Từng bước "hạ nhiệt" xây dựng sai phép

09:01, 07/01/2016

Bức tranh xây dựng những năm gần đây luôn để lại những bức xúc về tình trạng xây dựng trái phép, sai phép song đã có chiều hướng "giảm nhiệt" trong năm qua. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao so với số giấy phép được cấp, đặc biệt số lượng lớn công trình vi phạm buộc tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không thực hiện. 

Bức tranh xây dựng những năm gần đây luôn để lại những bức xúc về tình trạng xây dựng trái phép, sai phép song đã có chiều hướng “giảm nhiệt” trong năm qua. Tuy nhiên, đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao so với số giấy phép được cấp, đặc biệt số lượng lớn công trình vi phạm buộc tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không thực hiện. 
 
Năm 2015 mặc dù giảm 6,58% số công trình không phép so với cùng kỳ nhưng vẫn còn gần 100 trường hợp xây dựng không phép
Năm 2015 mặc dù giảm 6,58% số công trình không phép so với cùng kỳ nhưng vẫn còn gần 100 trường hợp xây dựng không phép
Theo thống kê, trong vòng một năm nay, trên địa bàn Lâm Đồng đã cấp 3.721 Gấy phép xây dựng (trong đó cấp 3.670 Giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ và 51 Giấy phép xây dựng cấp cho công trình), giảm 1,35% so với năm 2014. Số lượng Giấy phép xây dựng được cấp tập trung phần lớn ở các địa bàn chính bao gồm: Thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng và huyện Di Linh, chiếm tới 72,3% tổng số Giấy phép xây dựng được cấp trong toàn tỉnh, tương đương 2.689 giấy phép xây dựng. Qua đó, các đội Thanh tra Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, các Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện cùng UBND các xã đã tiến hành kiểm tra 4.258 công trình xây dựng trên địa bàn và phát hiện 462 công trình vi phạm trật tự xây dựng, chiếm 10,9% tổng số công trình xây dựng. Đáng nói hơn, trong số các công trình vi phạm này, chiếm đa số là công trình xây dựng không phép với 85,5%, tương đương 395 công trình sai phạm. Và có tới 70% số công trình vi phạm trật tự xây dựng rơi vào 4 địa bàn trọng điểm về xây dựng là Di Linh, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt. Các cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt 409 trường hợp vi phạm với số tiến lên đến gần 2,7 tỷ đồng và buộc tự phá dỡ, cưỡng chế phá dỡ 76 trường hợp. 
 
Bên cạnh đó, theo Thanh tra Sở Xây dựng, nội trong năm 2015, Thanh tra Sở Xây dựng đã tổ chức thanh tra 26 dự án, công trình không thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do các tổ chức làm chủ đầu tư. Từ đó, phát hiện 13 công trình, dự án vi phạm trật tự xây dựng. Các sai phạm tập trung chủ yếu xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai phép. Đáng chú ý một số trường hợp xây dựng sai quy hoạch chi tiết, vượt chiều cao, sai vị trí, vi phạm hành lang bảo vệ cầu…Từ những sai phạm của các công trình, dự án nêu trên, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt hành chính theo thẩm quyền với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
 
Qua đánh giá của Sở Xây dựng, năm qua các cấp, ngành quản lý về trật tự xây dựng đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc xử lý, xử phạt và tổ chức thanh tra trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, nhất là đối với cấp xã; do đó số lượng vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đã phần nào “giảm nhiệt” so với các năm trước đây. Chỉ tính riêng năm 2015 số vụ vi phạm đã giảm 20% so với năm 2014. Tuy nhiên, qua thực tế còn tồn tại nhiều hạn chế, đó là tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại nhiều địa phương còn thấp, một số địa phương đến nay vẫn chưa có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị… dẫn tới không thể cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình nhà ở riêng lẻ cho người dân. Đặc biệt, số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn ở mức cao, chiếm tới 10,9% tổng số công trình được kiểm tra. Nổi cộm nhất là số lượng công trình vi phạm buộc tháo dỡ theo quy định nhưng chủ đầu tư không tự phá dỡ, trong khi cơ quan quản lý hành chính nhà nước chưa tổ chức cưỡng chế phá dỡ còn tới 64/76 trường hợp, chiếm 84,2% tổng số trường hợp buộc tháo dỡ. Nguyên nhân được xác định do chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ thi công, cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo quy định. Nhất là các biện phép ngăn chặn như cấm các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng công trình vi phạm và yêu cầu các cơ quan, đơn vị ngưng cung cấp dịch vụ đối với các công trình vi phạm này.
 
Vì vậy, để chủ đầu tư hoàn thành công trình đưa vào sử dụng dẫn đến khó khăn trong việc phá dỡ, cưỡng chế đối với công trình vi phạm theo quy định của pháp luật. Để khắc phục những hạn chế trên, theo Sở Xây dựng, trong năm 2016 sẽ thành lập 6 đoàn thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong quản lý quy hoạch xây dựng, cấp phép và quản lý xây dựng. Đồng thời tiến hành 20 cuộc thanh tra chấp hành luật pháp về trật tự xây dựng các công trình không thuộc nguồn vốn ngân sách.
 
XUÂN TRUNG