Đà Lạt: Mở rộng việc thí điểm tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020

08:12, 01/12/2015

Sau 4 năm thí điểm thành công chương trình dạy tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, thành phố Đà Lạt đã bắt đầu mở rộng sang nhiều trường học trên địa bàn.

Sau 4 năm thí điểm thành công chương trình dạy tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, thành phố Đà Lạt đã bắt đầu mở rộng sang nhiều trường học trên địa bàn.
 
Tiểu học: Tự tin trong giao tiếp
 
Là trường tiểu học đầu tiên tại Đà Lạt được chọn thí điểm chương trình dạy tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 từ niên khóa 2011 - 2012, đây là năm thứ 4 Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Trãi thực hiện chương trình này. 
 
Năm học này, Trường TH Nguyễn Trãi có gần 1.400 học sinh, trong đó cả 3 khối lớp từ khối lớp 3 đến khối lớp 5 đều đang được dạy chương trình tiếng Anh thí điểm. “Năm đầu tiên, chúng tôi thí điểm ở khối lớp 3, năm kế đến là 2 khối 3 và 4 và đến năm thứ 3 là cả 3 khối 3, 4, 5. Năm nay, chúng tôi triển khai rộng cho tất cả các lớp học trong từng khối.” - cô giáo Nguyễn Thị Tân - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Trãi cho biết.
 
Học sinh Tiểu học Nguyễn Trãi - Đà Lạt trong giờ học ngoại ngữ
Học sinh Tiểu học Nguyễn Trãi - Đà Lạt trong giờ học ngoại ngữ

Cả học sinh, giáo viên khi áp dụng chương trình đã nhận được rất nhiều bổ ích. Như thầy Tạ Quang Trung, giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếng Anh tại Trường TH Nguyễn Trãi cho biết, giáo trình được chọn “Gia đình và bạn bè - Family and Friends” rất phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học với các chủ đề quen thuộc, đi kèm có rất nhiều tranh ảnh, dĩa hỗ trợ cho giáo viên lẫn học sinh trong quá trình dạy và học khiến giờ học sinh động hơn, có cả các bài tập cho các em trên mạng để nâng cao chương trình. Khác với chương trình cũ 2 tiết/tuần chỉ quan tâm đến kỹ năng đọc viết cho học sinh, chương trình mới 4 tiết/tuần chú trọng rất nhiều đến 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết nên học sinh cấp tiểu học theo chương trình này khi hoàn thành bậc học có thể nghe - nói rất tốt, sử dụng tiếng Anh cơ bản và nhiều em có phản xạ rất nhanh trong giao tiếp.
 
Về phía giáo viên, theo cô Tân cho biết, khi Trường TH Nguyễn Trãi thực hiện thí điểm đã được Phòng Giáo dục Đà Lạt tăng cường thêm biên chế cho 3 giáo viên tiếng Anh để trực tiếp giảng dạy chương trình. Tất cả giáo viên sau 4 năm đã đạt chuẩn đào tạo, chuẩn châu Âu theo qui định, được thường xuyên ưu tiên bồi dưỡng tập huấn trong năm. Trường cũng tổ chức rất nhiều hình thức sinh hoạt ngoại khóa tiếng Anh cho học sinh trong suốt năm học và trong hè. Phụ huynh học sinh, theo cô Tân, cũng rất quan tâm và bày tỏ sự vui mừng khi con em được theo chương trình.
 
Kết quả bộ môn tiếng Anh của học sinh đã được nâng lên rõ rệt. Trong năm học 2013 - 2014, học sinh của trường đoạt 1 giải nhì giao lưu tiếng Anh Olympic cấp thành phố, 1 giải nhất giao lưu tiếng Anh cấp tỉnh, 2 giải cấp quốc gia gồm 1 giải nhì và 1 giải nhất giao lưu Olympic tiếng Anh. Trong năm học 2014 - 2015, trường cũng đạt 1 giải nhì IOE cấp quốc gia 
 
Trung học cơ sở: Nâng chất lượng môn ngoại ngữ 
 
Với Trường Trung học cơ sở (THCS) Phan Chu Trinh, đây cũng là năm thứ 4 trường được chọn điểm để triển khai chương trình thí điểm tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 trong bậc THCS tại Đà Lạt. 
 
Năm học này, Trường THCS Phan Chu Trinh - Đà Lạt có tổng cộng 1.845 học sinh đang theo học, trong đó có 2 lớp 9 với 76 học sinh đang thực hiện chương trình thí điểm tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 liên tục từ lớp 6 đến nay; có 7 lớp trong 3 khối 6, 7, 8 với 316 học sinh tham gia lớp mở rộng từ chương trình thí điểm trên. 
 
Để tham gia chương trình tiếng Anh theo Đề án mở rộng này, tất cả các học sinh trên phải vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào từ lớp 6, trong đó, chú trọng đến cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh. 
 
Nhận xét chung sau 4 năm thực hiện thí điểm, như cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thắm, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh khẳng định, chất lượng học tập môn tiếng Anh của học sinh đã nâng lên một cách rõ rệt. “Có một sự thay đổi rất rõ rệt trong chất lượng học ngoại ngữ của học sinh giữa lớp đại trà và chương trình thí điểm. Ngay từ đầu vào, chúng tôi đã có kiểm tra toàn diện cả 4 kỹ năng của các em và trong quá trình dạy luôn chú ý cho các em rèn luyện 4 kỹ năng này nên các em rất tự tin trong giao tiếp. Đây là một chương trình rất hay nhưng khá nặng, để học sinh theo được cần phải nỗ lực rất nhiều, nếu không đầu tư thời gian đúng mức các em có thể tụt lại ngay.” - cô giáo Thắm cho biết.
 
Về phía giáo viên, theo cô Thắm, chương trình đã tạo điều kiện rất tốt để các giáo viên dạy thí điểm thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và phương pháp dạy học trong năm và trong hè do Sở và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức trong tỉnh, trong nước. Đến nay, tất cả 8/8 giáo viên tiếng Anh của trường đều đã đạt chuẩn đào tạo trình độ B2 theo khung chuẩn châu Âu, có giáo viên đạt chuẩn cao hơn.
 
Cũng như ở bậc tiểu học, tại bậc THCS, cô Thắm cho biết, phụ huynh rất quan tâm và mong muốn con em mình được theo học chương trình này. Đầu năm học, số học sinh đăng ký dự tuyển đầu vào lớp mở rộng thí điểm rất đông nhưng trường chỉ chọn đủ lớp theo qui định.
 
Với việc áp dụng chương trình thí điểm này, chất lượng học sinh cuối lớp trong bộ môn ngoại ngữ đã nâng lên. Chỉ tính trong năm học 2014 - 2015 vừa qua, Trường THCS Phan Chu Trinh đoạt giải nhất toàn đoàn cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp thành phố, 1 giải nhất cá nhân, 1 giải khuyến khích; khi tham gia thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh cũng đoạt giải nhất toàn đoàn và giải nhất cá nhân; trường cũng có nhiều học sinh thi IOE đoạt giải cao.
 
Với những thành công trên, Đà Lạt đang từng bước mở rộng chương trình thí điểm này ra nhiều trường khác trong cả 2 bậc tiểu học và THCS tại Đà Lạt. Trong bậc THCS, năm học này, bên cạnh Trường THCS Phan Chu Trinh, Đà Lạt đã có thêm 3 trường khác thực hiện chương trình thí điểm này là THCS Nguyễn Đình Chiểu, THCS - THPT Tây Sơn và THCS - THPT Chi Lăng.
 
Viết Trọng