"Tế bào" của xã hội học tập

09:02, 26/02/2016

Nhiều năm qua, Hội Khuyến học thành phố Đà Lạt đã đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH) để xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, bởi "gia đình là tế bào của xã hội".

Nhiều năm qua, Hội Khuyến học (HKH) thành phố Đà Lạt đã đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH) để xây dựng xã hội học tập (XHHT), tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, bởi “gia đình là tế bào của xã hội”.
 
Xây dựng gia đình hiếu học tạo điều kiện cho con em được học tập, vui chơi đầy đủ.
Xây dựng gia đình hiếu học tạo điều kiện cho con em được học tập, vui chơi đầy đủ.

Tại thành phố Đà Lạt, cuộc vận động xây dựng GĐHH đã có sức lan tỏa nhanh và mạnh với con số từ vài trăm GĐHH trong thời gian đầu (năm 2005), đến nay, đã có 32.970 gia đình được công nhận GĐHH, đạt 77,23% trên tổng số hộ gia đình trong toàn thành phố. Số lượng GĐHH tăng nhanh là điều kiện thuận lợi để Đà Lạt thực hiện mục tiêu xây dựng XHHT. Việc học tập trong từng GĐHH được gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng bằng tri thức đã thu nhận được, bằng năng lực sáng tạo của từng thành viên trong gia đình, bằng sự hợp tác với những gia đình xung quanh thông qua việc cùng học hỏi, cùng chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và kỹ năng cũng như thông qua việc giúp đỡ những gia đình khó khăn về vốn, về sức lao động... Trong cuộc vận động này, mỗi gia đình có một cách phấn đấu riêng, nhưng đều để lại những bài học kinh nghiệm quý giá được nhân rộng, phát huy. Có gia đình tuy đời sống kinh tế khó khăn nhưng đã vượt qua ngưỡng đói nghèo để chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn - phường 5 là một điển hình trong việc vượt qua mọi khó khăn nuôi con ăn học thành tài. Hai vợ chồng làm nghề may vá giày, dép cũ, trong căn nhà chật chội ở một con hẻm nhỏ, tài sản được anh chị trân trọng nhất là những tấm giấy khen, bằng khen của hai người con chăm ngoan học giỏi. Cuộc sống còn nhiều vất vả, nhiều hôm anh chị phải thức đến nửa đêm để khâu xong giày cho khách mong kiếm thêm chút tiền trang trải cho việc ăn học đại học của hai người con tận thành phố Hồ Chí Minh. “Thời mình đã không được học hành đến nơi đến chốn nên giờ dù có khó khăn đến mấy, vợ chồng tui cũng ráng để các con được theo học bằng bạn bằng bè”, vừa quệt mồ hôi khi phải khâu giày cả buổi trưa nắng nóng nhưng anh Sơn vẫn cười tự hào. 
 
Sau nhiều năm triển khai, cuộc vận động xây dựng GĐHH đã được các cấp hội trong thành phố coi trọng và tích cực triển khai đến tận khu dân cư. Qua phong trào, người dân ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của gia đình, cộng đồng trong việc chăm lo đến các điều kiện tinh thần và vật chất để hình thành nhân cách con người, giúp con người phát triển và trưởng thành trong cuộc sống. HKH từ thành phố đến phường, xã đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích các gia đình chăm lo đến việc nuôi dạy con cái thành đạt và mọi người trong gia đình cùng học tập. Để làm được việc này, các tổ chức hội thường xuyên vận động mọi gia đình phấn đấu thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng GĐHH. HKH thành phố đã đề xuất với MTTQ và cùng liên kết với các đoàn thể của thành phố trong việc gắn nội dung xây dựng GĐHH với nội dung các phong trào thi đua khác trong thành phố. Đặc biệt, các tiêu chí xây dựng GĐHH là một trong những nội dung bình xét gia đình văn hóa.
 
Bên cạnh đó, cuộc vận động xây dựng GĐHH cũng đã có tác dụng gắn kết giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục tại địa phương với tiêu chí “Tất cả con em trong gia đình ở tuổi học đường phải bảo đảm được đến lớp, học tập đạt kết quả tốt, không lưu ban bỏ học”. Do đó, tại thành phố Đà Lạt, học sinh đã học hết bậc THCS nhưng không thể theo học THPT được các tổ chức khuyến học vận động theo học tiếp ở trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc trung tâm học tập cộng đồng. Toàn thành phố tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp đạt 72%, trẻ tiểu học ra lớp đạt tỷ lệ 99,81%, học sinh THCS ra lớp đạt tỷ lệ 99,65%. Phong trào học tập thường xuyên của người dân cũng được quan tâm, điều kiện học tập cho người dân ngày càng được chú ý. Hiện nay, số người từ 15 đến 60 tuổi biết chữ đạt tỷ lệ 98,19%. “Điểm nổi bật của cuộc vận động xây dựng GĐHH là góp phần tăng số lượng hội viên khuyến học hàng năm, nâng cao vị trí của các tổ chức khuyến học trong toàn dân, thúc đẩy phát triển các phương thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho mọi người. Cuộc vận động xây dựng GĐHH đã tác động đến mọi thành viên trong gia đình trong việc xây dựng chương trình và kế hoạch học tập thích hợp. Qua đó, đã có tác dụng thúc đẩy việc phát triển thêm nhiều cơ sở học tập và phương thức học tập mới, tạo điều kiện cho nhiều người được học”, Nhà giáo ưu tú Thái Thị Hạnh - Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Lạt nhấn mạnh.
 
TUẤN HƯƠNG