Vợ chồng bác sỹ một lòng với phố huyện

09:02, 23/02/2016

Huyện Đạ Tẻh tròn 30 năm thành lập thì cũng gần bấy nhiêu năm vợ chồng bác sỹ Nguyễn Dụng - Châu Ngọc Lan Phương về công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Không ít đồng nghiệp đến rồi đi và sau một phần tư thế kỷ trôi qua, nhìn lại xung quanh số người bám trụ ở lại nơi này đến nay đếm chưa đầy một bàn tay.

Huyện Đạ Tẻh tròn 30 năm thành lập thì cũng gần bấy nhiêu năm vợ chồng bác sỹ Nguyễn Dụng - Châu Ngọc Lan Phương về công tác tại Trung tâm Y tế huyện. Không ít đồng nghiệp đến rồi đi và sau một phần tư thế kỷ trôi qua, nhìn lại xung quanh số người bám trụ ở lại nơi này đến nay đếm chưa đầy một bàn tay. 
 
BS Nguyễn Dụng đang kiểm tra sức khỏe bệnh nhân
BS Nguyễn Dụng đang kiểm tra sức khỏe bệnh nhân

Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh một chiều nắng nóng, hỏi một y sỹ trẻ tuổi về bác sỹ Phương, thay vì đưa đến phòng làm việc của bác sỹ, tôi được hướng dẫn đến trước bảng thông báo lịch trực hàng tuần. Chú mục vào tên của bác sỹ, mới hay bác sỹ Phương bận trực mổ sản kín cả các ngày trong tuần. “Từ khi Trung tâm triển khai phòng mổ sản đến nay chỉ có 2 người đảm nhiệm mổ chính. Nhưng rồi đồng nghiệp cũng chuyển công tác đi nơi khác, còn lại một mình xử lý công việc mổ sản ở khoa. Nay có thêm người nhưng tay nghề của các em chưa vững nên bất kể đêm hôm, giờ giấc, mỗi khi có sản phụ được chỉ định sinh mổ, dẫu không phải trực cũng phải đến xử lý” - BS.CKI Châu Ngọc Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Đạ Tẻh kiêm Trưởng Khoa sản cho hay. Bác sỹ Phương kể: Năm 1989, học y sỹ Trường Trung cấp Y tế Lâm Đồng tại Đà Lạt, ra trường về công tác ở Bệnh viện II Bảo Lộc. Được 3 năm sau thì thi đậu bác sỹ chuyên khoa sản, Đại học Y dược Tp.HCM. Thời điểm đó, bác sỹ Nguyễn Dụng cũng học tại đây, vậy là yêu nhau rồi nên duyên chồng vợ, cùng nhau về công tác tại Trung tâm Y tế Đạ Tẻh từ năm 1996 cho tới nay. 
 
Huyện Đạ Tẻh được thành lập bao nhiêu năm cũng là bấy nhiêu năm bác sỹ Nguyễn Dụng gắn bó với mảnh đất này. Từ quê nghèo Quảng Trị, anh theo gia đình đi kinh tế mới tại xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh năm 1980. Dù khó khăn, nhưng anh may mắn được gia đình quyết tâm cho ăn học thành người. “Khi ấy kinh tế, đường sá đi lại khó khăn, học cấp III phải đi bộ ra tận thị trấn Mađaguôi nên cả vùng kinh tế mới từ Đạ Kho cho đến Đạ Tẻh, Cát Tiên chỉ có đúng 5 đứa theo học. Sau khi tốt nghiệp, anh thi vào Trường Trung cấp y Lâm Đồng, ra trường năm 1989 là về đầu quân cho Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh. Không thỏa mãn với vốn liếng tri thức của một y sỹ, anh tự học rồi cắp cặp đi thi đại học. Trong số 38 người đi thi vào trường y năm đó của tỉnh Lâm Đồng, anh là một trong 2 người ít ỏi đậu vào Trường Đại học Y Dược Tp.HCM. “Hồi đó học bác sỹ ra trường, cơ hội ở lại các bệnh viện lớn dễ hơn bây giờ nhiều nên không ít bạn học cùng khóa tìm đến công tác ở các bệnh viện lớn. Nhưng với riêng bác sỹ Dụng lại lựa chọn con đường trở về nơi từng công tác trong những năm chập chững bước vào đời - Trung tâm Y tế huyện thuộc vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chưa dừng lại ở đó, trong suốt những năm công tác, bác sỹ Dụng còn tham gia nhiều khóa học chuyên khoa ngắn hạn. Vì vậy, các bệnh nhân dễ bắt gặp, mới thấy bác sỹ vừa ở Cấp cứu hồi sức chống độc, một chốc lại thấy đang ở phòng siêu âm, chuẩn đoán bệnh cho bệnh nhân. Theo các y, bác sỹ tại Trung tâm, dù công tác ở khoa nào hay bất kỳ vị trí công tác nào mà bác sỹ Nguyễn Dụng đảm nhận, anh đều tận tụy với công việc, sẵn sàng chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm trời với đồng nghiệp. Đặc biệt, hết lòng với bệnh nhân bất kể sớm trưa, mưa nắng, thậm chí ngoài giờ trực ca. Mỗi khi đồng nghiệp cần sự hỗ trợ trong điều trị, bất kể giờ nào gọi đến anh cũng sẵn sàng giúp đỡ. Bác sỹ Dụng chia sẻ: Trong hoạt động nghề nghiệp từ hơn 20 năm nay, không ít lần anh chị có cơ hội thuyên chuyển đến các bệnh viện ở các thành phố. Bên cạnh điều kiện làm việc tốt hơn còn được nhiều ưu đãi khác đi kèm. Nhưng mỗi khi định chuyển đi, từ lãnh đạo Trung tâm đến lãnh đạo huyện lại khuyên ở lại giúp Trung tâm trong thời kỳ còn nhiều khó khăn thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến con người. Cứ vậy, lần hồi vợ chồng bác sỹ Phương - Dụng gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay. Có điều ít ai biết được, đằng sau diện mạo luôn vui vẻ, cười nói với đồng nghiệp, chăm sóc bệnh nhân hàng ngày, bác sỹ Dụng mang trong mình căn bệnh ung thư vòm họng từ gần chục năm nay.
 
Đó là khoảng thời gian bác sỹ Dụng vừa chiến đấu chống lại bệnh tật của bản thân, vừa nỗ lực giành mạng sống cho nhiều bệnh nhân mỗi khi bị bệnh phải đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh. “Tôi may mắn có được những người thầy, người anh thân thiết; được các đồng nghiệp hết sức yêu quý, chia sẻ. Cùng đó là những tình cảm vì bệnh nhân nơi mình đã lớn lên và trưởng thành nên vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là khi mới phát hiện mình mang bệnh trong người” - bác sỹ Dụng cho hay. Các đồng nghiệp ở Trung tâm chia sẻ, điều đáng quý ở bác sỹ Dụng đó là, trong khi các bác sỹ mới ra trường về công tác luôn được bác sỹ Dụng chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm trong nghề, nhưng đến khi “đủ lông đủ cánh” lại chuyển đi nơi khác có điều kiện sống tốt hơn. Nhìn lại cả Trung tâm hiện giờ, ngoài vợ chồng bác sỹ Phương - Dụng còn thêm hai, ba người nữa là gắn bó với Trung tâm từ khi thành lập tới nay. Còn bác sỹ Phương - người vợ, người đồng nghiệp gắn bó bên chồng bao năm nay bộc bạch: Thấy anh Dụng mang bệnh trong người lại phụ trách Khoa Cấp cứu, sợ anh bị áp lực công việc nhiều cũng lo. Nhưng năm nào bản thân anh cũng như cùng tập thể khoa đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được sở, huyện và tỉnh khen.          
               
Mặc dù bác sỹ Phương - Dụng phải thường xuyên đi trực tại Trung tâm nên tính ra thời gian của hai vợ chồng ở bệnh viện nhiều khi còn hơn ở nhà nhưng anh chị vẫn chăm lo con cái chu toàn. Ngoài ra còn sẵn lòng giúp đỡ các bệnh nhân gặp bệnh hiểm nghèo bằng chính thu nhập của mình. Cùng với các Mạnh thường quân chăm lo cho suất cháo từ thiện mỗi sáng cho bệnh nhân được nhiều người yêu mến. Và quả đúng như bác sỹ Dụng nói rằng: Mình cứ tận tụy hết mình vì bệnh nhân, bệnh nhân sẽ không quên mình, nhất là người dân ở vùng đất còn nhiều khó khăn như huyện Đạ Tẻh.
 
Ghi chép: XUÂN TRUNG