Giọt nước mắt của mẹ vô tình đánh rơi

10:08, 27/08/2015

Lúc nhỏ, vào tháng bảy âm lịch hằng năm, lũ trẻ con chúng tôi thường được người lớn dặn dò đủ thứ vì đây là tháng dành cho người cõi âm - tháng cô hồn. Cứ đến chiều chạng vạng, mẹ tôi lại... nhốt rịt tôi và mấy đứa em ở trong nhà, không cho đứa nào ra khỏi cửa. Bà bảo: "Giờ này, hồn bắt đầu đi ăn rồi đấy! Ra ngoài, nguy hiểm lắm!". Cả tháng trời, đêm nào chúng tôi cũng bị "nhốt" như thế. 

I.
Lúc nhỏ, vào tháng bảy âm lịch hằng năm, lũ trẻ con chúng tôi thường được người lớn dặn dò đủ thứ vì đây là tháng dành cho người cõi âm - tháng cô hồn. Cứ đến chiều chạng vạng, mẹ tôi lại... nhốt rịt tôi và mấy đứa em ở trong nhà, không cho đứa nào ra khỏi cửa. Bà bảo: “Giờ này, hồn bắt đầu đi ăn rồi đấy! Ra ngoài, nguy hiểm lắm!”. Cả tháng trời, đêm nào chúng tôi cũng bị “nhốt” như thế. 
 
Cứ vào lúc chạng vạng, khi cánh cửa nhà trên được mẹ tôi đóng kín thì cũng là lúc nồi cháo trắng to đùng của bà ngoại tôi ở dưới bếp sôi sùng sục sắp chín. Nồi cháo của ngoại tôi chỉ có gạo tẻ nêm nhúm muối hột. Những năm ấy đói kém là vậy nhưng cứ hễ đến tháng cô hồn, ngoại tôi lại lôi từ trong góc bếp ra hũ gạo mà sau này tôi biết là ngoại đã “bỏ hũ” hàng năm trời để nấu cháo, đủ để nấu đến cả tháng. Nấu cháo xong, bà ngoại tôi lại trút hết vào cái hũ sành to mang lủng lẳng trên vai cùng với xấp lá chuối khô (có sẵn trong vườn) rồi mở cửa sau ra vườn, rồi sau đó ra khỏi cổng đi về phía đầu làng. Từ trong nhà, qua khe hở, tôi nhìn thấy dáng ngoại liêu xiêu trên con đường làng với lủng lẳng hũ cháo trắng trên vai. 
 
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc...! - Ảnh: Nguyễn Trọng Nhân
Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc...! - Ảnh: Nguyễn Trọng Nhân
 
Mẹ tôi giải thích: “Cái tháng này là cái tháng mà mỗi năm một lần ở dưới âm phủ người canh ngục mở cửa cho hồn người chết đi lên trên trần gian kiếm ăn nên ai mà ra đường thì sẽ bị ma nhập vào người, thành người điên dại, hoặc bị chết vì ma bắt đi...”. Bà còn dặn tôi là rủi đi đâu về nhà lúc chạng vạng, cho dù có nghe ai đó gọi đúng tên mình cũng không được ngoảnh mặt về phía sau, vì đó có thể là hồn ma nó gọi. Rồi nữa, trên đường đi, không được nhặt bất cứ thứ gì, kể cả đó là đồng tiền. Rồi, ở chỗ xó xỉnh bóng tối là chỗ ma nấp, con người ta không nên vào. Trong đầu óc non nớt của tôi bỗng lóe lên suy nghĩ: “Sao ngoại tôi già yếu rồi, dễ bị hồn bắt hơn, nhưng vẫn “được phép” ra ngoài; còn tôi, là con trai, lại phải... sợ?”. Rồi nữa, cứ chạng vạng là ngoại tôi mang cháo đi, đi đâu vậy, mang cho ai...? Bữa nọ, biết nồi cháo của ngoại sắp sôi, tôi vờ đi ngủ sớm. Mẹ tôi đi ra phía phòng ngoài. Chỉ chờ có vậy: Tôi rón rén mở cửa phòng, đi xuống bếp và nấp vào cái lu to trong xó nhà. Khi ngoại tôi bước ra khỏi bếp với lủng lẳng nồi cháo trắng trên vai, tôi... bí mật đi theo bà. Trời nhá nhem. Ngoại tôi mắt kém, tai kém nên không thể biết rằng phía sau có thằng cháu “trời đánh” đi theo. Ngoại tôi cứ thế, với nồi cháo trắng, bà đi đến từng gốc cây to cây nhỏ, đến từng bụi rậm bụi thưa... và nơi cuối cùng là gốc cây đa cổ thụ nơi đầu làng. Đến đâu, ngoại tôi lại đặt mảnh lá chuối xuống đất, rồi múc ra một vài muỗng cháo trắng... Vừa làm, bà vừa khấn... Giọng khấn của ngoại tôi vẫn còn trong đầu tôi cho đến tận giờ. Đại ý bà khấn rằng “kẻ trôi sông người lạc chợ, kẻ mất mồ người mất mả...” biết đường mà tìm về để “no say”!
 
Bỗng, tôi nghe từ phía sau có ai đó gọi đúng tên tôi. Nghe kỹ, đó đúng là tiếng của mẹ tôi. Đêm những ngày đầu tháng, trời tối đen như mực. Nhớ lại lời mẹ dặn không được quay đầu lại nhìn, tôi cứ thế cắm đầu chạy. Nhưng, tôi không thể chạy ngược để trở về nhà mà phải “chạy thẳng” ra phía cánh đồng làng mông quạnh. Tôi nhanh chân nấp vào một ụ mối bên bờ ruộng rồi he hé mắt nhìn “con ma” đang đuổi theo và réo gọi tên tôi. Tuy là trong đêm tối nhưng tôi vẫn dễ dàng nhìn thấy và nhận ra đó là dáng của mẹ tôi và cả dáng của ngoại tôi cùng với giọng khàn đặc và sợ hãi của họ song tôi vẫn im lặng và nhắm mắt lại vì... không dám tin, vì nghĩ đó là ma nó giả mẹ tôi và ngoại tôi.
 
Chờ cho hai cái bóng chìm hẳn vào bóng đêm, tôi rón rén đứng lên khỏi ụ mối rồi ngay lập tức ba chân bốn cẳng chạy ngược để về nhà. Lên giường, tôi trùm kín chăn, vờ ngủ nhưng không tài nào ngủ được vì nghĩ ngay trong đêm nay sẽ phải nhận vài roi vào mông. Khuya, tôi nghe rõ tiếng mẹ và ngoại cùng với tiếng mở cửa. Tôi trùm chăn qua khỏi đầu và im thin thít. Mẹ tôi đến gần và ngoại tôi đến gần. Mẹ tôi khẽ mở tấm chăn rồi vuốt hai cái má có lẽ đang nóng hực vì mệt bởi cơn chạy “thoát thân” lúc nãy. Bà vô tình đánh rơi một giọt nước mắt lên đó. Còn ngoại tôi thì ngồi ở phía dưới và xoa xoa phủi phủi hai cẳng chân và bàn chân còn lấm lem của tôi và khẽ nói với mẹ tôi: “Nhà ta phóng sanh hướng thiện thành tâm thành ý nên cháu nó không làm sao cả đâu! Lạy trời lạy phật...!”.
 
Đến tận giờ, mẹ tôi không hề hay biết rằng lúc đó tôi còn thức và gần như chỉ chợp mắt được vào lúc gần sáng... Và, giọt nước mắt vô tình đánh rơi của mẹ cũng vô tình trôi nghiêng vào miệng tôi nghe mặn chát... 
 
II. 
Lớn lên, anh em chúng tôi đi tứ tán mỗi đứa một phương, mỗi đứa làm một nghề. Rồi, hoàn cảnh đẩy đưa, mỗi anh em chúng tôi có những niềm vui và cả nỗi buồn cũng rất riêng, chẳng đứa nào giống đứa nào. 
 
Tôi cả năm cắm mặt trước trang giấy cày xới mong tìm được miếng cơm manh áo không cho chỉ riêng mình. Sống trong xã hội hiện đại này, chả mấy khi tôi nghĩ đến ngày âm, càng không biết tính tháng tính ngày âm lịch theo kiểu xưa mà tôi nhớ có lần ở quê ngoại tôi đã dạy cho tôi rất nhiều lần. Tháng ngày đối với tôi đôi khi chẳng có tác dụng gì mấy. Bởi, tôi như những bạn đồng nghiệp nói rằng giống hệt một cái vi tính đã lập trình sẵn những chương trình, nó cứ thế mà “en-tơ” là ngay tắp lự ngày nào việc ấy, giờ nào chuyện ấy. Với tôi như thế chưa hẳn đã hay ho nhưng tự mình tôi cho rằng khá phù hợp với nhịp sống hiện đại mà ở đó thời gian cứ vèo vèo, vùn vụt, vù vù... trôi qua. Với mẹ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi đều hoàn thành “nghĩa vụ làm con” là đều đặn mỗi tháng gửi cho bà một ít tiền vừa đủ để chi tiêu. Trước, với ngoại, tôi cũng như vậy. Mỗi lần nhận được tiền qua đường bưu điện, mẹ tôi đều gọi điện thoại để thông báo, và nhân tiện hỏi thăm sức khỏe của tôi. Có lúc, công việc ngập lút đầu, tôi buộc phải nói qua loa dăm câu rồi xin phép cúp máy. Tôi tự nhủ: Mẹ mình mà, cụ phải thông cảm cho đứa con lắm việc này chứ!  
 
Ngày trước, ngoại tôi lủng lẳng mang nồi cháo trắng vào lúc chạng vạng ra khỏi nhà, cái tâm của bà trong vô cùng, thiện vô cùng. Ngoại tôi là người thuộc làu làu rất nhiều điển tích. Nhưng lạ thay, bà là người không hề biết mặt chữ là gì. Nghe bảo rằng thời ấy, những phụ nữ ở quê như ngoại có mấy ai biết chữ đâu. Âu đó cũng là chuyện thường, nhưng chuyện “không thường” ở ngoại là bà đọc đến làu làu những Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều... Hồi còn nhỏ, đôi khi tôi cảm thấy không thích ngoại “hay nói chữ”. Lớn lên, khi bước vào đại học, tôi mới thấy chuyện ấy của tôi là dại vô cùng. Nhớ hồi đó, ngoại tôi hay đọc mấy câu này: “Ai ơi lấy Phật làm lòng/Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi/Đàn chẩn tế đây lời Phật giáo/Của có chi bát cháo nén hương/Gọi là manh áo thoi vàng/Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên”. Chú em út của tôi ghẹo ngoại: “Cả cái “thoi vàng” mà “của có chi”!”. Ngoại tôi cười hiền: “Cái thằng, không biết gì cả! Đây này, cái này là “bát cháo”, cái này là “manh áo”, còn đây là “thoi vàng” này!”. Rằm tháng bảy “xá tội vong nhân” mà cháu. Ngoài báo hiếu mẹ cha, còn có chút thành tâm thành ý nguyện cầu cho vong linh “kẻ trôi sông người lạc chợ, kẻ mất mồ người mất mả” được siêu thoát, được giải oan nữa đấy cháu à! Mùa báo hiếu, không chỉ báo hiếu riêng cho mẹ cha mình mà còn cầu cho những u hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận...”. Lớn lên, vào đại học, đọc nhiều thứ tôi mới hiểu rằng đó là đạo lý của nhà Phật, là đạo lý ở đời của người Việt, của người phương Đông. Trong khi đó, ngoại tôi, một người phụ nữ xưa, chuyện không biết một chữ nào cũng là bình thường. Nhưng với tôi, phải đợi đến khi đọc được nhiều thứ mới hiểu ra đôi chút. Giờ, ngoại tôi đã trở thành người thiên cổ lâu lắm rồi. Còn mẹ tôi, bà cũng đã trên dưới tám mươi.
 
Mới hôm rồi tôi nhận được cú điện thoại của đứa em út làm ăn ở xa. Nó than: “Dạo rày em kẹt quá anh ơi! Tháng này anh kha khá thì gửi về cho mẹ cũng kha khá chút, được không?”. Tôi có vẻ lạnh lùng: “Thì anh vẫn đều đặn hằng tháng vậy thôi! Anh là con cả mà! Chú là út, thêm được tí nào thì mẹ mừng tí đó!”. Chú em bảo: “Nhưng mà em buồn. Vì, sắp đến Vu Lan rồi...”. Nghe chú em nhắc đến “Vu Lan”, tôi giật mình. Thú thật, trong cái vòng quay của cuộc mưu sinh này, tôi thực sự không còn nghĩ đến chuyện báo hiếu và giải oan “kẻ trôi sông người lạc chợ, kẻ mất mồ người mất mả” như lời ngoại hay vái. Nhớ lại hôm trước, tôi đến hạn lại ra bưu điện gửi tiền về cho mẹ. Gửi xong, tôi gọi điện thoại và tỏ ý rằng sẽ làm cho mẹ cái thẻ ATM để chuyển tiền cho tiện. Mẹ tôi bảo nào có biết cái “a-em” là cái gì đâu mà làm. Tôi hơi gắt: “Thì bảo mấy đứa cháu nó hướng dẫn cho chút xíu là mẹ làm được ngay thôi mà!”. Nghe tôi “quyết”, bà cụ chỉ ậm ờ cho tôi vui lòng. Rồi, tôi lại lao vào công việc...
 
Nhưng, cũng thú thật, đôi lúc thức dậy vào lúc nửa đêm, tôi có khi nhớ lại giọng của mẹ vào thời khắc ngay trước khi tôi tắt máy điện thoại mà tự trách mình...
 
Rồi, đêm nay tôi thức dậy sớm hơn mọi khi. Nhìn đồng hồ, hóa ra chưa bước sang ngày mới... Bất chợt nhớ đến mùa Vu Lan. Và, tôi cũng bất chợt nhận ra giọt nước mắt của mẹ tôi năm nào là cả chậu nước giải oan theo tích Phật mà suốt đời tôi mang nợ!
 
Mùa Vu Lan 2015
 
Tùy bút: KHẮC DŨNG