"Trồng người" trên non cao

09:04, 18/04/2016

Hơn 5 năm gắn bó với học sinh DTTS vùng sâu Đam Rông, cô giáo bộ môn Giáo dục công dân Nguyễn Thị Tính - Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Phi Liêng) không những dạy chữ mà còn chỉ bày những điều hay lẽ phải cho học sinh.

Hơn 5 năm gắn bó với học sinh DTTS vùng sâu Đam Rông, cô giáo bộ môn Giáo dục công dân Nguyễn Thị Tính - Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Phi Liêng) không những dạy chữ mà còn chỉ bày những điều hay lẽ phải cho học sinh.
 
Rời đồng bằng Thanh Hóa, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tính chọn vùng non cao Đam Rông, Lâm Đồng làm nơi lập nghiệp. Những ngày đầu làm giáo viên Trường THCS&THPT Phi Liêng (khi chưa tách trường), cô Tính không khỏi bỡ ngỡ trước đám học trò vùng cao hiền lành nhưng khá rụt rè, khó gần. Nhất là tình trạng học sinh còn thụ động trong việc học và nghỉ học nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và tỷ lệ duy trì sĩ số lớp. Qua tìm hiểu, cô được biết khi đó nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em, nhiều học sinh nghỉ học để lên nương rẫy phụ giúp cha mẹ, cũng có em chưa “mặn mà” với trường lớp nên tự ý nghỉ học ở nhà chơi… Vậy là, những buổi chiều tan lớp, cô tìm đến tận nhà các em để chuyện trò, động viên bản thân học sinh và cả phụ huynh để các em tiếp tục đến lớp. Khi nghe nhiều phụ huynh tâm sự vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải cho con nghỉ học, cô không khỏi xót xa. Và những đôi dép, cây bút, cả những bữa ăn đạm bạc được cô và đồng nghiệp trích ra từ đồng lương ít ỏi của mình đã giúp nhiều học sinh yên tâm theo đuổi ước mơ “con chữ”. 
 
Khích lệ, động viên học sinh đến trường đã khó, việc “giữ chân” các em còn khó hơn. “Làm sao để các em yêu lớp, gắn bó với trường và ý thức trong việc học của mình là điều mà cả Ban Giám hiệu và mỗi thầy cô giáo quan tâm hàng đầu khi công tác ở trường vùng sâu, vùng DTTS. Vì thế, cả tập thể nhà trường và mỗi giáo viên đều phải nỗ lực, bên cạnh truyền đạt kiến thức, chúng tôi còn phải dạy dỗ, chỉ bày các em những điều đơn giản nhất trong cuộc sống vì đa số học sinh đều đi học xa nhà, thầy cô giáo kiêm luôn cả vai trò làm cha mẹ để các em vững tin trên con đường học tập của mình”, cô Tính chia sẻ. Là giáo viên dạy Giáo dục công dân, tuy là bộ môn phụ nhưng giờ học của cô luôn được học trò chờ đón. Ngoài những lý thuyết cơ bản, cô luôn lồng ghép những tình huống cụ thể ngoài thực tế để dễ “thẩm thấu” vào học sinh. Cô Tính đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học trò để giúp các em tự tin và biết cách ứng xử trong cuộc sống. Giờ học Giáo dục công dân trở thành cuộc đối thoại với những nụ cười thoải mái của cả cô và trò. “Chúng em được cô Tính chỉ dạy nhiều điều, nhất là cách sống tự lập khi phải sống xa nhà, cách ứng xử với bạn bè, với những người xung quanh. Mỗi khi ai có thắc mắc gì đều nhờ cô tư vấn, giải thích”, Rơ Ông K’Nghen - học sinh lớp 12 cho biết. 
 
Trong căn phòng tập thể dành cho giáo viên của gia đình cô Tính, tuy chồng làm kiểm lâm phải xa nhà thường xuyên nhưng phòng cô khi nào cũng đông đúc bởi sự lui tới thường xuyên của học trò. Cô không chỉ là cô giáo mà còn như một người mẹ, người chị luôn nhẹ nhàng chỉ vẽ cho học trò. Các em tìm đến cô trò chuyện đơn giản chỉ vì mến cô, cũng có em tìm đến để được nghe một lời khuyên chân thành… “Cô Tính là một giáo viên dạy giỏi của trường, cô rất được học sinh yêu mến. Cô là một trong những giáo viên nỗ lực trong việc duy trì sĩ số học sinh và giáo dục kỹ năng sống cho các em, nhất là những em phải sống xa gia đình để trọ học. Cũng nhờ vậy mà học sinh của trường rất ngoan, ngày càng tự tin hơn và có ý thức học tập hơn”, đó là nhận xét của cô Lê Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh về cô giáo Nguyễn Thị Tính.
 
VIỆT HÙNG