Đà Lạt sẽ ngày càng hấp dẫn với bạn bè trong nước và quốc tế

09:01, 07/01/2016

Nói đến Đà Lạt, mọi người sẽ nghĩ ngay đến tên gọi của thành phố ngàn hoa. Khi đặt chân lên Đà Lạt nằm trên cao nguyên Langbiang, không những tôi mà rất nhiều người đã ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên với rừng thông trùng điệp, thác nước hùng vĩ và đặc biệt là các loài hoa. 

(Phỏng vấn Đại sứ Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối Ngoại - UNESCO - Bộ Ngoại giao)
 
Đại sứ Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt
Đại sứ Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam
trò chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt

Thưa Đại sứ Sanh Châu, được biết ông là người làm công tác ngoại giao lâu năm, đặc biệt là ngoại giao văn hóa, xin ông cho biết vài suy nghĩ của ông khi Đà Lạt - Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ chọn là thành phố duy nhất của Việt Nam được tổ chức Festival Hoa?
 
Nói đến Đà Lạt, mọi người sẽ nghĩ ngay đến tên gọi của thành phố ngàn hoa. Khi đặt chân lên Đà Lạt nằm trên cao nguyên Langbiang, không những tôi mà rất nhiều người đã ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên với rừng thông trùng điệp, thác nước hùng vĩ và đặc biệt là các loài hoa. Không có nơi nào trên đất nước ta lại có nhiều hoa như ở Đà Lạt - từ hoa rừng nhiệt đới cho đến các loài hoa phương Đông, phương Tây. Thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho Đà Lạt với khí hậu tuyệt vời được coi như một “Paris thu nhỏ”, Đà Lạt đã trở thành thiên đường của rất nhiều loài hoa. Trong đó, dã quỳ, mimosa hay hoa đào là những loài hoa nổi tiếng nhất. Hoa xuất hiện ở khắp mọi nơi: từ các con đường, các triền đồi, các ô cửa sổ, cho đến các khu vườn ngay giữa trung tâm thành phố. Bản thân tôi đã từng có nhiều năm công tác ở châu Âu, đã được đi thăm những cánh đồng hoa oải hương ở Pháp hay thảm hoa chuông xanh Rừng Hallerbos, Bỉ nhưng vẫn bị mê hoặc bởi tấm thảm lung linh, đầy màu sắc của các loài hoa từ những cánh đồng, ngọn đồi và trải rộng đến chân trời của Đà Lạt. Tấm thảm được dệt nên từ màu xanh ngọc của rừng thông, màu vàng của cúc quỳ, của hoa mimosa, màu đỏ thắm của hoa lay ơn hay màu hồng của tình yêu từ những vườn hồng nhung được những người dân nơi đây chăm sóc bằng cả niềm đam mê… Tất cả hòa quyện vào nhau và tạo nên một bức tranh hoàn hảo về màu sắc. Hoa không đơn thuần chỉ đóng vai trò điểm tô cho vẻ đẹp thành phố mà nó đã trở thành niềm tự hào của người dân Đà Lạt. 
 
Với bề dày lịch sử hơn 100 năm, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ chọn là thành phố duy nhất của Việt Nam tổ chức Festival Hoa, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của người dân Đà Lạt mà đã trở thành một điểm nhấn văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Không nơi đâu ở Đông Nam Á có lợi thế khí hậu ôn đới như Đà Lạt. Gần 10 năm qua, Festival Hoa Đà Lạt trở thành sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế, “cú huých” quan trọng để thành phố hoa và sản phẩm hoa của vùng đất lạnh được đông đảo bạn bè gần xa biết đến. Từ thành công của lần tổ chức đầu tiên năm 2005, như lời hẹn, cứ hai năm một lần, Festival Hoa - Đà Lạt lại về trong sự chờ đợi của công dân thành phố hoa và bạn bè trong, ngoài nước. Festival Hoa - Đà Lạt đã thành công với sứ mệnh quảng bá thương hiệu Đà Lạt - thành phố du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng trong nước và thế giới; tôn vinh người trồng hoa, nghề hoa và giá trị hoa Đà Lạt đến bạn bè trong nước và quốc tế. Cùng với vinh dự là trách nhiệm đối với chính quyền và nhân dân Đà Lạt, cần có thái độ tôn trọng và tự hào hơn về môi trường tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt.
 
Ấn tượng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI. Ảnh: HỒ TOÀN
Ấn tượng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI. Ảnh: HỒ TOÀN

Tại Lễ khai mạc Festival Hoa, Ủy ban UNESCO đã trao Bằng chứng nhận Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới cho Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà, ông có thể cho biết thêm ý nghĩa của sự kiện trọng đại này đối với nước ta và thế giới?
 
Ngày 9/6/2015, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (ICC/MAB), Khu Dự trữ Sinh quyển Lang Biang đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới, đưa tổng số Khu Dự trữ Sinh quyển Việt Nam lên con số 9. Đây là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ.
 
Tại Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI-2015, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và đại diện Hội đồng Điều phối Ủy ban Con người và Sinh quyển sẽ trao Bằng chứng nhận Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang. Đây là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của Lâm Đồng, mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cân bằng sinh thái toàn cầu và bảo đảm phát triển bền vững. Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái mà trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
 
UNESCO công nhận Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang, cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên Hiệp Quốc khởi xướng.
 
Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang được UNESCO công nhận vừa là vinh dự, là niềm tự hào, là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, duy trì các chức năng của một Khu Dự trữ Sinh quyển mang tầm thế giới. 
 
Với tiềm năng thế mạnh, khí hậu, dịch vụ nghỉ dưỡng, các sân golf đẹp..., Đà Lạt, Lâm Đồng nên làm gì trong tương lai để đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa, thưa ông?.
 
Đà Lạt - Lâm Đồng, với tiềm năng thế mạnh về khí hậu, tài nguyên, con người là ưu thế lớn để quảng bá hình ảnh của tỉnh. Các hoạt động ngoại giao văn hóa cần được lồng ghép trong các hoạt động giao lưu đối ngoại phong phú đa dạng như Tuần lễ phim nước ngoài, hội chợ du lịch quốc tế, các chương trình biểu diễn nghệ thuật với hàm lượng văn hóa Nam Tây Nguyên đậm nét tại các sự kiện lớn của tỉnh, đặc biệt là Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức hai năm/lần - sự kiện mang tầm cỡ quốc tế giành được nhiều sự quan tâm của đông đảo người dân trong nước và quốc tế. Ta có thể tổ chức đua xe đạp hay đi bộ lên đỉnh núi Lang Biang… Các hoạt động này sẽ tạo cơ hội cho người dân địa phương tiếp cận với văn hóa, đất nước, con người của các quốc gia trên thế giới, đồng thời giúp cho bạn bè quốc tế hiểu về đất nước, con người Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng, góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực giữa Lâm Đồng và các địa phương trên thế giới.
 
Đường hoa Lê Đại Hành - Ảnh: V.B
Đường hoa Lê Đại Hành - Ảnh: V.B

Các hoạt động ngoại giao văn hóa cần được thực hiện xen kẽ một cách chủ động và tích cực trong tất cả các hoạt động đối ngoại của địa phương, tranh thủ hơn nữa trong các diễn đàn hợp tác song phương và đa phương để đưa hình ảnh Lâm Đồng đến với bạn bè quốc tế, trở thành một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh nhằm hỗ trợ thúc đẩy hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại và giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh. Tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh, các giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể, về truyền thống lịch sử, hình ảnh vùng đất và con người Lâm Đồng đến với công chúng trong và ngoài nước qua sự góp sức của gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và 80 cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động đầu tư xúc tiến thương mại, du lịch; Chủ động xây dựng các chương trình dự án để tiếp xúc, gặp gỡ với các tổ chức, đối tác nước ngoài kêu gọi đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
 
Với nỗ lực xây dựng thành phố trở thành thành phố xanh hơn “thành phố sự kiện” thân thiện với môi trường, tôi tin tưởng rằng, Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà du lịch, đầu tư quốc tế. Hơn lúc nào hết, ngoại giao văn hóa đang thực sự là cầu nối tin cậy giữa các quốc gia và các dân tộc trên thế giới. Tôi hy vọng rằng, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, văn hóa Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung đã, đang và sẽ trở thành sức mạnh nội sinh để phát triển - đó chính là một phần tất yếu để hội nhập thế giới trong xu thế hiện nay.
 
Trần Thanh Hoài (thực hiện)