Ý nghĩa tích lũy kiến thức REDD+ qua hội thi

09:12, 15/12/2015

Trong 3 ngày giữa tháng 12/2015, tại Đà Lạt, Chương trình UN-REDD Việt Nam tổ chức tập huấn và hội thi tuyên truyền viên REDD+ với sự tham gia của gần 40 người đến từ 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Hà Tĩnh. 

Trong 3 ngày giữa tháng 12/2015, tại Đà Lạt, Chương trình UN-REDD Việt Nam tổ chức tập huấn và hội thi tuyên truyền viên REDD+ với sự tham gia của gần 40 người đến từ 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Hà Tĩnh. Đơn vị chủ nhà Lâm Đồng gồm các cộng tác viên truyền thông REDD+ cấp tỉnh đến từ các cơ quan như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Chi cục Kiểm lâm, Báo chí…; đại diện các đơn vị: Qũy Bảo vệ & Phát triển rừng, Sở Tài nguyên & Môi trường, Chi cục Lâm nghiệp, Đoàn khối các cơ quan, Công ty Lâm nghiệp và người dân xã Đạ Nhim, xã Lộc Phú…
 
Tuyên truyền viên REDD+ cấp tỉnh của Lâm Đồng sôi nổi thảo luận nhóm do UN-REDD Việt Nam tổ chức
Tuyên truyền viên REDD+ cấp tỉnh của Lâm Đồng sôi nổi thảo luận nhóm
do UN-REDD Việt Nam tổ chức

Về thiết lập mạng lưới REDD+ cấp tỉnh, các học viên được lĩnh hội những kiến thức như: Mục tiêu thành lập mạng lưới REDD+ cấp tỉnh; Chương trình UN-REDD và công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về REDD+; Tiểu nhóm truyền thông REDD+ và mối liên hệ với mạng lưới REDD+ cấp tỉnh; Thảo luận nhóm về Cơ chế hoạt động của mạng lưới REDD+ cấp tỉnh. Các nhóm làm bài tập theo các chủ đề vừa mang tính tổng quan vừa bao hàm thực tiễn cụ thể. Đó là: Phân tích vai trò của rừng trong chu trình các bon, Rừng hấp thụ các bon như thế nào, Phân tích vai trò của rừng đối với giảm thiểu tác động của BĐKH. REDD+ là gì? Tại sao lại thực hiện REDD+? Các hoạt động REDD+ tại địa phương, Các thách thức và lợi ích khi một quốc gia thực hiện REDD+ là gì?... Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II và các hoạt động nổi bật ở cấp trung ương và tại 6 tỉnh thí điểm. Đó còn là: Sử dụng “Cây vấn đề” để phân tích nguyên nhân, giải pháp khắc phục về gây mất rừng và suy thoái rừng; Bài học kinh nghiệm về sử dụng công cụ “Cây vấn đề” và “Cây mục tiêu” trong quá trình xây dựng SiRAP; Sử dụng công cụ “Sơ đồ Venn” để phân tích các bên liên quan tới REDD+ tại tỉnh... Các tiểu nhóm truyền thông REDD+ còn cùng nhau trình bày các hoạt động truyền thông phối hợp thực hiện tại tỉnh nhằm phân tích những khó khăn, thuận lợi và tính hiệu quả ở địa phương. Sôi nổi và hấp dẫn nhất là phần thi “Truyền thông viên giỏi về REDD+”. 
 
Mục đích cuộc thi này nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng truyền thông cho các thành viên tổ kỹ thuật truyền thông REDD+ cấp tỉnh và chính sản phẩm từ cuộc thi sẽ được sử dụng như những công cụ truyền thông về REDD+ tại địa phương. Trước hết là phần thi chào hỏi để giới thiệu về thành viên của đội mình thông qua hình thức thơ, ca, hò, vè, múa, kịch ngắn, tấu hài... Tiếp đến là phần thi trắc nghiệm trực tiếp với ngân hàng 100 câu hỏi và hàng trăm đáp án liên quan đến REDD+, BĐKH, chương trình UN-REDD, quản lý - bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững do ban tổ chức chuẩn bị. Cuộc thi diễn ra trong 3 vòng với thể thức đấu loại trực tiếp. Với hệ thống câu hỏi và nội dung đáp án này, một khối lượng kiến thức khá toàn diện và súc tích cung cấp cho các học viên hết sức hữu ích. Có thể nêu một số dẫn chứng sau: Về BĐKH, gồm các câu hỏi: Thời tiết là gì?; Khí hậu là gì?; Ba yếu tố tự nhiên nào gây thay đổi lớn và lâu dài đến khí hậu trái đất?; Định nghĩa về BĐKH?; Nguyên nhân chính làm BĐKH trái đất là do đâu?; Định nghĩa hiệu ứng nhà kính?; Thích ứng với BĐKH là gì?; Đâu là hoạt động giúp và không giúp giảm nhẹ BĐKH?... Về nội dung REDD+ và quản lý bảo vệ rừng, gồm: REDD+ là một cơ chế quốc tế nhằm khuyến khích thực hiện các hoạt động giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng ở các quốc gia đang phát triển. Dấu “+” thêm vào có nghĩa là gì?; Lợi ích nào không phải từ REDD+?; REDD+ thực hiện mấy giai đoạn? Hãy kể tên?; Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn I, II bắt đầu từ năm nào?; UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng” tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015-2020 vào ngày, tháng, năm nào?; Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, độ che phủ tán rừng quy định như thế nào?; Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II gồm mấy kết quả chính?; Giải thích các khái niệm viết tắt: NRAP, PRAP, SiRAP, REL, MRV, BDS, PES,...; Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn I thực hiện tại hai huyện nào của tỉnh Lâm Đồng?; Lưu vực sông Sêrêpôk chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2015 là giá bao nhiêu/ha?; Lưu vực sông Đồng Nai chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2015 là giá bao nhiêu/ha?; Tỉnh Lâm Đồng có độ che phủ đứng thứ mấy ở khu vực Tây Nguyên và trong toàn quốc? 
 
Ở phần tự luận, hệ thống câu hỏi và đáp án tập trung những vấn đề trọng tâm như: Rừng mang lại cho con người những lợi ích gì? Con người đã làm gì gây tác động đến rừng? BĐKH ảnh hưởng tới rừng như thế nào? Rừng ảnh hưởng tới BĐKH như thế nào? Con người ảnh hưởng như thế nào tới BĐKH? BĐKH ảnh hưởng đến đời sống con người như thế nào? Tại sao REDD+ là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được lựa chọn? Các lợi ích xã hội tiềm năng khi thực hiện REDD+? Các lợi ích môi trường tiềm năng khi thực hiện REDD+? Các rủi ro, tác động mà REDD+ có thể mang lại? Tại sao cộng đồng là nhân tố có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của REDD+ tại địa phương?...
 
Cuối cùng là phần thi tiểu phẩm, mỗi đội biểu diễn 1 tiểu phẩm bằng loại hình nghệ thuật tự chọn: kịch nói, nhạc kịch, múa, tấu hài, tuồng, chèo... Trong thời lượng 20 phút, tác phẩm phải chuyển tải được các nội dung gắn kết với REDD+, BĐKH, bảo vệ rừng và văn hóa địa phương. Ban tổ chức còn đặt ra các yêu cầu khác để cho điểm như: diễn xuất, sử dụng trang phục truyền thống địa phương, tính tập thể, thời gian. Chắc chắn sau đợt tập huấn có nhiều ý nghĩa thiết thực này, các tuyên truyền viên cơ sở càng hoạt động hiệu quả hơn khi trở về với địa phương mình.
 
MINH ĐẠO