Võ sư của nhiều thế hệ, nhiều môn phái

08:04, 22/04/2016

Ở tuổi 76, Lương y - Võ sư huyền đai đệ thất đẳng Phạm Xuân Việt (TP. Đà Lạt) vẫn ngày ngày lên lớp, truyền dạy cho các thế hệ học trò của mình những quyền cước nằm lòng, và với mong muốn lớn hơn như cách mà ông chia sẻ, đó là "truyền dạy cho các em không chỉ sức khỏe, sự dẻo dai, mà còn là học cách để làm người".

Ở tuổi 76, Lương y - Võ sư huyền đai đệ thất đẳng Phạm Xuân Việt (TP. Đà Lạt) vẫn ngày ngày lên lớp, truyền dạy cho các thế hệ học trò của mình những quyền cước nằm lòng, và với mong muốn lớn hơn như cách mà ông chia sẻ, đó là “truyền dạy cho các em không chỉ sức khỏe, sự dẻo dai, mà còn là học cách để làm người”.
 
Thầy Phạm Xuân Việt biểu diễn đường quyền Taekwondo
Thầy Phạm Xuân Việt biểu diễn
đường quyền Taekwondo
Lương y - Võ sư Phạm Xuân Việt sinh năm 1940 tại Phú Thọ. Vốn đam mê thể thao từ nhỏ nên từ lúc 12 tuổi, chàng thanh niên Phạm Xuân Việt đã cùng với chúng bạn chọn môn võ nhu đạo để luyện tập, rèn luyện sức khỏe sau những giờ học văn hóa. Theo học môn võ nhu đạo trong suốt 8 năm liền, tốt nghiệp phổ thông, ông chính thức trở thành thầy dạy bộ môn võ thuật này. Song song với đó, khi bộ môn Taekwondo mới du nhập vào Việt Nam, ông vừa dạy võ nhu đạo, vừa theo học chuyên nghiệp bộ môn võ thuật Taekwondo trong 2 năm liền. Ra trường, với huyền đai đệ nhất đẳng, ông cũng trở thành thầy dạy bộ môn này. 
 
Đam mê võ thuật nên trong quá trình giảng dạy, ông không ngừng tìm hiểu, sáng tạo dựa trên những kiến thức mà mình đã được học. Và chính từ những kinh nghiệm của bản thân đúc rút được trong quá trình dạy và học sau khi ra trường, năm 30 tuổi, ông đã sáng tạo ra bộ môn võ tự do nhằm giúp người học tự tin hơn cũng như dẻo dai và thực tế hơn, đồng thời, bộ môn này hỗ trợ các bộ môn võ thuật khác rất nhiều. Môn võ tự do đã được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam công nhận vào năm 1990. Sau này, ông cũng là người đầu tiên của Lâm Đồng được Liên đoàn Võ thuật tỉnh cử theo học bộ môn Pencak Silat khi môn võ này được giảng dạy tại Hà Nội.
 
Không chỉ giỏi võ, ông còn “rành” về y học, là Lương y đa khoa quốc gia. Bởi, theo ông thì thời của ông lúc bấy giờ, người học võ phải vừa phải kèm với học y để có thể xử trí các chấn thương có thể xảy ra trong quá trình dạy học. Năm 1980, ông vừa dạy võ, vừa mở phòng mạch đông y và duy trì cho đến tận bây giờ. Ông bảo, ông may mắn khi vừa được theo đuổi niềm đam mê của mình là võ thuật, lại được học y khoa để cứu người. Và trong quá trình giảng dạy võ thuật, ông đã nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra nhiều loại thuốc bôi không có độc tố để chữa trị cho các môn sinh của mình nếu chẳng may họ bị chấn thương trong quá trình theo học.
 
56 năm dạy võ, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ võ đường của ông và kiến thức mà họ học được từ ông không chỉ là những quyền cước để khỏe hơn, dẻo dai hơn mà đó còn là sự khiêm nhường, luôn biết nghĩ cho người khác; đồng thời cũng phải biết bao dung và tha thứ - đó là những lời răn dạy đầu tiên và trong suốt quá trình theo học của thầy Việt dành cho các môn sinh của mình. Và học trò của ông cũng rất đa dạng, không chỉ những người lành lặn, khỏe mạnh mới tìm đến học, mà còn có cả những người bị khiếm khuyết, yếu đuối. Và dù họ là ai, khi đã trở thành học trò của ông, sau một thời gian theo học cũng trở nên tự tin hơn, hòa đồng hơn và đều mang trong mình sự kính phục đối với người đã truyền dạy cho họ không chỉ là những đường quyền đẹp mà còn dạy họ học cách làm người. “Tôi theo học thầy trong nhiều năm và tình nghĩa thầy trò theo thời gian đã được chứng minh. Tôi cảm phục thầy không chỉ về chuyên môn, mà còn ở đức độ và phong cách” - anh Trần Đức Hải, một học trò lâu năm, hiện giữ cương vị quản lý một cơ sở văn hóa - thể thao đầy tự hào khi nói về người thầy của mình.
 
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, Lương y - Võ sư huyền đai đệ thất đẳng Taekwondo duy nhất còn lại của Lâm Đồng vẫn được tín nhiệm giữ các chức vụ quan trọng như: Trưởng bộ môn tự do của Liên đoàn Võ thuật tỉnh; Chủ tịch bộ môn Pencak Silat của tỉnh. Và hàng ngày, ngoài thời gian dạy võ và bắt mạch ở nhà, ông vẫn đều đặn lái xe ô tô đến Nhà văn hóa Lao động tỉnh, truyền dạy niềm đam mê võ thuật cho những môn sinh thật sự yêu thích bộ môn Taekwondo, Pencak Silat và võ Tự do. “Đó cũng là cách giúp tôi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và tôi sẽ tiếp tục đứng lớp, đem hết những gì mà tôi có để truyền dạy cho các em đến lúc nào có thể” - võ sư Phạm Xuân Việt vui vẻ nói.
 
THY VŨ