Tăng cường công tác quản lý lao động tự do mùa cà phê

09:11, 11/11/2015

(LĐ online) - Là địa phương có diện tích cà phê đứng thứ hai trong cả nước - chỉ sau Đắk Lắk, Lâm Đồng mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn lao động tự do làm việc thời vụ thu hái cà phê… 

(LĐ online) - Là địa phương có diện tích cà phê đứng thứ hai trong cả nước - chỉ sau Đắk Lắk, Lâm Đồng mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn lao động tự do làm việc thời vụ thu hái cà phê… 
 
Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết vấn nạn thiếu hụt lao động mùa vụ, nhưng mặt trái của vấn đề an ninh trật tự cũng hết sức phức tạp. 
 
Những ngày này, Nam Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê, đi qua các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà… mới thấy nhu cầu tuyển dụng lao động thu hái cà phê đang “nóng” lên từng ngày. Chỉ tính riêng tại huyện Lâm Hà, địa bàn có khoảng 40.000ha cà phê, đến vụ thu hoạch cần khoảng 10.000 lao động, nên việc tìm thuê lao động đối với các nhà vườn là điều rất nan giải, không ít người phải chấp nhận trả phí (từ 500.000 -700.000đ/lao động) thông qua các cơ sở giới thiệu việc làm để tuyển lao động. 
 
Có “cầu” ắt có “cung”, nhiều Trung tâm môi giới việc làm hình thành và hoạt động khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, do “cầu vượt cung”, nhiều Trung tâm vì lợi nhuận chỉ thông qua đội ngũ “cò lao động” tại các tỉnh, thành để lấy lao động. Hầu hết, “cò lao động” đều mật ngọt để tuyển dụ được càng nhiều càng tốt, trong khi người lao động không được tư vấn rõ về công việc và thực tế nhiều trường hợp khi nhận việc mới biết không phù hợp với sức khỏe nên bức bối giống như bị “cầm tù”, rồi bỏ trốn… hậu quả là người lao động và cả chủ sử dụng lao động đều thiệt đơn, thiệt kép.
 
Thu hoạch cà phê tại Lâm Hà
Thu hoạch cà phê tại Lâm Hà
  
Điều đáng nói, cùng thời điểm tiếp nhận một lượng lớn lao động tự do, nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi, theo Luật cư trú mới, lao động tự do chỉ cần trình giấy chứng minh nhân là có thể đăng ký tạm trú. Chính điều này mà một số đối tượng tội phạm đã lợi dụng sơ hở để trà trộn và thực hiện các hành vi phạm tội. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng đã có hàng chục vụ vi phạm liên quan đến lao động tự do như tình trạng trộm cắp tài sản, thậm chí giết người, cướp của xảy ra tại các vùng cà phê trọng điểm của tỉnh. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Lâm Hà, theo số liệu của địa phương, trong năm qua có khoảng 40 vụ án thì một nữa trong số này là do lao động tự do gây ra. Nên ngay từ đầu vụ thu hoạch cà phê, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo cơ quan chức năng quản lý chặt việc tuyển dụng lao động và tuyển dụng đúng theo trình tự của luật lao động. Trong hợp đồng lao động phải ghi cụ thể việc làm, trách nhiệm của người lao động cũng như người sử dụng lao động, số tiền người lao động được hưởng. Đặc biệt, lao động phải có lai lịch rõ ràng, giấy tùy thân đầy đủ… 
 
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, để đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động, chủ sử dụng lao động và vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, ngày từ đầu vụ thu hoạch cà phê, Đoàn liên ngành của tỉnh, gồm: Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng các huyện đồng loạt tiến hành kiểm tra các công ty giới thiệu việc làm nhằm chấn chỉnh hoạt động tuyển dụng lao động. 
 
Kết quả kiểm tra phát hiện một doanh nghiệp còn “núp bóng” công ty môi giới ở TP HCM thực hiện việc mua bán lao động tự do. Trong đó, Công ty TNHH Tuấn Sơn (văn phòng đóng ở xã N’Thôn Hạ, Đức Trọng), đã liên kết với Công ty TNHH Thiên Phước, Công ty Giới thiệu việc làm Thiên Khang và Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải - Xếp dỡ Nghị Lực tại TP HCM để thu tiền tạm ứng của người lao động trái quy định.  Các công ty nêu trên không có đầy đủ hồ sơ, giấy phép, hợp đồng với Công ty TNHH Tuấn Sơn. Sổ sách, chứng từ kế toán của Công ty này còn sơ sài, phiếu thu phí không có chữ ký của thủ quỹ… Một cán bộ trong đoàn kiểm tra còn cho biết, hầu hết các công ty môi giới việc làm ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà đều chưa tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho nhân viên tư vấn của công ty.
 
Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, trước khi vào mùa vụ thu hái cà phê, cán bộ Phòng việc làm, An toàn lao động của Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, hướng dẫn cho các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn về các quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ này. Riêng Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh nếu người lao động không có giấy tờ tùy thân thì cương quyết không sử dụng, không cho lưu trú trên địa bàn; tuyên truyền cho người dân biết, không nên sơ xuất giao tài sản cho người lao động tự do.
 
Thụy Trang