Những già làng, trưởng thôn của buôn làng Đam Rông

09:01, 11/01/2016

Những năm qua, các già làng, trưởng thôn, người uy tín tiêu biểu trên địa bàn huyện Đam Rông đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động con cháu, người thân và nhân dân ở nơi cư trú chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả...

Những năm qua, các già làng, trưởng thôn, người uy tín tiêu biểu trên địa bàn huyện Đam Rông đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động con cháu, người thân và nhân dân ở nơi cư trú chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.  
 
Đường nông thôn mới ở Đam Rông
Đường nông thôn mới ở Đam Rông
Từ năm 2011 đến nay, ông Sùng A Sáng được bà con trong thôn tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn 5, xã Rô Men. Trên cương vị là trưởng thôn, ông luôn trăn trở phải có giải pháp để giúp nhân dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Từ suy nghĩ đó, ông đã cùng với Chi bộ, Ban Mặt trận thôn họp bàn và tìm giải pháp. Trước mắt, là tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu trong lao động, sản xuất, trong cưới hỏi, ma chay, lễ hội; đưa các loại cây, con giống mới vào nuôi, trồng thử nghiệm trên vùng đất canh tác. Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, ông đã đến từng gia đình hướng dẫn cho bà con nông dân cách trồng và chăm sóc cà phê, lúa nước, cách làm chuồng trại chăn nuôi, phòng trừ sâu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Từ đó, diện tích và năng suất các loại cây trồng của người dân đã không ngừng tăng lên. Hiện, toàn thôn có 116ha cà phê, 32ha lúa nước, 10ha sầu riêng, 26ha mì; sản lượng cà phê đạt 3 tấn/ha (tăng 1 tấn so với năm 2010); năng suất lúa nước đạt 5,3 tấn/ha (tăng hơn 1,3 tấn so với năm 2010). Đến nay, đời sống của nhân dân trong thôn có nhiều chuyển biến, các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng khang trang, con em trong thôn được học hành đầy đủ. Ông Sùng A Sáng, xã Rô Men, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền cha mẹ không để cho con cháu mình bỏ học, hay để con mù chữ. Đồng thời, vận động thanh niên tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, xe không bao giờ được chở từ ba người trở lên”.
 
Còn đối với già làng Liêng Hót Ha K’rang, ở thôn 3, xã Đạ Long, những năm qua, già làng đã tích cực vận động con cháu, người thân trong gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân xóa bỏ việc canh tác lạc hậu trong lao động, sản xuất. Đặc biệt, già làng đã tích cực vận động bà con trong thôn ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc; đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Già làng Liêng Hót Ha K’rang, cho hay: “Già làng thường xuyên đi từng hộ nhắc nhở bà con, họ hàng cần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng đường giao thông, đường nông thôn mới”.
 
Đã hơn 30 năm ông Liêng Hót Ha Chong, thôn Đa Cao 2, xã Đạ Tông gắn bó với cương vị là già làng. Cũng chừng đó thời gian, ông đã chứng kiến nhiều đổi thay trên vùng quê mình. Các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, hệ thống trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng được xây dựng khang trang. Các phong tục tập quán lạc hậu trong lao động, sản xuất được đẩy lùi. Có được kết quả đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước còn có sự đóng góp không nhỏ của già làng Ha Chong. Ông nói: “Trách nhiệm của mình là hòa giải những điều bức xúc như: giải quyết cho bà con trong việc tranh chấp đất đai, quan hệ nam nữ, rượu chè quấy phá, ăn cắp, ăn trộm. Mình là người đứng đầu, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể của thôn để giải quyết tại chỗ. Đó là trách nhiệm của một già làng trong thôn, buôn”.
 
Hiện, toàn huyện Đam Rông có gần 100 già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiêu biểu, luôn gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do địa phương phát động. Đồng thời, cùng với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng làm tốt công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương. Thượng tá Phan Thanh Lịch, Chính trị viên, Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng, cho biết: “Những năm qua, vai trò của già làng, trưởng thôn trong khu Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng rất quan trọng. Đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, các già làng, trưởng thôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động bà con không nghe, không tin sự xúi giục của thế lực phản động thù địch; chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động gia đình dòng tộc tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế; tích cực vận động con em đến trường. Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của già làng, trưởng thôn là vận động người thân của mình tích cực tham gia lực lượng dân quân tự vệ, vận động các cháu trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
 
Có thể nói, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn huyện Đam Rông đang có những đóng góp quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; huy động sức mạnh của toàn dân trong việc đẩy mạnh phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần xây dựng huyện Đam Rông ngày càng phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
 
VĂN TÂM