuất nông nghiệp của Đà Lạt từ sau giải phóng cũng đã được kiến thiết lại, đường sá ở các khu vực trung tâm và đường thôn, xóm được sửa sang, làm mới, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và giao thương hàng hóa. Hệ thống lưới điện đưa vào phục vụ nông thôn và sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng theo hướng hiện đại cũng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, giải trí của người dân. 
 
Nếu trước năm 1975, rau hoa ở Đà Lạt chủ yếu là trồng nhỏ lẻ để bán cho vùng Sài Gòn và một vài nơi ở miền Trung, thì sau 40 năm, ngành nông nghiệp của Đà Lạt đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng và đa dạng về chủng loại. “Vùng ven bây giờ dân còn giàu có hơn xưa. Như Xuân Trường chẳng hạn, ngày xưa nghèo lắm, giờ tôi thấy còn giàu hơn cả dân thành phố. Đời sống nông thôn tiến bộ vượt bậc nhờ định hướng và đầu tư giao thông nông thôn khá tốt. Nếu trước năm 1975, ở Đà Lạt chỉ có duy nhất một nông trại chăn nuôi lớn của một người Pháp, thì sau 40 năm giải phóng, chính người Đà Lạt đã làm chủ được mảnh đất của mình. Đà Lạt đã trở thành “mảnh đất lành” của người Việt từ Bắc tới Nam đến đây xây dựng kinh tế. Hiện nay, Đà Lạt đã có những nông trại chăn nuôi, các trang trại hoa, rau hiện đại đem đến lợi nhuận hàng tỷ đồng cho nông dân”.
 
Một điểm phát triển nổi bật nữa ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh đó là sự đổi thay của ngành du lịch. “Nếu như trước đây, du lịch Đà Lạt chỉ chủ yếu phục vụ những người thuộc tầng lớp quí tộc thì ngày nay, Đà Lạt đã trở thành điểm du lịch dành cho mọi người Việt và du khách quốc tế. Trước năm 1975, chỉ có 2  hãng du lịch chính tổ chức các tour du lịch đến Đà Lạt bằng đường hàng không với số lượng du khách hạn chế và số điểm du lịch cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay như: Hồ Suối Vàng, Thác Camly, Hồ Than thở, Thung lũng Tình Yêu, Thác Prenn… thì hiện nay, du lịch Đà Lạt đã phát triển vượt bậc nhờ nhà nước chú trọng đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường giao thông nối với các tỉnh trong khu vực và nâng cấp Sân bay Liên Khương để phá thế “độc đạo” về giao thông. 
 
Tuy nhiên, ngoài những mặt được, trong cái nhìn của nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh, lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Lạt cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch tổng thể để xây dựng Đà Lạt mãi mãi đẹp, xanh, sạch. Quan tâm hơn nữa đến lưu giữ và phát triển về văn hóa đời sống để giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa vốn có truyền thống lâu đời xưa nay của người Đà Lạt.
 
NGUYỄN NGHĨA