Làn hương Taxol trên đỉnh núi quê xứ

08:03, 03/03/2016

Tôi thường tự nhắc nhở mình, nếu không lắng nghe sự thì thầm của thảo mộc, tiếng của tự nhiên ngàn năm, thì ngọn núi chỉ như một đống đất đắp cao và cái cây trên đỉnh núi kia cũng như cái cây mình trồng trong vườn rẫy.

Tôi thường tự nhắc nhở mình, nếu không lắng nghe sự thì thầm của thảo mộc, tiếng của tự nhiên ngàn năm, thì ngọn núi chỉ như một đống đất đắp cao và cái cây trên đỉnh núi kia cũng như cái cây mình trồng trong vườn rẫy.
 
Ngọn núi nó dạy cho tôi giới hạn của giống loài. Cái cây cổ thụ tự dưng mà đứng đó, nó dạy cho tôi giới hạn của kiếp người. 
 
Đỉnh núi Voi ngày có sương qua
Đỉnh núi Voi ngày có sương qua

Như những cánh rừng trên dãy núi Voi này đây, tôi thương như thịt da của mình. Cánh rừng nào thì tôi cũng phải yêu thương, vì biết nó là quà tặng của trời đất, qua hàng trăm triệu năm vật vã để cấu trúc, hàng ngàn năm để hình thành, và hàng trăm năm để định dạng nên một loài. Rừng trên núi Voi này càng quí, vì nó có loài cây mang tên Thông đỏ - loài thực vật có thể tác động trực tiếp vào sự tồn tại của con người trong cuộc chiến chống ung thư. Ở Việt Nam chỉ còn có thể thấy loài cây kia trên cao nguyên Langbian. Mấy chục năm nay, nhiều chuyên gia y tế bảo nước mình may mắn còn tồn tại một loài cây thuốc đặc biệt hiếm quí. Thông đỏ quí vì trên thế giới, nửa thế kỷ trước ở Mỹ người ta đã dùng nó để chiết xuất ra thuốc chữa bệnh ung thư. Ấy là sau khi nhà sinh hóa P.Poitier (người Mỹ) chiết tách được chất 10 deacetyl baccatin III (10-DAB III) từ lá của loài thông đỏ và chuyển hóa chất này thành tinh chất có hoạt tính chống ung thư là Taxol và Taxotere trong thập niên 1970-80, rồi đưa vào điều trị thành công chữa ung thư buồng trứng, vú, phổi, tuyến tiền liệt… Kể từ đầu thập niên 1994, dược chất Taxol được phổ biến ra thị trường Mỹ, rồi toàn thế giới. Khó có ai làm trong ngành y, dược ở Việt Nam mà có thể không nghe biết đến Taxol. Hai mươi lăm năm sau đấy, ở Việt Nam, tôi cũng đã nhận được thông tin quan trọng và tuyệt vời này. Và các nhà dược học trong nước đã tìm đến núi Voi để lấy cành lá của nó về phân chiết hóa học, rồi xác nhận đúng là có hoạt chất taxol nhiều. Từ đó các cơ quan nghiên cứu lâm sinh của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học lâm nghiệp… cũng tìm lên ngọn núi này để lấy mẫu của nó về nghiên cứu, nhân giâm tạo giống. Đó là những cây cổ khổng lồ lâu năm mà không thể xác định tuổi, bởi chúng được biết đến là loài phát triển rất chậm. Tôi xuất hiện trên đời, nó đã là cổ thụ. Khi tôi biết leo lên núi, nhìn thấy nó, sờ được nó, có tí tri thức về nó, thì nó vẫn đang tươi xanh, hồn nhiên sống. Những cây cổ thụ ít ỏi này nằm chen trong một số loài cây thích nghi được với khí hậu núi cao lạnh khác. Tôi hy vọng quê hương mình rồi sẽ tạo ra được cây non. Tôi hy vọng rồi quê hương mình sẽ trồng lấy nó, tạo thành rừng, trồng công nghiệp. Ước mơ bảo tồn được nguồn gen cây rừng quí, và giấc mơ về một chương trình sản xuất thuốc chữa ung thư hàng hóa từ loài cây hiện hữu trên đất nước mình.
 
Ai cũng bàn tán, tụng ca, vinh danh thông đỏ. Vài cơ quan y dược, doanh nghiệp cũng lập dự án phát triển nó - sản xuất dược liệu. Những “cánh rừng hy vọng” được nói đến. Nhưng rồi, chả có cánh rừng thông đỏ mới thực sự nào được hình thành trên đất nước này từ dạo đó, ngoại trừ mô hình nhân nuôi giống nó mà Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh cùng Viện Sinh học Tây Nguyên lập ra để “chờ” đấy, cùng một trại khảo nghiệm thử bước đầu gần đây của Viện nghiên cứu cây dược liệu. Nghĩa là thực tế cho đến lúc này chỉ có quần thể không hơn chục cây cổ thụ còn lại trên núi Voi là bằng chứng hùng hồn về sự tồn tại của loài thông đỏ - nguồn gen gốc. 
 
*
 
Tôi không phải dân y học, hay lâm sinh, nhưng tôi cứ cố hy vọng cho đồng loại kiệt cùng của mình đang nằm chờ phép màu ở các bệnh viện ung thư. Hoạt chất Taxol, một biệt dược, từ loài cây này. Trong vỏ và lá của nó chứa chất Paclitaxel, hàm lượng khoảng 0,045 - 0,13%, có tác dụng diệt một số loại tế bào ung thư. Taxus wallichiana Zucc - tên khoa học của nó - vẫn nằm mong manh trên núi Voi với tư cách một cổ thực vật lá kim, chưa là cứu tinh cho những người bệnh ung thư. Tôi muốn bảo vệ tới cùng nó, cho một ngày nào đó có một đề án an toàn cho nó, để mọi người còn nguồn gen mà làm những việc lớn kế tiếp. Nhưng tôi bất khả - vì một trái tim bé mọn thì không thể đương đầu với lâm tặc dưới chân núi Voi… Bởi vân cây thông đỏ cổ thụ cưa ra, quá đẹp. Cái giá 1,5 - 2 triệu USD cho một ký Taxol (Taxoid) không bằng một miếng gỗ mỗi cạnh tám mươi phân họ bán 900 ngàn - 1,5 triệu đồng tiền tươi. Vấn đề là gỗ chứ không phải dược chất! Sau này, khi thăm chơi nhà nhiều người đây đó tôi càng ngỡ ngàng không hiểu sao những tấm phản nằm và bộ bàn ghế bằng gỗ thông đỏ có thể rơi xuống không gian đó. Tôi lại càng không đủ sức để cắt nghĩa vì sao trang trại, vườn rẫy của nhiều người bỗng một ngày chớp nháy đã vây quanh từ chân lên sườn núi Voi trong mấy năm nay. Quần thể thông đỏ bị phơi ra, trơ trọi. Ngọn núi Voi bạc phơ dần. Cây thông đỏ nó không nói được tiếng người nên không thể “đàm phán”, hay viết đơn xin “quyền được tồn tại”. Có thể giới y dược, lâm sinh, và kẻ rỗi hơi tôi coi nó quan trọng, nhưng với ai đó nó cũng chỉ là một thứ cây rừng như bao loài cây rừng, và bình minh lên mỗi ngày phải bận rộn với nhiều việc quan trọng khác nên chưa có thời gian cho thông đỏ. Nhưng ở đời, có gì cần kíp hơn bằng mạng sống con người, đồng loại mình.
 
Một cây thông đỏ cổ thụ trên núi Voi
Một cây thông đỏ cổ thụ trên núi Voi

Hình như tôi ngây ngô, và nông nổi quá, khi cứ trèo lên ngọn tù mù mà bênh vực cho loài cây hoang dại trên ngọn núi không phải của mình - nó thuộc “sở hữu toàn dân”.
 
Gần đây, tôi hay mang máy ảnh đi thật sớm để chụp về sương trên đỉnh núi Voi, bởi nó là nơi thường có sương qua, phủ nhiều lúc trong năm. Tôi làm nghệ thuật, để nói về sự mơ mộng của núi Voi, về cái bên trên những vòm lá kia, cái hư ảo, không phải cái trong ruột của những cánh rừng sự thật và mặt đất thế tục ở đó. Tôi tập cố quên đi những cây thông đỏ cuối cùng trên đấy - vì biết mình không thể vác tù và hàng tổng, và cũng vì nó mà làm nhiều nơi, nhiều người khó chịu, tức giận. Có cậu thanh niên từ đâu ở phía sau, vỗ vai tôi: “Có miếng gỗ thông đỏ tươi mới, anh mua không tôi bán rẻ cho, giá 450 ngàn đồng?!”. Lòng tốt tàn bạo của một người bình thường sống bằng nghề xẻ gỗ dành cho một người và tước đi niềm hy vọng sống sót trên đời của nhiều người. Không lẽ tôi cũng sống phàm phu bất chấp như đám đông chọn thỏa mãn cái riêng làm mục tiêu sao; không tử tế rốt ráo được với một loài cây?!. 
 
Có lần, anh Phó Giám đốc Sở Xây dựng phụ trách qui hoạch hỏi tôi (anh dự định đề xuất vị trí ở đầu hồ Xuân Hương, chỗ dự án của Công ty Thái Thịnh lập hôm nào) địa phương muốn xây dựng một Bảo tàng thiên nhiên cho toàn vùng Tây Nguyên, nếu xây nên đặt ở đâu? Tôi nói nên đặt dưới chân núi Voi, tựa lưng vào không gian mà “background” của nó đã nói lên ý nghĩa nguyên sinh, giá trị thiên nhiên, mà quần thể thực vật cổ xưa thông đỏ này là thông điệp đó. Tôi thì vẫn chỉ chụp hình vậy thôi. Nhưng, cho dù chỉ chụp một làn sương bay qua đỉnh núi thì tôi cũng đã mắc nợ ngọn núi này rồi. Mai mốt cái chỏm xanh le lói cuối cùng đó có ra đi nốt thì ngọn núi “mồ côi rừng” vẫn cố mà ở lại, và ký ức về loài thông đỏ vẫn xanh ngời trong không chỉ riêng tôi, mà bất cứ ai ở Lâm Đồng.
 
Tùy bút: NGUYỄN HÀNG TÌNH