Tình người ở lại…

08:05, 01/05/2015

Mưa, lốc quét qua mang đi bao nhiêu tiền của mà nhà nông đầu tư vào vụ mùa, hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng. Nhưng rồi chính những nơi mưa bão đi qua ấy, trong mất mát vẫn còn chút ấm áp của tình người. 

Những ngày đầu mùa mưa chưa bao giờ ảm đạm hơn thế… sau bao ngày nắng hạn mong mưa thì bà con nông dân Lâm Đồng lại không kịp trở tay với những trận mưa đầu mùa kèm mưa đá và lốc xoáy liên tiếp “giáng” xuống nhiều nơi trong tỉnh. Mưa, lốc quét qua mang đi bao nhiêu tiền của mà nhà nông đầu tư vào vụ mùa, hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng. Nhưng rồi chính những nơi mưa bão đi qua ấy, trong mất mát vẫn còn chút ấm áp của tình người. 
 
Các lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả sau mưa đá, lốc xoáy
Các lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả sau mưa đá, lốc xoáy

Đến xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương một ngày sau trận mưa đá, lốc xoáy, trái với những cảnh đổ nát mà chúng tôi nghĩ đến trên suốt quãng đường đến vùng được coi là “tâm” lốc ngày 20/4. Dường như nỗi đau đã nguôi ngoai phần nào ở xã có đa số đồng bào dân tộc thiểu số (Kơ Ho, Churu) này. Cùng với sự tất bật của các lực lượng giúp dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, bà con cũng dần lấy lại tinh thần. Bà Mô Nít (thôn Ka Rái, xã Ka Đơn) ngậm ngùi: “Nhờ chính quyền, bộ đội, công an… đến giúp đỡ kịp thời nên gia đình tôi cũng thấy ấm lòng. Thôi, người không bị sao là tốt rồi, của cải mất vẫn còn làm lại được”. 
 
Nhà bà Mô Nít cùng chung cảnh ngộ với 11 hộ khác trong thôn Ka Rái và 57 hộ toàn xã Ka Đơn bị lốc xoáy cuốn bay mái, hư hỏng nặng. Già K’ Tiêng (thôn Ka Đe, Ka Đơn) không giấu được xúc động, chia sẻ: “Nhà thì hỏng nặng, vườn cà chua và xà lách sắp cho thu hoạch cũng coi như mất trắng. Nhưng trong hoạn nạn mới thấy tình làng nghĩa xóm. Đêm trước, nhà tôi 11 người tá túc ở nhà hàng xóm. Còn bộ đội, công an thì trời vừa tạnh họ đã đến từng nhà giúp dân rồi”. Trong đôi mắt thoáng buồn của già làng đã đi qua hơn 70 mùa rẫy ấy, của cải mất rồi nhưng có lẽ tình người lúc hoạn nạn sẽ là câu chuyện mà sau này già kể tiếp cho con cháu. 
 
Trong cái nắng buổi sáng của xứ rau Đơn Dương, hơn 200 chiến sỹ bộ đội, công an, cùng hàng trăm người của lực lượng dân quân, bà con trong xóm đang khẩn trương chia nhau dọn dẹp, sửa nhà giúp dân. Trung tá Lê Quốc Huy - Phó Chỉ huy tham mưu trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đơn Dương vừa kéo tấm tôn lợp chuyền lên phía trên, vừa chia sẻ: “Khi nghe tin, chúng tôi báo cáo huyện và điều động ngay 150 chiến sĩ, phối hợp lực lượng công an vào xã giúp dân khắc phục hậu quả. Nhìn thấy cảnh nhà cửa, vườn tược hoang tàn vì lốc xoáy của bà con mà rơi nước mắt. Nhà hỏng, cây trồng thì mất hết, đau lắm chứ!”.
 
Ông Lê Hữu Túc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, cho biết: Ngoài việc huy động các lực lượng giúp dân, huyện sẽ chi ngân sách hỗ trợ từ 3 triệu đến 7 triệu đồng mỗi hộ tùy theo mức độ thiệt hại đối với các hộ dân bị tốc mái nhà do cơn lốc xoáy và mưa đá ngày 20/4 gây ra.
 
Trong khi bà con huyện Đơn Dương đang khắc phục hậu quả do mưa lốc gây ra thì cũng buổi chiều hôm ấy (22/4), mưa đá kèm lốc xoáy lại “giáng” xuống khu vực phía Nam Lâm Đồng. Hơn 170 căn nhà ở 2 huyện Đạ Huoai và Bảo Lâm bị lốc xoáy làm hư hỏng là hơn 170 gia đình đối mặt với cảnh “màn trời chiếu đất”. Anh Khúc Tường Giao (khu phố 3, thị trấn Mađaguôi) có nhà ở bị tốc mái, nghẹn ngào: “Gió mạnh đến nỗi dàn tôn nhà tôi dài hơn 5 mét, ngang 10 mét gắn cả đòn tay gỗ dính vào đó mà bay tầm đến 40-50 mét. Các vật dụng trong nhà ướt hết, nhưng nhà tôi vẫn còn may so với những nhà sập hoàn toàn”. 
 
Mất mát, đau buồn là vậy, nhưng ngay trong đêm hôm đó và những ngày tiếp theo, người dân Đạ Huoai, Bảo Lâm lại “gượng dậy” cùng các lực lượng hỗ trợ dọn dẹp và tìm cách khắc phục hậu quả. Tình quân, dân, tình hàng xóm lại ấm hơn bao giờ hết giữa cảnh mất mát, hoang tàn ngày bão qua. Nồi cơm nhà hàng xóm những ngày này đầy thêm một chút, chiếc giường lại như rộng thêm ra, giọt nước mắt gạt vội an ủi nhau cùng vượt qua, cứ thế người dân cùng nhau vượt qua hoạn nạn…
 
Ông Trịnh Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết: Ngay từ đêm 21/4, huyện đã huy động các lực lượng quân sự, dân quân tự vệ, thanh niên… lập tức đến hỗ trợ các gia đình bị nạn. Lo nhất là những nhà bị sập, sắp xếp chỗ ăn ở cho bà con, rồi giúp các hộ dân bị tốc mái nhanh chóng sửa chữa nhà cửa cho người dân. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ 4 hộ bị sập nhà 5 triệu đồng mỗi hộ và 3 triệu đồng cho các nhà bị tốc mái hoàn toàn. Thật sự thiên tai bất ngờ quá, tuy buồn vì mất mát nhưng chúng tôi cùng người dân vẫn động viên để bà con vượt qua, ổn định cuộc sống.
 
Không chỉ người dân tại các huyện, thành phố bị thiên tai cùng sẻ chia với các gia đình bị thiệt hại mà khắp nơi trong tỉnh, mọi người cùng lo lắng hướng về vùng bị thiên tai. Chị Mai Ngọc Anh (P1, Đà Lạt) tâm sự: “Ngày nào tôi và nhiều người dân trong khu phố cũng đều theo dõi tin tức qua báo, đài để biết tình hình mưa đá, lốc xoáy. Cứ chiều đến mà trời mưa là chúng tôi lại lo, cứ sợ mưa đá lại xuất hiện ở vùng nào nữa. Nghĩ đến những gia cảnh đang lao đao vì mất nhà, mất vườn mà xót xa quá”.
 
Chưa năm nào mưa đá, lốc xoáy ập đến Lâm Đồng nhiều và dữ dội đến như vậy. Chưa đầy 20 ngày mà 4 lần thiên tai giáng xuống. Chính quyền địa phương, các lực lượng ngay sau đó đã và đang tìm mọi cách giúp đỡ người dân khắc phục các thiệt hại. Của cải đã mất đi rồi, buồn đấy, tiếc đấy, nhưng tin rằng, bằng nghị lực và sự kiên cường vốn là đức tính truyền thống của người Việt, bà con vùng mưa lốc sẽ vững vàng vượt qua. Bởi chính những lúc ngặt nghèo nhất vẫn có những người hàng xóm, bộ đội, công an, thanh niên… luôn sẵn sàng giúp đỡ, động viên những người gặp nạn. Rồi đây, vườn rau sẽ lại xanh, những căn nhà khang trang rồi sẽ lại mọc lên, nụ cười sẽ lại nở trên môi, mọi mất mát, đau buồn rồi sẽ qua đi, nhưng tình người thì sẽ mãi ở lại…
 
DIỄM THƯƠNG