Chuyện Trường Sa (bài 2)

09:03, 02/03/2016

Trên đảo chìm, không một bóng cây xanh, chỉ có sóng, gió, cát, san hô và những trái tim trẻ đầy nghĩa tình. "Đảo nhỏ quá, ít chuyện để nói lắm…" nhưng câu chuyện của lính đảo chìm lại hàm chứa biết bao điều cảm xúc. 

Lính đảo chìm
 
[links()] Trên đảo chìm, không một bóng cây xanh, chỉ có sóng, gió, cát, san hô và những trái tim trẻ đầy nghĩa tình. “Đảo nhỏ quá, ít chuyện để nói lắm…” nhưng câu chuyện của lính đảo chìm lại hàm chứa biết bao điều cảm xúc. 
 
Trồng rau nơi gió mặn
Trồng rau nơi gió mặn

Trong hành trình đến với các đảo ở tuyến Bắc quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp đến với đảo chìm Đá Nam và Đá Thị. Lính đảo chìm “thèm” người lắm. Đón chúng tôi ở cầu cảng, các anh mừng vui như gặp lại cố nhân, mặc dù đây là lần đầu gặp mặt. 
 
Giữa bốn bề mênh mông biển nước, đảo chìm thật nhỏ bé so với những con sóng của trùng khơi. Cuối năm mùa biển động, những con sóng cao như muốn nuốt chửng cả đảo vào lòng biển. Sóng đánh lên tận tầng hai tòa nhà từng đợt nước mặn chát. Có lẽ, không ở đâu nước biển mặn như ở đảo chìm. Mặn bởi cả những giọt mồ hôi đầy vất vả, khó khăn của người lính.
 
Với lính đảo chìm, rau xanh và nước ngọt là hai thứ quý như máu. Bởi trồng rau ở đảo đã khó, trồng ở đảo chìm lại càng khó khăn hơn. Tàu tiếp tế một năm ra vài chuyến, mỗi chuyến cũng chủ yếu là chở các loại củ, quả như bí đỏ, bí xanh - những loại bảo quản được lâu. Trồng rau xanh không chỉ là niềm vui mà còn là mệnh lệnh không lời của lính đảo chìm. Các anh chắt chiu từng nhúm đất mang ra từ đất liền, từng giọt nước ngọt hiếm hoi để trồng những vườn rau xinh xắn, nhỏ nhắn trên đảo. Rau trồng trên bể nước, trong những thùng compozit đặt san sát nhau. Rau xanh hiện hữu trong bữa cơm của các anh ở những nồi canh “toàn quốc” (Những nồi canh nấu loãng, chủ yếu là nước).
 
Mùa biển động. Mỗi khi biển nổi cơn thịnh nộ, sóng đánh ập vào những vườn rau. Những người lính đảo chìm phải mình trần đánh vật với sóng gió để che chắn. Nhưng đảo nhỏ quá, biết tránh vào đâu cho hết. Cố gắng mấy rau cũng dính nước mặn héo dần và chết đi trong sự tiếc nuối không nói nên lời của người chiến sỹ. Đón đoàn chúng tôi là bữa cơm có nồi canh nấu loãng. Trò chuyện mãi, cậu chiến sỹ trẻ trên đảo mới “bật mí” với tôi: “Mấy bữa trước anh em chăm sóc rau tốt lắm để đón các anh chị ra thăm, vậy mà hôm rồi gió to quá, sóng đánh hỏng hết. Mấy anh chị vượt sóng gió xa xôi ra đây với chúng em chắc cũng thèm rau lắm. Chứ bọn em thì thèm quen rồi”. Chợt nghĩ những cánh đồng rau bạt ngàn ở cao nguyên Lâm Đồng, những khi được mùa rau lại mất giá phải đổ bỏ, nghĩ tới những bữa ăn thừa mứa nơi phố thị mà chợt thấy xót lòng.
 
“Tao về nhé, nhớ ăn uống kẻo gầy Vàng ơi!”
“Tao về nhé, nhớ ăn uống kẻo gầy Vàng ơi!”

Ở đảo chìm chẳng giọt nước ngọt nào bị bỏ phí. Tất cả lượng nước ít ỏi sinh hoạt hằng ngày đều được trữ lại để tưới rau. Nhất là vào mùa khô, tắm là chuyện hằng tuần, còn giặt là chuyện hằng tháng nhưng các anh vẫn đùa rằng “trữ đất trên người để trồng hoa”. 
 
Thiếu thốn là thế nhưng chỉ cần tàu ngư dân ghé vào, anh em vẫn sẵn sàng nhường hết phần rau xanh có trên đảo và hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết khác để bà con tiếp tục vươn khơi bám biển. Và cứ thế, giữa biển khơi, thế trận lòng dân đang được các anh xây dựng ngày càng vững chắc từ những tấm lòng, để quân và dân cùng góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Lính đảo chìm còn trẻ lắm và ai cũng mang nặng tâm tình “Ngày chưa có vợ, có con, xách ba lô lên ra đảo làm nhiệm vụ nhẹ nhàng lắm. Có vợ con rồi, chiếc ba lô đã nặng hơn, nhưng đã chọn nghiệp Hải Quân là đời mình đã gắn với biển nên anh em ai cũng cố gắng nén yêu thương đi làm nhiệm vụ. Bảo vệ biển đảo cũng là bảo vệ chính gia đình mình mà”.
 
Chúng tôi ra thăm đảo đợt này, cũng là dịp tàu đón các chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ trở về với đất liền. Cảnh chia tay giữa người ở, người về thật bùi ngùi xúc động. Nhưng có lẽ khó ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh những chiến sỹ trẻ trở về vẫn xoa đầu và dặn dò những người bạn đặc biệt “Tao về nhé, nhớ ăn uống kẻo gầy Vàng ơi!”. Lính đảo chìm là thế, mộc mạc nhưng cũng rất chân tình! Các anh tươi cười, không thở than mà sẵn sàng đối mặt. Thế mới biết không có sức mạnh sóng gió, gian truân nào có thể quật ngã các anh, những người lính Trường Sa ở các đảo nổi, đảo chìm, những người lính đầu đội nắng, ngực chắn sóng, chân đạp trên cát bỏng..., luôn dạt dào tình yêu đất nước và quyết tâm giữ gìn vùng biển đảo quê hương.
 
NGỌC NGÀ