Ánh sáng cho người nghèo

09:08, 10/08/2015

Người mù chủ yếu là người nghèo tập trung ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt. Hàng năm, Lâm Đồng chỉ giải quyết mổ được khoảng 1.200 ca mắt bị mù do đục thủy tinh thể, như vậy mới chỉ giải quyết được 1/14 số mù tồn đọng, chưa giải quyết được số người bị mù mới phát sinh.

Người mù chủ yếu là người nghèo tập trung ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt. Hàng năm, Lâm Đồng chỉ giải quyết mổ được khoảng 1.200 ca mắt bị mù do đục thủy tinh thể, như vậy mới chỉ giải quyết được 1/14 số mù tồn đọng, chưa giải quyết được số người bị mù mới phát sinh.
 
Dự án FHF Lâm Đồng tổ chức đợt khám sàng lọc bệnh đục thủy tinh thể miễn phí cho phụ nữ xã Lạc Xuân - Đơn Dương
Dự án FHF Lâm Đồng tổ chức đợt khám sàng lọc bệnh đục thủy tinh thể miễn phí cho phụ nữ
xã Lạc Xuân - Đơn Dương

Tham gia nhiều đợt chăm sóc mắt tại cộng đồng, chúng tôi nhận thấy đa số người dân đến khám mắt là phụ nữ và người cao tuổi. Nhiều người nghèo giảm thị lực nhưng không có khả năng để chữa trị kịp thời, cứ để tự nhiên và như vậy bệnh càng thêm nặng dẫn đến mù lòa. Bà Hoàng Thị Tiềm, 64 tuổi ở thôn Quảng Bằng, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà đến khám mắt miễn phí cho biết: “Hai mắt của tôi đều bị mờ, mắt trái đã mổ 1 lần trong một đợt mổ mắt từ thiện ở Lâm Hà lâu rồi. Mổ xong rồi mắt bị ngứa; nhìn mờ, cứ đi mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ chứ không đi bác sĩ”. Bác sĩ chuyên khoa mắt đã khám cho bà Tiềm và cho biết mắt phải còn nhìn được và khuyên bà thường xuyên rửa mắt và nhỏ thuốc từ số thuốc cấp miễn phí trong đợt khám này.  Bà Nung Thị Cháu, 84 tuổi cũng ở Phi Tô đến khám mắt kể bệnh: “Mắt tôi đã mổ một con bên phải 7 năm rồi, đầu tiên thấy sáng, bây giờ nó mờ rồi, mắt trái nhìn vẫn tốt”. Bà Cháu cho biết nơi chăm sóc sức khỏe nói chung và mắt nói riêng là trạm y tế, cứ hễ bà thấy đau là ra trạm lấy thuốc. Ông K’Chày, 83 tuổi, cho biết mắt ông nhìn được hơi mờ và đây là lần đầu tiên trong đời ông đi khám mắt. 
 
Khoảng 2/3 số người mù là phụ nữ
 
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính trên thế giới có khoảng 285 triệu người bị suy giảm thị lực đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của họ, trong đó có khoảng 39 triệu người mù nhưng 80% trong số đó lẽ ra đã được phòng tránh và chữa trị kịp thời. Tỉ lệ suy giảm thị lực tại các nước đang phát triển cao gấp 5 lần so với các nước phát triển vì đói nghèo vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của mù lòa. Khoảng 65% người suy giảm thị lực là người trên 50 tuổi nên khi tuổi thọ dân số tăng thì số người suy giảm thị lực sẽ gia tăng. Khoảng 2/3 số người mù là phụ nữ và họ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc mắt, khoảng 19 triệu trẻ em bị suy giảm thị lực và hàng năm có thêm 500.000 em mắc mới, trong đó 90% trẻ phải nghỉ học.
Hỏi thăm các bệnh nhân, mỗi người là một câu chuyện kể về đôi mắt của mình, người thì nhìn mờ; người thì bị xốn, cộm trong mắt hay dùng tay dụi vào mắt; có những trường hợp học sinh tiểu học bị nhược thị không chữa được nữa khiến bác sĩ lắc đầu vì nếu can thiệp sớm trước 8 tuổi thì các cháu đã không bị nhược thị (do tật khúc xạ, lác, sụp mi nhưng không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời dẫn đến bị nhược thị). Phần lớn người dân nghèo đều chỉ trông đợi vào các đợt khám mắt từ thiện và có đến 60-70% trường hợp khám bị viêm bờ mi dẫn đến ngứa, dính mi mà y tế tuyến huyện, xã hầu như không xử lý. Thạc sĩ - BS chuyên khoa mắt Phạm Thị Hạnh - Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng, cho biết: Các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, tật khúc xạ, glocom, giảm thị lực do võng mạc tiểu đường đều có thể phòng chữa được bằng cách đeo kính, mổ đục thủy tinh thể, phát hiện điều trị sớm sẽ không giảm thị lực. Phòng trách các bệnh về mắt tốt nhất là thường xuyên khám mắt kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần để can thiệp sớm không dẫn đến mù lòa. 
 
Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh đã tiến hành điều tra khoa học cho thấy: Toàn tỉnh tỉ lệ mù 2 mắt ở người trên 50 tuổi là 5,83% như vậy có khoảng 9.445 người mù; tỉ lệ thị lực thấp ở 2 mắt là 19,5% với khoảng 31.600 người thị lực thấp. Nguyên nhân gây mù chủ yếu là đục thủy tinh thể chưa được mổ chiếm 71,4%, tương ứng khoảng 6.783 người mù 2 mắt chưa được mổ trong cộng đồng. Người mù mắt do bị bệnh bán phần sau chiếm 7,8% và do tật khúc xạ chiếm 1,3%. Số người mù do đục thủy tinh thể mới phát sinh hàng năm khoảng 0,1% dân số, ước tính Lâm Đồng mỗi năm có thêm khoảng 1.267 người bị mù do đục thủy tinh thể. Người mù chủ yếu là người nghèo tập trung ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt. Hàng năm, tại tỉnh Lâm Đồng chỉ giải quyết được khoảng 1.200 ca mắt bị mù do đục thủy tinh thể, như vậy mới chỉ giải quyết được 1/14 số mù tồn đọng, chưa giải quyết được số người bị mù mới phát sinh. Để giải quyết được số mù do đục thủy tinh thể thì ít nhất hàng năm phải mổ được 2.500-3.000 ca đục thủy tinh thể /triệu dân. Ước tính tỉ lệ tật khúc xạ ở trẻ em là 20% thì Lâm Đồng có khoảng 50.000 trẻ bị tật khúc xạ cần đeo kính.
 
Dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng” do tổ chức FHF tài trợ với tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng đã mở ra nhiều cơ hội cho người nghèo được chăm sóc mắt, với nhiều đợt khám mổ đục thủy tinh thể miễn phí, phòng chống khúc xạ học đường cho học sinh cấp 2 và đặc biệt hướng đến phát triển mạng lưới chăm sóc mắt từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện thông qua việc đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực nâng cao các dịch vụ chăm sóc mắt góp phần giảm thiểu số người bị mù có khả năng phòng chữa được. Phòng mổ chuyên khoa mắt tại Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng được đầu tư các trang thiết bị đầy đủ để tiến hành các ca phẫu thuật đục thủy tinh thể tại chỗ. Bên cạnh đó, nhờ đào tạo và chuyển giao kỹ thuật của dự án FHF, đến nay, các bệnh viện của Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà đã tiến hành mổ đục thủy tinh thể được cho người dân ở cơ sở. Trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, dự án FHF tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành 14 đợt khám sàng lọc mắt, tư vấn cho 4.696 bệnh nhân, mổ đục thủy tinh thể cho 131 bệnh nhân, mổ 43 ca mộng mắt trong đó có nhiều bệnh nhân bị mù do mộng lớn che hết đồng tử; khám khúc xạ học đường cho 6.421 học sinh, phát hiện 1.011 học sinh giảm thị lực. Dự án FHF tỉnh đã vận động Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ cấp kính miễn phí cho học sinh. Các chi phí phẫu thuật hoàn toàn miễn phí và bệnh nhân được giúp các suất ăn từ thiện, hỗ trợ xe đưa đón đi lại. Các đợt khám sàng lọc đục thủy tinh thể tại cộng đồng, dự án đều tư vấn cấp thuốc miễn phí cho người dân.
 
DIỆU HIỀN