Bát ngát Đồng Nai Thượng

09:10, 02/10/2015

Lâu rồi không về Cát Tiên, chẳng định nhớ thời gian, chỉ biết rất thèm cảm giác được ăn một bát cơm gạo ruộng mộc mạc thơm cả mùi bùn đất đồng chiêm, cùng những con cá rô thiên nhiên chính hiệu ở mảnh đất lắm nghĩa tình nhưng từng là rốn lũ khắc nghiệt bên dòng Đồng Nai ngầu đỏ...

Lâu rồi không về Cát Tiên, chẳng định nhớ thời gian, chỉ biết rất thèm cảm giác được ăn một bát cơm gạo ruộng mộc mạc thơm cả mùi bùn đất đồng chiêm, cùng những con cá rô thiên nhiên chính hiệu ở mảnh đất lắm nghĩa tình nhưng từng là rốn lũ khắc nghiệt bên dòng Đồng Nai ngầu đỏ. Cũng đã quá lâu không được xoay cần rượu thơm nức cùng các già làng, cựu du kích kiên dũng ở các buôn làng người Mạ heo hút nhưng son sắt, một lòng một dạ và lắm kỷ niệm với những cán bộ người Kinh “ăn đất nằm sương” ngày đất nước còn cam go với nạn xâm lược của ngoại bang.
 
Người Mạ ở Cát Tiên
Người Mạ ở Cát Tiên
Vượt qua dốc Mạ Ơi, chính xác hơn là một con đèo nhỏ cắt ngang giữa rừng lồ ô rất ngoạn mục nằm cuối huyện Đạ Tẻh, tiếp tục men theo con đường với nhiều khúc cua gấp khuỷu là chạm ngõ Cát Tiên, chạm ngõ vùng trầm tích.
 
Thánh địa Cát Tiên nằm sát ngay bên trái đường, nơi cửa ngõ vào thung lũng luôn gợi ấn tượng về sự huyền bí trong tâm khảm của khách lữ hành. Hơn 30 năm về trước, sự phát hiện ra di tích khảo cổ học này được xem như là một bất ngờ lớn của giới khảo cổ học Việt Nam. 
 
Mấy chục năm địa chỉ khảo cổ này lộ phát, giá trị tuyệt diệu về những gì được phát hiện của văn hóa cư dân cổ… chưa giúp ngành du lịch vùng đất nghèo biến thành “cơm gạo” nhưng đã khiến người ta thay đổi nhãn quan khi đánh giá về trầm tích vùng quê nhiều lam lũ. Cát Tiên không chỉ vất vả, chật vật. Địa danh mang mỹ từ này cũng không chỉ có gạo đặc sản, cá lăng “khủng” dưới lòng sông Đồng Nai hay tình người bền chặt của lớp lớp di dân bên người Mạ, S’Tiêng bản địa. Trầm tích miền đất nằm ở mé bắc chiến khu Miền Đông “gian lao và anh dũng” còn ẩn chứa cả những địa tầng văn hóa tuyệt diệu, có đủ khả năng cuốn hút và thách thức nhận định, đánh giá của giới khoa học hậu thế. Những đền đài hay cặp biểu tượng sinh thực khí Linga - Yoni “khổng lồ” nhất Đông Nam Á đã được phát hiện ở Thánh địa Cát Tiên, có lẽ cũng mới chỉ là “phần lộ thiên của một cánh đồng mênh mông trầm tích”? 
 
Đi tìm để thỏa cái cảm xúc trọn vẹn trên những địa tầng văn hóa Cát Tiên - Đồng Nai Thượng, chúng tôi có may mắn được trò chuyện cùng một người S’Tiêng đã sống hơn thế kỷ giữa rừng già. Tổng già làng của các buôn Bù Gia Rá, Bi Nao và Đạ Cộ…, dưới chân núi Bờ - xa - lu - xiên, cây cổ thụ của đại ngàn ấy là Điểu Đoi. 
 
Câu chuyện bắt đầu từ văn hóa bản địa, nhưng cụ đã đưa những người hóng chuyện như chúng tôi trở về một “trầm tích khác”, đầy hào hùng và gắn liền với những chiến công lẫy lừng, từng làm quân thù khiếp đảm của cả vùng Chiến khu D nức tiếng thuở dân tộc còn lầm than bởi nạn ngoại bang xâm lược.
 
Thế hệ du kích từng tham gia kháng chiến chống Pháp từ thời già Điểu Đoi còn là đội trưởng điều hành giữa rừng già Bờ - xa - lu - xiên nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay bởi phần lớn họ đã trở về với đất mẹ. Nhưng đội ngũ cựu chiến binh tuổi đời “U60” từng được biên chế vào các đơn vị quân chủ lực chính quy trong kháng chiến chống Mỹ thì chỉ riêng 5 buôn của xã Đồng Nai Thượng hiện đã có gần 120 người. Những người từng tham chiến, qua thời gian cũng không thể nào sống mãi với rừng già nhưng chiến công lẫy lừng, lòng quả cảm, kiên dũng và tình cảm son sắt của họ thì không thể mờ phai theo năm tháng. 
 
Giữa bốn bề bát ngát đại ngàn, ngoài tổng già làng Điểu Đoi trường thọ hơn thế kỷ, chúng tôi còn được nghe chị Năm Lôi kể về những cuộc chiến như huyền thoại của nhóm tộc Mạ, S’Tiêng ngày cả xã này mới chỉ có vỏn vẹn khoảng mười lăm nóc nhà dài, tồn tại sừng sững bên cạnh sân bay dã chiến của Mỹ - Ngụy. Với một con mắt gần như chỉ còn lại là lỗ hốc và một bên đã kèm nhèm theo tuổi tác, cựu dũng sỹ diệt mỹ cấp 2 Điểu Thị Lôi (tên gọi chính thức của chị Năm) vẫn hào sảng kiểu rừng núi: Khoảng năm 1967, vùng dân cư S’Tiêng của mình chỉ có chừng hơn chục nóc nhà dài nhưng là vùng đặt chân và hoạt động của Khu ủy Khu VI và Tỉnh ủy Đồng Nai Thượng nên bọn Mỹ - Ngụy vẫn tập trung truy quét, chà xát. Chúng lập cả sân bay dã chiến và dùng cả trực thăng vận mang cả khí tài, chiến xa lên đây để lùng bắn cán bộ kháng chiến của ta và chốt chặn con đường hành lang chiến lược nối chiến khu D anh dũng với các tỉnh Trung Bộ và miền Bắc. Minh chứng cho tinh thần quật cường của những người thiểu số trước sự tàn ác, man rợ của quân thù, chị Năm kể: Trong những ngày triển khai chiến lược chiến tranh cục bộ, Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa của Ngô Đình Diệm đã điều lên khu vực án ngữ đường hành lang Bắc - Nam là xã Đồng Nai Thượng (ngày ấy là thôn 5 xã Tiên Hoàng) hơn 40 lính Mỹ và lính đánh thuê. Một đêm rừng âm u, do nghi ngờ cán bộ ta vào buôn để hoạt động, chúng đã xua quân vây ráp toàn bộ những nóc nhà dài có ý định thảm sát. Nắm bắt được diễn biến âm mưu của địch, cán bộ kháng chiến và đội du kích người S’Tiêng đã mai phục đánh chặn hậu cho bà con tản vào rừng lánh nạn an toàn. Khoảng 1 giờ sau, không bắt giết được người nhưng bọn chúng vẫn nổ súng bắn heo, trâu, bò của đồng bào. Tiếc xót tài sản của buôn làng, lúc này du kích Điểu Đoi và Điểu Thị Lôi đã ôm súng trở lại buôn đánh tháo cho... đàn gia súc chạy ra rừng an toàn. Sự thoát nạn ngoạn mục của đàn gia súc suýt nữa đã phải đánh đổi bằng tính mạng của hai du kích anh dũng. 
 
Già Điểu Đoi hồi tưởng: “Tôi và Năm Lôi chỉ có hai khẩu súng trường nhưng vẫn thay nhau nhả đạn và luồn rừng lắt léo để dụ tụi nó sa hầm chông. Vừa chạy vừa bắn vu hồi kết hợp xả súng khi 3 tên sa hầm chông vậy mà vẫn hạ được gần chục tên da trắng cao lênh khênh và trang bị tận răng”. 
 
Sau trận “đánh tháo gia súc” nói trên, chị Điểu Thị Lôi đã được thưởng nóng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ cấp 2 và được nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi tặng một khẩu súng cùng chiếc khăn rằn Nam bộ chính hiệu. Khẩu súng kỷ niệm này đã theo chị Năm mãi cho đến ngày chị trở thành Đại biểu Quốc hội những năm hòa bình lập lại. Còn những du kích kiên dũng người S’Tiêng ở rừng già thì như được tiếp thêm sinh lực sau chiến thắng không cân sức của những người rừng núi chất phác, yêu nước với bọn địch tàn bạo, hung hãn và mạnh hơn rất nhiều lần. 
 
Câu chuyện anh hùng rồi những trận đánh, chiến công như huyền thoại của những sắc người thiểu số vùng Bù Đăng có sóc Bom Bo, vùng Đồng Nai Thượng bên dòng Đồng Nai vẫn được kể mãi trong gian truân, trong sự chật vật và ước mơ trù phú còn khá xa xôi ở Cát Tiên. Ông Huỳnh Văn Đẩu - nguyên Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, người từng gắn bó với vùng đất này trần tình “Tôi mê văn hóa người Mạ, người S’Tiêng ở Đồng Nai Thượng; say sưa bởi truyền thống yêu nước, lòng quả cảm, kiên trung, cái bụng chỉ một lòng một dạ của họ… Nhưng quả thật đến nay, chúng ta vẫn chưa làm được nhiều để giúp bà con cải thiện đời sống gian lao”. “Khác rồi anh. Điều, tiêu rồi cà phê, lúa thương hiệu đã xuất hiện với diện tích hàng trăm hec - ta, bà con Mạ, S’Tiêng cũng đã biết đầu tư trang trại… có của ăn của để là một trời một vực so với ngày đói nghèo rồi chứ?” - mẩu đối thoại làm anh cười tươi hơn. 
 
Những hiện vật được phát hiện tại Thánh địa Cát Tiên
Những hiện vật được phát hiện tại Thánh địa Cát Tiên
Bên kia dòng Đồng Nai, chỉ năm mười phút loài chim trời sải cánh, VQG Cát Tiên đã thu hút hàng chục nghìn du khách khám phá mỗi năm. Bà con vùng các xã Tà Lài, Phú Lập, Nam Cát Tiên… của huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã ăn nên làm ra từ dịch vụ lưu trú và “Stay home”, dịch vụ khai thác du lịch bán cái ăn, cái chơi tại chỗ. Bên này sông là Cát Tiên với tiềm năng sinh thái, vốn quý du lịch tâm linh và trầm tích văn hóa hấp dẫn thì vẫn đang là ý tưởng về tour, vẫn là sự mơ ước của người dân lam lũ. Vòng quanh tham quan thánh địa vẫn chỉ thấy hun hút rừng núi hoang vắng, vẫn chỉ quan sát dòng Đồng Nai mùa nước lũ thao thiết, rờn rợn. Ban Quản lý khu di tích khảo cổ học nơi thánh địa vẫn chỉ ẩm mốc mùi hoang vắng với vài nhân viên trông nom căn nhà xập xệ nép bên gò di tích đã được đào bới từ lâu…
 
Những người vùng Nghĩa Bình cũ “mang cả tên xã tên làng trong những chuyến di dân” qua rất nhiều đợt vào với Cát Tiên cùng những cư dân bản địa gắn bó rừng cách mạng vẫn còn mong lắm ngày quê mình ít màu lam lũ và bát ngát hơn màu xanh trù mật.
 
Ghi chép: TÙNG CHI - LAM ANH