Lạc Dương thực sự giảm nghèo nhanh và bền vững

09:08, 12/08/2015

Để lãnh đạo cả hệ thống chính trị tham gia triển khai công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 1/12/2010 về việc tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững ở các xã nghèo, thôn nghèo huyện Lạc Dương giai đoạn 2011 - 2015. Nhờ vậy, trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm một cách đáng kể: Từ 23,08% (năm 2010) giảm xuống còn 5,17% (năm 2014)và 6 tháng đầu năm 2015 ước còn 4,59%. 

Để lãnh đạo cả hệ thống chính trị tham gia triển khai công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 1/12/2010 về việc tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững ở các xã nghèo, thôn nghèo huyện Lạc Dương giai đoạn 2011 - 2015. Nhờ vậy, trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đã giảm một cách đáng kể: Từ 23,08% (năm 2010) giảm xuống còn 5,17% (năm 2014)và 6 tháng đầu năm 2015 ước còn 4,59%. 
 
Người dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương được thu hút vào hoạt động du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà
Người dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương được thu hút vào hoạt động du lịch cộng đồng
tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Trong năm 2015, huyện Lạc Dương được UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn 4 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo. Sau 7 tháng đầu năm, UBND huyện Lạc Dương đã phê duyệt và thực hiện được hơn 2,9 tỷ đồng; trong đó, vốn cho hỗ trợ thâm canh và chuyển đổi cây trồng chiếm gần 2,1 tỷ đồng để triển khai trên diện tích 217,5ha cho 358 hộ, còn lại là chuyển đổi ngành nghề (500 triệu đồng cho 50 hộ) và hỗ trợ dạy nghề (231 triệu đồng). Cùng với nguồn vốn của tỉnh, cũng từ đầu năm đến nay, huyện đã trích kinh phí 592 triệu đồng để triển khai chương trình giảm nghèo tại thị trấn Lạc Dương và xã Lát với 63 hộ được thụ hưởng. Bên cạnh, triển khai chương trình cho vay hộ nghèo, tính từ đầu năm 2015 đến đầu tháng 8/2015, Lạc Dương đã có 134 lượt hộ được vay 3 tỷ 546 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ nghèo, 11 lượt hộ được vay 185 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm và 194 lượt hộ được vay 580 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ cận nghèo. Cùng đó, một số chương trình khác trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng đã tiếp tục tác động tích cực đến việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện như Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135...
 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết: “Theo kế hoạch đề ra tại Nghị quyết 02-NQ/HU ngày 1/12/2010 của Huyện ủy, đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện sẽ giảm còn dưới 5%, hộ cận nghèo không quá 50% hộ nghèo; hạn chế đến mức thấp nhất hộ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo mới. Như vậy, kết quả đạt được cho đến hiện nay (đầu tháng 8/2015), tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,59% là một kết quả rất đáng được khích lệ”. Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo cho Lạc Dương trong 5 năm qua là không nhỏ; trong đó đáng kể là các nguồn từ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, vốn ưu đãi cho vay hộ nghèo, chính sách khuyến nông và hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, hỗ trợ y tế, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và đất sản xuất, hỗ trợ dạy nghề và trợ giúp pháp lý. Xin nêu một chương trình tiêu biểu - chương trình chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững: Từ 2010 đến 2013, Lạc Dương được tỉnh hỗ trợ gần 15 tỷ đồng, huyện hỗ trợ thôn nghèo hơn 506 triệu đồng, huyện xây dựng mô hình giảm nghèo hơn 775 triệu đồng. Năm 2014, nguồn vốn của riêng chương trình này là 4 tỷ đồng (vốn của tỉnh), 435 triệu đồng (vốn của huyện) và hơn 174 triệu đồng (vốn mô hình của huyện).
 
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, trong thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở Lạc Dương - một huyện có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm trên 73% tổng dân số), vấn đề xây dựng mô hình điểm để nhân rộng là điều mới lạ so với các địa phương khác trong tỉnh và kết quả mang lại khá khả quan. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/HU của Huyện ủy, tại lễ sơ kết vào giữa năm 2013, UBND huyện đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất, kinh doanh và đa dạng hóa thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phấn đấu làm ăn, cải thiện đời sống...”. Trên cơ sở này, ngay trong năm 2014, tại 4 xã trong huyện, Lạc Dương đã xây dựng được 26 mô hình giảm nghèo; mỗi thôn của các xã nghèo được đầu tư xây dựng từ 1 - 2 mô hình giảm nghèo. Tổng nguồn vốn để xây dựng 26 mô hình này trong năm 2014 là gần 176,3 triệu đồng; trong đó, vốn của chương trình giảm nghèo chiếm trên 107,1 triệu đồng, còn lại là vốn lồng ghép của Chương trình 135 (hơn 67 triệu đồng). Cùng với nguồn vốn này, các hộ được chọn xây dựng mô hình còn được giao khoán quản lý bảo vệ rừng với bình quân mỗi hộ nhận khoán 30ha (thêm thu nhập mỗi năm từ 8 - 10 triệu đồng). Kết quả là chỉ sau một năm - đến cuối năm 2014, 13 trong 26 hộ của chương trình giảm nghèo theo mô hình này đã thoát được nghèo (đạt tỷ lệ 50%; trong đó, riêng xã Đạ Sar có 7 trong 10 hộ thoát được nghèo - chiếm tỷ lệ 70%). Bước sang năm 2015, mô hình được huyện Lạc Dương tiếp tục triển khai tại 7 hộ. 
 
Với kết quả đạt được là khá khả quan (từ tỷ lệ hộ nghèo 23,08% năm 2010 giảm xuống còn 5,17% cuối năm 2014 và ước còn 4,59% hiện nay), Lạc Dương đã có sự điều chỉnh trong mục tiêu giảm nghèo của năm 2015 này: Từ dưới 5% theo kế hoạch trước đây, phấn đấu giảm còn 3,99% vào cuối năm nay! Cụ thể, theo kế hoạch triển khai chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững năm 2015 vừa được ban hành, Lạc Dương đặt ra mục tiêu: “Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện đến cuối năm 2015 còn 3,99%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 5,26%; tỷ lệ giảm chung là 1,18%, mức giảm 22,8%, tỷ lệ dân tộc thiểu số giảm là 1,49%...”.
 
Khắc Dũng