Ứng dụng ISO trong cải cách hành chính tại Đức Trọng

09:10, 30/10/2015

Là một trong những địa phương đi đầu trong CCHC hiện nay tại Lâm Đồng, Đức Trọng trong nhiều năm qua đã đẩy mạnh việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2008 tại UBND huyện và thị trấn Liên Nghĩa.

Là một trong những địa phương đi đầu trong CCHC hiện nay tại Lâm Đồng, Đức Trọng trong nhiều năm qua đã đẩy mạnh việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9001:2008 tại UBND huyện và thị trấn Liên Nghĩa.
 
Ngay từ năm 2004, Đức Trọng đã thực hiện thí điểm việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO theo tiêu chuẩn Việt Nam, lúc đó còn phiên bản 9001:2000, với 6 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc 4 phòng, ban chuyên môn. Đây là địa phương thứ hai của Lâm Đồng áp dụng ISO trong cải cách hành chính (CCHC), sau thành phố Đà Lạt thí điểm trước đó trong năm 2002. 
 
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của ISO trong thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính (CCHC), Đức Trọng xác định đây là một bước đột phá, phát huy chất lượng và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các chức năng trong quản lý nhà nước, giải quyết các TTHC nên không ngừng quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng, duy trì hệ thống này và mở rộng việc áp dụng trên địa bàn. Sau một thời gian triển khai ở cấp huyện, Đức Trọng đã áp dụng thí điểm ISO xuống đến cấp xã, thị trấn tại thị trấn Liên Nghĩa. 
 
Từ năm 2012, Đức Trọng đã ban hành và đưa vào áp dụng bộ quy trình TTHC theo Hệ thống quản lý chất lượng ISO phiên bản mới Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9001:2008  đối với 201 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, 91 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã, được Tổng cục đo lường chất lượng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn. 
 
Hàng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch đánh giá nội bộ để tái chứng nhận, mở rộng phạm vi áp dụng và chuyển đổi mô hình khung Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 để thực hiện, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị kiểm tra, rà soát các quy trình theo từng lĩnh vực, hướng đến tính hiệu quả.
 
Huyện cũng phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức tập huấn về ISO để tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức đang thực hiện trên địa bàn, cấp giấy chứng nhận đánh giá viên cho những người tham gia tập huấn. Đồng thời, củng cố Ban chỉ đạo ISO, kiểm soát và loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp, phân định rõ người, rõ việc nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại địa phương, nâng cao sự hài lòng của công dân trong quá trình giao dịch giải quyết TTHC trên địa bàn.
 
 Theo phòng Nội vụ Đức Trọng, huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn Liên Nghĩa kịp thời thực hiện đồng bộ các văn bản mới về cải cách TTHC và kiểm soát TTHC; cập nhật các TTHC mới, TTHC sửa đổi, bổ sung; TTHC bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết.  Huyện yêu cầu các đơn vị, phòng, ban, các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc niêm yết công khai TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị mình; hoàn thiện quy trình phiếu kiểm soát và kiểm soát tài liệu hồ sơ theo đúng thành phần quy định của việc áp dụng ISO. Định kỳ, huyện tổ chức rà soát, củng cố quy trình dựa trên cơ sở sửa đổi, bổ sung bộ TTHC cấp huyện và xã do tỉnh công bố. 
 
Trong quý 3 vừa qua, Đức Trọng đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 32 quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện được tỉnh công bố đối với các lĩnh vực công thương, văn hóa - thể dục thể thao. Bên cạnh thị trấn Liên Nghĩa đã vận hành hệ thống quản lý chất lượng ISO lâu nay, Đức Trọng đang lên kế hoạch mở rộng việc áp dụng ISO thêm tại 3 xã nữa là Phú Hội, Đà Loan và Liên Hiệp trong thời gian đến; đồng thời mở rộng áp dụng ISO đối với các TTHC mới thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện. (Hiện, tổng số TTHC áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Đức Trọng là 218/234, chiếm 92,7%). 
 
Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức trong CCHC. Huyện thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra CCHC, thực thi công vụ trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh tác phong, nâng cao tinh thần trách nhiệm, lề lối làm việc, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ, nhất là với bộ phận một cửa. Huyện chỉ đạo cho các phòng, ban, đơn vị, các UBND xã, thị trấn chọn bố trí cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm phụ trách công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình. 
 
Theo bà Nguyễn Thị Tố Loan, Trưởng phòng Nội vụ Đức Trọng, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO đang phát huy hiệu quả rất tốt trong CCHC tại huyện hiện nay. Các quy trình giải quyết công việc được mô tả nội dung, thời gian thực hiện cụ thể từng công đoạn, giúp lãnh đạo UBND huyện và thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị điều hành nội bộ và kiểm soát công việc tốt hơn. Hệ thống hồ sơ, tài liệu được sắp xếp, kiểm soát chặt chẽ giúp việc sử dụng thuận tiện và nhanh chóng hơn, khắc phục được những thiếu sót trong quá trình giải quyết công việc, đáp ứng nhu cầu giải quyết hồ sơ hành chính của người dân tốt hơn.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hệ thống quản lý chất lượng ISO vẫn còn những điểm hạn chế nhất định. Theo Phòng Nội vụ Đức Trọng đánh giá, một số phòng, ban chuyên môn còn lúng túng, chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc ứng dụng ISO trong giải quyết TTHC. Cùng đó, bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và xã dựa trên công bố của UBND tỉnh, tuy nhiên thủ tục chưa được cập nhật và công bố sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ kịp thời trên cơ sở pháp lý đã thay đổi, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai áp dụng ISO tại địa phương. Các quy định về TTHC thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn trong xây dựng và hoàn thiện  quy trình ISO; các lớp tập huấn nghiệp vụ ISO của tỉnh không được tổ chức định kỳ trong khi cán bộ, công chức thực hiện ISO thường xuyên thay đổi, dẫn đến khó khăn trong quá trình vận hành, duy trì và cải tiến hệ thống ISO tại huyện. 
 
Chính vì vậy, Phòng Nội vụ Đức Trọng đang đề nghị tỉnh mở thêm những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức cấp huyện và xã để nâng cao năng lực và trình độ trong quản lý và sử dụng ISO, đồng thời tỉnh cũng nên kiến nghị các bộ ngành chuyên môn sớm chuẩn hóa bộ tài liệu ISO phù hợp đối với cơ quan hành chính các cấp để triển khai hiệu quả hơn.
 
VIẾT TRỌNG