Mở rộng tiếp cận điều trị thuốc kháng HIV

08:12, 01/12/2015

Điều trị các thuốc ARV (thuốc kháng vi rút HIV) cho người nhiễm HIV đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đáng kể tỉ lệ bệnh tật và tử vong, kéo dài và cải thiện cuộc sống một cách có ý nghĩa cho nhiều người đang phải chung sống với HIV/AIDS.

Điều trị các thuốc ARV (thuốc kháng vi rút HIV) cho người nhiễm HIV đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đáng kể tỉ lệ bệnh tật và tử vong, kéo dài và cải thiện cuộc sống một cách có ý nghĩa cho nhiều người đang phải chung sống với HIV/AIDS. 
 
Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 3 cơ sở điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế  Đức Trọng và Bệnh viện Đa khoa II Lâm Đồng. BS Bùi Văn Lượng - Trưởng Khoa điều trị của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng cho biết: Tính đến quý 3/2015, toàn tỉnh có 474 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống quản lý được tại địa phương. Trong đó, có 420 bệnh nhân được quản lý theo dõi tại 3 cơ sở điều trị ARV trong tỉnh, 395 bệnh nhân đã điều trị ARV (số tích lũy) và hiện đang còn điều trị ARV cho 366 người (BVĐK tỉnh 197 bệnh nhân, BVĐK II Lâm Đồng 133 bệnh nhân và Trung tâm Y tế Đức Trọng 65 bệnh nhân).
 
Tại Lâm Đồng các điểm điều trị ARV được hoạt động từ năm 2009. Trước đó, năm 2006 có Dự án Life - GAP tài trợ cũng đã điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV nhưng số lượng bệnh nhân tiếp cận chưa nhiều. Từ khi hoạt động của 3 cơ sở điều trị ARV trong tỉnh đến nay đã có 94% bệnh nhân nhiễm HIV trong tỉnh đã được tiếp cận điều trị ARV và số bệnh nhân nhiễm HIV trong toàn tỉnh được quản lý chiếm 88%. 
 
Bệnh nhân B.T.A, 49 tuổi ở Đơn Dương đã 7 năm điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Nhờ có thuốc ARV đã giúp tôi có sức khỏe để đi làm thuê hàng ngày. Mỗi tháng một đợt tôi lên bệnh viện nhận thuốc và được bác sĩ tư vẫn hướng dẫn kỹ càng, tôi chấp hành tốt việc uống thuốc theo hướng dẫn bác sĩ”. Bệnh nhân N.V.T, 33 tuổi ở Đà Lạt cho biết: “Tôi đã 14 năm biết mình bị nhiễm HIV và bắt đầu điều trị ARV được 1 năm tại Trung tâm Y tế Đức Trọng vì ở Đà Lạt tôi sợ gặp người quen. Nếu tôi không có thuốc điều trị các nhiễm trùng cơ hội và điều trị ARV thì tôi đã chết từ lâu rồi!”. Tâm lý sợ phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS nên nhiều bệnh nhân phải lén lút, rụt rè, sợ gặp người quen khi đến các điểm tiếp cận điều trị ARV. Cho nên 3 phòng điều trị ARV đều tiếp nhận bệnh nhân trong tỉnh, có bệnh nhân từ Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm tới Đức Trọng và có bệnh nhân từ Lâm Hà, Đơn Dương lên Đà Lạt để tiếp cận điều trị ARV. Các thuốc điều trị ARV hoàn toàn miễn phí, việc tăng khả năng tiếp cận điều trị ARV cũng là con đường xóa dần sự mặc cảm, tự ti của bệnh nhân HIV/AIDS. 
 
BS Lượng cho biết thêm: Trước đây, đối tượng nhiễm HIV đưa vào điều trị ARV khi xét nghiệm tế bào CD4 < 350 (CD4 là chỉ số tế bào lympho từ kết quả xét nghiệm máu sẽ cho biết số lượng tế bào này trong 1mm3 máu. Chỉ số CD4 cho biết mức độ HIV đã phá hủy miễn dịch và biết được khi nào bắt đầu điều trị ARV. Chỉ số CD4 trung bình của một người âm tính với HIV có khoảng 500 - 1.200 tế bào/mm3 máu). Kể từ tháng 7/2015 áp dụng điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế khi tế bào CD4 từ 500 trở xuống đã mở rộng diện tiếp cận thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ngoài ra, có một số đối tượng được áp dụng điều trị ARV không phụ thuộc vào CD4 gồm: Phụ nữ có thai bị nhiễm HIV đưa vào điều trị ARV để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (năm 2015 có 18 bệnh nhân, trong đó có 1 trẻ em); nhóm đối tượng nghiện chích ma túy nhiễm HIV (có 10 bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được chuyển tiếp điều trị ARV); bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV (có 9 bệnh nhân); bệnh nhân có vợ hoặc chồng bị nhiễm HIV; bệnh nhân nhiễm HIV là đồng bào DTTS, ở vùng đặc biệt khó khăn được điều trị ngay ARV không phụ thuộc vào CD4. 
 
Thuận lợi cho việc điều trị ARV tại Lâm Đồng là đã có máy xét nghiệm đếm tế bào CD4 do Cục phòng chống HIV/AIDS cấp cho Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng để phục vụ cho hoạt động điều trị ARV. Định kỳ 6 tháng/1 lần xét nghiệm CD4 cho bệnh nhân để đánh giá thất bại điều trị nhằm can thiệp sớm tránh tử vong cho bệnh nhân và hạ thấp tỉ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS. BS Lượng cho biết: Hiệu quả điều trị đánh giá từ 3 cơ sở điều trị ARV trong tỉnh có 392 bệnh nhân duy trì phác đồ điều trị ARV bậc I, đáp ứng thuốc tốt; chỉ có 3 bệnh nhân điều trị phác đồ bậc II. Các bệnh nhân điều trị ARV lâu nhất đã 10 năm vẫn còn sống. Năm 2015 có thêm 79 trường hợp mới điều trị ARV, 6 ca tử vong, 7 trường hợp bỏ trị (do bệnh nhân chuyển đi tỉnh khác). 
 
Hiện nay, thuốc ARV do các dự án tài trợ cung cấp, khi không còn nguồn tài trợ, bệnh nhân nhiễm HIV được tiếp cận thuốc ARV thông qua BHYT (Thông tư 15 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV).
 
DIỆU HIỀN