Bài toán phát triển nguồn nhân lực y tế

09:06, 03/06/2015

Nhu cầu về cán bộ đại học y dược của ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng rất bức thiết, nếu chỉ trông chờ vào nguồn đào tạo chính quy hàng năm của các trường đại học y dược trong nước trở về địa phương công tác thì không thể đáp ứng được nguồn cán bộ cho ngành. 

Nhu cầu về cán bộ đại học y dược của ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng rất bức thiết, nếu chỉ trông chờ vào nguồn đào tạo chính quy hàng năm của các trường đại học y dược trong nước trở về địa phương công tác thì không thể đáp ứng được nguồn cán bộ cho ngành. 
 
Gương mặt các tân BS về Lâm Đồng công tác năm 2014
Gương mặt các tân BS về Lâm Đồng công tác năm 2014

Đến năm 2015, tổng số lao động trong toàn ngành Y tế Lâm Đồng dự kiến khoảng 6.110 người, tăng 1.678 người so với năm 2013. Trong đó, 1.070 bác sĩ và 144 dược sĩ đại học (DSĐH). Chỉ số nhân lực y tế tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2015 đạt 7 BS/vạn dân, 1 dược sĩ đại học/vạn dân, 100% xã có bác sĩ. Dự kiến đến năm 2020, tổng số lao động ngành Y tế địa phương khoảng 8.620 người, tăng 2.510 người so với năm 2015. Trong đó, có 1.470 bác sĩ (đạt 8 BS/vạn dân) và 230 DSĐH (đạt 1,2 DSĐH/vạn dân). Giai đoạn 2016 - 2020, số cán bộ y tế cần đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cao (bác sĩ chuyên khoa, đào tạo sau đại học) là 716 người, chiếm 11% - 12% tổng số cán bộ ngành Y tế địa phương. Nếu tính từ cuối năm 2013, toàn ngành Y tế Lâm Đồng có 734 BS và 39 DSĐH, đến năm 2015 cần bổ sung thêm 336 BS và 105 DSĐH (chưa cộng số giảm mỗi năm khoảng 10%). Như vậy, nguồn nhân lực bác sĩ và dược sĩ đại học bổ sung lấy từ đâu?
 
Bổ sung, điều chỉnh chính sách 
 
Theo Hướng dẫn 572 của Sở Nội vụ (ngày 24/6/2013) về việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lâm Đồng thì CBCCVC muốn được cử đi đào tạo phải có thời gian công tác từ 5 năm trở lên là khá dài đối với nhân lực y tế. Ngoài ra, các điều kiện khác như: tuổi đời, phải đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở là chưa thật sự phù hợp với ngành Y tế, gây khó khăn khi nhu cầu cử những cán bộ trẻ, có năng lực đi đào tạo để sử dụng lâu dài.
 
Để phát triển nguồn nhân lực y, dược có trình độ cao trong cộng đồng người dân tộc thiểu số của tỉnh, vừa tạo nguồn cán bộ y tế ổn định bền vững để phục vụ tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm cần có kế hoạch khuyến khích, định hướng cho học sinh đang học các Trường Dân tộc nội trú trong tỉnh dự thi vào các khối ngành Y, Dược bậc cao đẳng, đại học.
Đối với bác sĩ tuyến xã, phường, thị trấn, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trạm y tế có bác sĩ công tác thường xuyên tại trạm. Toàn ngành hiện có 115 bác sĩ thuộc định biên trạm y tế/148 xã, phường, thị trấn; trong đó có 77 bác sĩ thuộc các xã khó khăn của tỉnh. Đến năm 2015 cần bổ sung thêm 33 bác sĩ cho tuyến xã, trong đó có 30 bác sĩ bổ sung cho các xã vùng khó khăn để nâng tỉ lệ xã có bác sĩ từ 78% (năm 2014) lên 100% (năm 2015). 
 
Thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Sở Y tế đã xây dựng Đề án về phát triển nhân lực y tế đến năm 2015 và định hướng năm 2020. Kết quả từ năm 2010 đến hết năm 2014, ngành Y tế Lâm Đồng đã đào tạo nâng cao trình độ và chuẩn hóa 984 lượt cán bộ, cụ thể: 107 sau đại học, 186 đại học, 19 trung cấp, 110 người đào tạo về chính trị, bồi dưỡng chuyên môn cho 304 lượt người. Ngoài ra, từ năm 2009 - 2014, thực hiện Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tỉnh Lâm Đồng” đã có trên 1.200 lượt cán bộ tuyến tỉnh và 1.300 lượt cán bộ y tế tuyến huyện được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. 
 
Đào tạo mới nhân lực được thực hiện từ 2 nguồn cơ bản là: Đào tạo cử tuyển tại Học viện Quân Y, từ năm 2003 - 2008 đã cử đi 6 khóa với 109 sinh viên cử tuyển. Đến nay đã có 85 người tốt nghiệp bác sĩ, trong đó có 67 bác sĩ là đồng bào dân tộc thiểu số. Các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đều được ngành Y tế cử cán bộ đón và tổ chức phân công công tác đến các Trung tâm Y tế huyện trên địa bàn. Trong quá trình công tác, có 4 bác sĩ xin chuyển ra khỏi tỉnh; hiện có 80 bác sĩ cử tuyển được phân bố tại các tuyến như sau: tuyến tỉnh 1 BS, tuyến huyện 44 BS, tuyến xã 35 BS và còn 20 người đang học bác sĩ cử tuyển sẽ tốt nghiệp trong năm 2015. Còn nguồn đào tạo theo địa chỉ sử dụng hệ chính quy (số học sinh trên điểm sàn và dưới điểm tuyển của trường, có hộ khẩu tại Lâm Đồng, được UBND tỉnh cử đi học, cam kết sau khi học xong phải về địa phương công tác), từ năm 2008 đến nay đã cử đi 5 khóa với 153 người, trong đó: học bác sĩ các ngành có 116 người, học dược sĩ đại học 36 người và học cử nhân vật lý trị liệu 1 người. 
 
Trong 2 nguồn đào tạo nhân lực mới cho ngành Y tế địa phương, qua thực tiễn sử dụng, đánh giá chất lượng hiệu quả công tác thì cần tiếp tục duy trì và mở rộng hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng hệ chính quy, giảm dần hình thức đào tạo theo chế độ cử tuyển theo Nghị định 134 của Chính phủ để từng bước vừa phát triển về số lượng vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế có trình độ đại học.
 
Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực y tế tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều lĩnh vực còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, thiếu cán bộ chuyên ngành hiếm như lao, phong, tâm thần… Trong công tác đào tạo cử tuyển theo Nghị định 134/2006/NĐ-CP đầu vào không qua thi tuyển nên chất lượng không cao; thời gian công tác bắt buộc sau khi tốt nghiệp còn ít (quy định 60 tháng), mức bồi thường học phí còn thấp (quy định 1 lần). Một bộ phận cán bộ y tế trẻ được đào tạo chính quy, có chuyên môn giỏi lại có xu hướng muốn chuyển ra khỏi cơ quan nhà nước, ra ngoài tỉnh; nhiều học sinh học y dược nhưng không muốn về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp. 
 
Theo TS Phạm Thị Bạch Yến, TUV - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng, để phát triển nhanh số lượng và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực y tế trong thời gian tới cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về đào tạo, đào tạo lại; về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và chính sách thu hút lao động chất lượng cao từ các địa phương khác đến công tác tại Lâm Đồng. Giải pháp quan trọng là tiếp tục cử cán bộ trong ngành đi đào tạo sau đại học các chuyên ngành hiếm, đào tạo liên thông các ngành bác sĩ, dược sĩ tại các trường, đào tạo theo địa chỉ sử dụng theo kế hoạch. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, đào tạo lý luận chính trị cho các trường hợp đã được phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2015 - 2020. Tăng mức thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực cao để có thể thực hiện hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác về Lâm Đồng công tác.
 
DIỆU HIỀN